Thị trường cà phê lại diễn biến khó lường
Giá cà phê ngày 4/8 đứng yên chờ tín hiệu thị trường...
Giá cà phê trong nước hôm nay đi ngang, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 44.400 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 43.800 đồng/kg.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 43.900 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 43.800 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Lắk, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 44.400 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 44.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai, giá ở Pleiku là 44.300 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 44.300 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Nông, dao động ở ngưỡng 44.300 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum, dao động ở mức 44.300 đồng/kg..Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM, dao động ở ngưỡng 48.300 đồng/kg.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đã đứng yên ba ngày liên tiếp. Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở 2.081 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê kỳ hạn tiếp tục diễn biến trái chiều. Khảo sát phiên giao dịch sáng ngày 4/8, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1 USD, xuống 2.026 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 3 USD, lên 2.023 USD/tấn, các mức tăng/giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 4,75 cent, lên 214,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 4,55 cent, lên 211,25 cent/lb, các mức tăạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Quý II/2022, giá cà phê thế giới nhìn chung ở mức thấp do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu. Đồng Real của Brazil suy yếu khiến người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán hàng, gây áp lực lên nguồn cung. Tháng 7/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp. Xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu, lạm phát toàn cầu ở mức cao, các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái.
Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, lên mức 2,25 – 2,5%/năm gây áp lực lên thị trường hàng hóa toàn cầu.
Trên sàn giao dịch London, ngày 29/7/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 11/2022 và tháng 1/2023 giảm lần lượt 0,1%, 0,05% và 0,95% so với ngày 29/6/2022, xuống còn 2.015 USD/tấn, 2.014 USD/tấn và 1.991 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica biến động không đồng nhất. Ngày 29/7/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 0,3% so với ngày 29/6/2022, lên mức 218,4 Uscent/lb. Ngược lại, giá cà phê Robuta giao kỳ hạn tháng 12/2022 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 0,5% và 1,7% so với ngày 29/6/2022, xuống còn 214,6 Uscent/lb và 209,85 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 29/7/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 2,7%, 3,0% và 3,8% so với ngày 29/6/2022, xuống còn 263,6 Uscent/lb, 260,65 Uscent/lb và 259,25 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.070 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 2 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,1%) so với ngày 29/6/2022.
Giá cà phê thế giới dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động từ xung đột vũ trang tại Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu và báo cáo kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, GDP quý II/2022 suy giảm quý thứ 2 liên tiếp, mức giảm 0,9%.
Thị trường cà phê Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm 2022 của Việt Nam thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021/2022 đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% sản lượng là cà phê Robusta), thấp hơn so với 1,62 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021. Quý II/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa mặc dù có sự biến động mạnh, song có xu hướng tăng dần duy trì vào cuối tháng. Cuối tháng 4/2022, giá cà phê Robusta quanh mức 39.700 – 40.300 đồng/kg; cuối tháng 5/2022 tăng lên mức 41.600 – 42.000 đồng/kg; cuối tháng 6/2022 lên mức 42.600 – 43.100 đồng/kg. Bước sang tháng 7/2022, giá cà phê Robusta mặc dù có thời điểm giảm xuống mức thấp 40.800 – 41.300 đồng/kg (ngày 15/7/2022), tuy nhiên giá có xu hướng tăng dần. Ngày 29/7/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 900 đồng/kg so với cuối tháng 6/2022, lên mức 43.500 – 44.000 đồng/kg.
Quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã phải đối mặt với khó khăn do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý II/2022 đạt xấp xỉ 437,2 nghìn tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, giảm 14,9% về lượng và giảm 14,1% so với quý I/2022, nhưng so với quý II/2021 tăng 12% về lượng và tăng 35,6% về trị giá.
Trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Ước tính, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 7/2022 đạt 125 nghìn tấn, trị giá 284 triệu USD, giảm 9,0% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với tháng 6/2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 7/2022 ước đạt mức 2.272 USD/tấn, giảm 1,0% so với tháng 6/2022. Căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến trạng lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá cà phê ở mức thấp. Nếu xung đột vũ trang Nga và Ukraine chưa sớm chấm dứt, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại của quý III/2022.
Quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Âu và châu Á giảm so với quý I/2022, nhưng xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ tăng 33,2%; châu Đại Dương tăng 12,1%; châu Phi tăng 11%. So với quý II/2021, xuất khẩu cà phê sang tất cả các châu lục tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu sang châu Đại Dương tăng cao nhất (tăng 134,6%); châu Á thấp nhất (tăng 8,2%).
Quý II/2022 so với quý I/2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường khu vực châu Âu giảm, ngoại trừ Nga. Đối với khu vực châu Á, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm, ngoại trừ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ. Đối với khu vực châu Mỹ, xuất khẩu cà phê sang Hoa Kỳ, Canada tăng. So với quý II/2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Philippines, Thái Lan, Malaysia.
Quý II/2022 so với quý I/2022, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến và Excelsa tăng. So với quý II/2021, xuất khẩu cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa giảm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1,67 tỷ USD; Arabica tăng 74,9%, đạt 179,37 triệu USD; cà phê chế biến tăng 9,5%, đạt 312,7 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 30,2%, đạt trên 2 triệu USD.
Thị trường lo ngại rủi ro tăng cao với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ “diều hâu” hơn tại phiên họp điều hành tiền tệ kỳ tới khi “lạm phát chưa thể kiểm soát được”.
Thị trường hàng hóa sẽ còn tiếp tục diễn biến khó lường trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. USD Index đã hồi phục tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng chính trị mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vì chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ.
Cả USD và vàng đều tăng giá trong khi các tài sản rủi ro khác và một số mặt hàng nông sản hàng hóa trong đó có cà phê đều chịu áp lực giảm giá vì khi có bất ổn chính trị dòng tiền sẽ trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng... Thị trường tuần này chờ đợi dữ liệu số việc làm hàng tháng của Mỹ, 1 trong những thước đo hiệu quả của chính sách tiền tệ đối với sức khỏe nền kinh tế Mỹ.
Được biết, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác của Việt Nam được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là Robusta.
Thị trường cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 nói chung và quý II nói riêng khá thuận lợi khi giá xuất khẩu tăng mạnh và hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp thuận lợi. Điều này thể hiện trong con số kim ngạch và lượng xuất khẩu đạt kỷ lục.
Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới, thị trường cà phê Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát ở các nước khu vực châu Âu, Mỹ đều tăng cao. Trong khi đó, đây đều là các thị trường quan trọng của ngành cà phê Việt Nam.
Ngoài ra, việc nâng lãi suất điều hành tại các nước tiêu thụ có khả năng ngăn trở các nhà nhập khẩu do phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Nhưng cước tàu mới chính là “biến số” khó đoán nhất của thị trường hàng hóa sau này.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới do Covid-19 gây ra, cùng với sự thiếu hụt các tàu chở container mới, đã buộc các công ty phải tải các tàu cũ của họ lên mức kỷ lục để đáp ứng nhu cầu giao thương quốc tế. Theo Công ty phân tích vận tải Clarksons Research, tổng công suất của đội tàu container của thế giới đã tăng trong thời kỳ đại dịch, tăng 2,9% vào năm 2020 sau khi tăng 4% vào năm 2019 và 5,6% vào năm 2018.