Giá cà phê sẽ có biến động lớn

06/09/2022 13:29 GMT+7
Giá cà phê khả năng cao sẽ dao động với biên độ lớn trong tuần này khi đồng USD có thể tiếp tục neo ở mức cao...

Giá cà phê hôm nay 6/9: Quay đầu giảm trở lại

Giá cà phê hôm nay (6/9) quay đầu giảm trở lại sau khi đã đi ngang vào hôm qua. Hiện tại, giá thu mua nội địa đã được điều chỉnh về khoảng 47.000 - 47.600 đồng/kg. Hiện tại, Lâm Đồng đang là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 47.000 đồng/kg. Cùng giao dịch với chung mức 47.500 đồng/kg là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông. Tương tự, giá thu mua cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng được điều chỉnh xuống mức 47.600 đồng/kg - cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Giá cà phê trong nước trong tuần qua liên tục giảm điểm, rớt khỏi mốc giá 48.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất trong 2 tuần trở lại đây. So với phiên mở cửa đầu tuần trước (ngày 29/8), giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua đã giảm khoảng 1.000 – 1.500 đồng/kg tùy địa phương.

Chiều hướng giảm giá cà phê trong nước được cho là chịu ảnh hưởng của việc tụt giảm sâu liên tiếp giá cà phê thế giới ở cả 2 sàn London và NewYork.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần (ngày 5/9), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tiếp tục giảm nhẹ 6 USD (0,27%), giao dịch tại 2.217 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 6 USD (0,27%), giao dịch tại 2.209 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Sàn ICE Futures US - New York nghỉ Lễ Labor Day, đóng cửa cả ngày không giao dịch. Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm mạnh trong phiên trước đó, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 3,70 Cent (1,59%), giao dịch tại 228,8 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 3,65 Cent/lb (1,62%), giao dịch tại 222,10 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Giá cà phê sẽ có biến động lớn - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay (6/9) quay đầu giảm trở lại sau khi đã đi ngang vào hôm qua.

Dòng tiền tiếp tục trú ẩn vào đồng USD, giá cả các mặt hàng thị trường hàng hóa đa phần đều giảm trước lo ngại các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ suy yếu.

Giá cà phê Robusta có nhịp giảm nhẹ hơn Arabica do được hỗ trợ bởi thông tin tồn kho. Tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn London tính tới hết 31/8 giảm 850 tấn, còn 94.750 tấn trong khi tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York tiếp tục ghi nhận tăng nhẹ.

Các chuyên gia phân tích kỹ thuật cho biết, các chỉ số đều cho tín hiệu động lượng giảm giá vẫn còn nên dự báo khả năng trong ngắn hạn giá Robusta sẽ tiếp tục nhịp điều chỉnh giảm với vùng hỗ trợ gần là 2.200-2.210 và xa hơn là vùng 2.155-2.170. Nếu giá thủng mức kháng cự này có thể kích hoạt nhịp giảm mạnh của giá.

Lời phát biểu mang tính định hướng kinh tế-tài chính tại Hội nghị Jackson Hole của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có tác động rõ ràng lên thị trường, nhất là giới đầu tư và kinh doanh tài chính trên các sàn giao dịch cổ phiếu và hàng hóa thương phẩm.

Khả năng Mỹ tăng lãi suất trong kỳ họp của Fed sắp tới được dự báo khá chắc chắn. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát Khu vực EuroZone cũng chạm mức kỷ lục 9,1%, mức cao nhất tính từ nhiều thập kỷ, khiến Ngân hàng trung ương EU (ECB) ủng hộ phương án tăng lãi suất sắp tới trên 0,5%.

Trong khi đó, Trung Quốc cố gắng ngăn đà suy thoái bằng cách tung 1.000 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế theo chính sách Zero-Covid. Ngay đầu tháng 09/22, thành phố Thành Đô (Trung Quốc) quyết định phong tỏa hơn 21 triệu dân để “trấn áp” dịch Covid-19.

Đứng trước hiện tượng giá thị trường bấp bênh, nhiều nhà kinh doanh tiền tệ đã bán tháo cổ phiếu và một số hàng hóa thương phẩm nhằm ôm tiền USD. Chỉ số giá trị đồng USDX hai ngày cuối tuần trước giao dịch trên 109 điểm, có lúc chạm 109,975 điểm, là mức cao nhất từ hơn 20 năm.

Giá cà phê sẽ có biến động lớn...

Giá cà phê khả năng cao sẽ dao động với biên độ lớn trong tuần này khi đồng USD có thể tiếp tục neo ở mức cao.

Dự báo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cả năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể thiết lập được mốc kim ngạch 4 tỷ USD.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8/2022 đã đạt 110.000 tấn, trị giá 257 triệu USD, giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 9,0% về trị giá so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt mức 3,07 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái.

Giá xuất khẩu cà phê đã tăng đáng kể từ đầu năm tới nay. Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới đều tăng lên mức kỷ lục. Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.336 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 7/2022 và tăng 16,1% so với tháng 8/2021.

8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cà phê sẽ có biến động lớn - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức cao, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Theo phân tích từ các chuyên gia, giá cà phê tuần này (từ ngày 5/9 – 10/9), giá cà phê thế giới được dự báo sẽ tiếp tục cầm chừng mức giá như hiện tại ở trường hợp tích cực và tiếp tục có khả năng cao sẽ giảm điểm từ những tuyên bố mạnh mẽ từ Fed.

Chịu ảnh hưởng của giá cà phê thế giới, giá cà phê trong nước có thể sẽ giảm giá nhẹ ở một vài phiên, nhưng khả năng thấp. Ở trường hợp tích cực, giá cà phê sẽ đi ngang và tăng nhẹ.

Tháng 8/2022, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất, giá cà phê thế giới tăng mạnh trên cả hai sàn London và New York. Báo cáo tồn kho ICE tiếp tục giảm và thời tiết khô hạn ở các vùng trồng cà phê Brazil. Tại Việt Nam, các kho dự trữ cà phê Robusta hiện còn khoảng 200.000 tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu không muốn đưa cà phê về kho ICE – Europe đăng ký đấu giá vì chi phí logistics cao. 

Tính đến ngày 22/8/2022, tồn kho cà phê Robusta trên sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát giảm thêm 1.700 tấn (giảm 1,73%) so với tuần trước, xuống còn 96.480 tấn (1.608.000 bao, 60 kg).

Trên sàn giao dịch London, ngày 29/8/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022 và tháng 11/2022 cùng tăng 13,2% so với ngày 29/7/2022, lên mức 2.281 USD/tấn và 2.279 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 1/2023 và tháng 3/2023 tăng lần lượt 13,5% và 13,1% so với ngày 29/7/2022, lên mức 2.260 USD/tấn và 2.231 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 29/8/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 10,8%, 11%, 10,4% và 10,2% so với ngày 29/7/2022, lên mức 242 Uscent/lb, 238,1 Uscent/lb; 231,65 Uscent/lb và 228,1 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 29/8/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 8,8% so với ngày 29/7/2022, lên mức 286,8 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 12/2022 và tháng 3/2023 tăng lần lượt 9,0% và 10,2% so với ngày 29/7/2022, lên mức 284,05 Uscent/lb và 285,7 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.334 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 264 USD/tấn (tương đương mức tăng 12,7%) so với ngày 29/7/2022. 

Giá cà phê sẽ có biến động lớn - Ảnh 3.

Dự báo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cả năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể thiết lập được mốc kim ngạch 4 tỷ USD.

Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới. Lo ngại nguồn cung thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá cà phê tăng. Theo khảo sát của Bloomberg, dự trữ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ giảm một nửa vào cuối tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cà phê của Việt Nam cũng dự kiến sẽ giảm 6% xuống còn 1,72 triệu tấn trong giai đoạn 2022/2023. Trong khi đó, nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados cho rằng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ không đạt mức dự báo 61,1 triệu bao do hệ quả của những đợt sương giá và khô hạn năm ngoái.

Theo ước tính, về chủng loại: Tháng 7/2022, xuất khẩu cà phê Robusta giảm về lượng, nhưng các chủng loại cà phê khác tăng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng, ngoại trừ cà phê Excelsa giảm mạnh. Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 98,72 nghìn tấn, trị giá 192,4 triệu USD, giảm 9,9% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,01 triệu tấn, trị giá gần 2 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang một số thị trường giảm về lượng, như: Nhật Bản, Angieri, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường tăng, gồm: Đức, Bỉ, Ý, Hoa Kỳ...

Theo Cục Xuất nhập khẩu trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời tiết nắng nóng tại Âu Mỹ khiến người tiêu dùng hạn chế tiêu thụ cà phê. Thêm vào đó, các hãng kinh doanh cà phê thường nghỉ hè từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 hàng năm, nên sức mua hàng thực đang giảm mạnh. Chính vì vậy, giá cà phê trên hai sàn sẽ được điều khiển bởi giới đầu tư tài chính, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tiền tệ, lạm phát…

Phải cho đến tháng 10 giá cà phê mới có phần nào theo yếu tố cung cầu vì bấy giờ Brazil vào mùa mưa. Nếu như gặp hạn hán hay một yếu tố thời tiết bất ngờ nào đó, giá có thể sẽ mạnh hơn vì năm 2023 Brazil quay về chu kỳ năm mất mùa. Thị trường cũng chuẩn bị chào đón niên vụ mới của Việt Nam. Nhờ thời tiết khá thuận lợi, nhiều người tin rằng năm nay, hàng cà phê Việt Nam sẽ ra sớm hơn các năm trước. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vẫn khá lạc quan về tình hình tiêu thụ thời gian tới khi thế giới đang phục hồi sau Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. 

Hiện chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là Việt Nam kết thúc niên vụ 2021-2022, trong khi sản lượng đang được dự kiến sẽ ở mức thấp hơn so với niên vụ trước. Do đó, bất chấp lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại trên thế giới làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ, giá cà phê nhiều khả năng sẽ khó có thể giảm sâu.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn ít cà phê cho xuất khẩu. Đến tháng 11 - 12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022 - 2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Dự báo, ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 - 40% vì cả thế giới đang thích ứng với Covid-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm.

Vào hôm thứ Hai (5/9), Rabobank đã hạ dự báo sản lượng cà phê toàn cầu cho niên vụ 2022 - 2023, và cho biết rằng giá cao ảnh hưởng rất ít đến sản xuất ở Brazil, Colombia, Honduras và Việt Nam, theo Nasdaq.

Theo đó, ngân hàng này dự kiến sản lượng cà phê toàn cầu đạt 169 triệu bao loại 60kg trong niên vụ 2022 - 2023, hạ từ mức 172,3 triệu bao trước đó.

Đồng thời, Rabobank nhận định, thị trường cà phê sẽ ghi nhận mức thâm hụt 1,3 triệu bao, chủ yếu đối với giống arabica. Trước đó, cơ quan này đã dự báo mức thặng dư 1,7 triệu bao cho niên vụ 2022 - 2023.

Rabobank cho biết, nhu cầu cà phê toàn cầu không có nhiều biến động, và trong trường hợp suy thoái, họ không mong đợi sẽ có bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong tiêu thụ, ít nhất là ở các thị trường trưởng thành.

Tính đến thời điểm này trong năm, giá cà phê arabica chuẩn KCc2 trên Sàn giao dịch kỳ hạn ICE đã giảm 1,8% - sau khi tăng 73,6% vào năm ngoái. Giá đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ vào đầu năm nay và vẫn ở mức cao trong lịch sử.

Rabobank cho biết, giá cả có thể sẽ vẫn biến động trong một thời gian. Các kho dự trữ trên sàn giao dịch ICE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cực thấp cho đến tháng 11 năm sau, gây áp lực tăng giá khi lo ngại suy thoái, chiến tranh và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu tiếp tục đè nặng. 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục