Giá cà phê sẽ ra sao khi lo ngại rủi ro còn rất cao?

23/04/2022 14:31 GMT+7
Giữa tháng 4/2022, giá cà phê Robusta có xu hướng phục hồi trở lại do nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng. Tuy nhiên, lo ngại rủi ro với cà phê vẫn còn rất cao...

Giá cà phê tăng vọt bất ngờ, bị dự báo không bền...

Giá cà phê sẽ ra sao khi lo ngại rủi ro còn rất cao? - Ảnh 1.

Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021-2022 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục.

Sự hồi phục của đồng nội tệ Reals của Brazil kết hợp với những yếu tố hỗ trợ đến từ nguồn cung đã giúp giá cà phê Arabica bù đắp được áp lực bán mạnh trong 1 tuần vừa qua. Xét trong trung và dài hạn, điều kiện thời tiết tại các khu vực gieo trồng cà phê ở Nam Mỹ sẽ còn tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi khô hạn do LaNina gây ra. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng và sản lượng cà phê tại các quốc giá xuất khẩu chính, từ đó hỗ trợ giá của các mặt hàng này liên tục neo ở mức cao.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá Arabica sẽ bị chi phối chủ yếu bởi triển vọng tiêu thụ do tình trạng lạm phát đang là mối quan tâm của toàn thị trường. Tại châu Âu, chiến tranh giữa Nga và Ukraine trên thực tế đã làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê do rất nhiều hàng quán phải đóng cửa, hoạt động thương mại cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, khả năng cao giá cà phê Arabica sẽ khó có thể tìm được động lực để kéo dài đà tăng trong thời gian này.

Đối với mặt hàng cà phê Robusta, thị trường cung ứng đang đón nhận những luồng thông tin trái chiều nhau liên quan đến khả năng xuất khẩu. Do đó, giá chủ yếu bị chi phối bởi diễn biến của mặt hàng cà phê Arabica.

Phiên đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (ngày 22/4), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng vọt 35 USD (1,72%), giao dịch tại 2.130 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 chỉ tăng 2 USD (0,09%) giao dịch tại 2.116 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh hơn bình thường.

Giá cà phê sẽ ra sao khi lo ngại rủi ro còn rất cao? - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu giảm, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 1,05 Cent (0,46%), giao dịch tại 227,7 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 1,1 Cent/lb (0.48%), giao dịch tại 227,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng khá.

Giá cà phê sẽ ra sao khi lo ngại rủi ro còn rất cao? - Ảnh 3.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Giá cà phê Robusta có xu hướng phục hồi trở lại, song sẽ không bền vững. Lo ngại lạm phát vượt mức và rủi ro tăng cao khi xung đột vũ trang Nga và Ukraine có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế thế giới do các chính sách cấm vận của phương Tây. 

Trong khi đó, số ca lây nhiễm Covid-19 ở mức cao và các ngân hàng trung ương lớn đang xem xét để thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao lãi suất cơ bản tại các phiên họp chính sách sắp tới. Áp lực bán cà phê của niên vụ 2021/22 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại. Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản sắp tới đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý trên các thị trường kỳ hạn nói chung. 

Dự kiến mức tiêu thụ cà phê của Brazil trong niên vụ 2021/22 sẽ giảm lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua do suy thoái kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao và giá cả tăng cao đã tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng. Dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 3/2022 đạt 126.740 bao, giảm 119.991 bao (tương đương mức giảm 48,6%) so với tháng 3/2021. Kết thúc niên vụ cà phê theo truyền thống (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), Indonesia xuất khẩu đạt 4.568.248 bao, tăng 1.327.903 bao (tăng gần 41%) so với niên vụ cà phê 2020/21.

Thị trường sẽ còn tiếp tục chịu sức ép

Giá cà phê sẽ ra sao khi lo ngại rủi ro còn rất cao? - Ảnh 4.

Giá cà phê trong nước hôm nay 23/4 tăng 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.

Giá cà phê trong nước hôm nay (23/4) duy trì đà tăng với mức điều chỉnh nhẹ 100 đồng/kg. Mức giá cao nhất theo ghi nhận tại thị trường nội địa hiện là 41.500 đồng/kg. Hiện tại, mức giá cao nhất là 41.500 đồng/kg có mặt tại tỉnh Đắk Lắk. Theo sau là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức 41.400 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng cũng nhích nhẹ lên mức 40.900 đồng/kg trong hôm nay.

Giá cà phê sẽ ra sao khi lo ngại rủi ro còn rất cao? - Ảnh 5.

Nguồn: giacaphe

Trong quý I, người nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao. Theo phản ánh của một số người trồng, giá một số loại phân bón thậm chí tăng 40 – 50%. Một số hộ phải cắt giảm tần suất bón phân để tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng khiến chi phí tưới tiêu, vận chuyển cũng tăng theo, đặc biệt khi các tỉnh trồng cà phê đang bước vào mùa khô.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, tháng 3, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 170 nghìn tấn, trị giá 394 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 22,6% về trị giá so với tháng 2/2022, so với tháng 3/2021 tăng 0,2% về lượng và tăng 26,2% về trị giá. Đây được xem là mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 541 nghìn tấn, trị giá khoảng 1,22 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 3, giá cà phê Robusta mặc dù có những phiên điều chỉnh giảm theo giá thế giới, nhưng so với cuối tháng 2 vẫn tăng. Tính chung trong quý I, giá cà phê trong nước tăng khoảng 4 – 5% tuỳ khu vực.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục chịu sức ép trong tháng 4 và 5. Dòng vốn đầu cơ chảy mạnh vào dầu thô do căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), cước tàu biển thời gian trước mắt và đường dài (trong vòng vài ba năm nữa) chưa chắc đã giảm dù khủng hoảng logistics có được giải quyết xong hay không. Nhiều hãng kinh doanh tàu biển cho biết đã trả tiền thuê tàu cao không chỉ riêng cho thời gian còn lại trong năm nay mà còn đến 2025. Giá cước tàu còn được cấy vào giá hàng hóa thương phẩm. Trước mắt, thị trường cà phê robusta chuẩn bị tiếp nhận những đợt cung ứng lớn từ hai nước Brazil và Indonesia, xếp vị trí thứ hai và ba sau Việt Nam.

Do đó, dù nền giá hàng hóa tăng, rủi ro giá mặt hàng cà phê Robusta vẫn có đường xuống. Tuy vậy, chưa nên lo lắng quá nhiều để đua nhau bán tháo, tạo sức ép lên sàn Robusta, gây hiệu ứng dây chuyền lên giá cà phê trong nước. Dự kiến giá cà phê Robusta trong nước vẫn có khả năng đứng vững trên 42 triệu cho đến 43 triệu/tấn, thậm chí có lúc vượt mức cao này nếu có tin ảnh ưởng đến cán cân cung-cầu.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục