Đà giảm của thị trường cà phê còn kéo dài đến bao giờ?

21/04/2022 06:20 GMT+7
Hiện tại, những lo ngại về triển vọng tiêu thụ vẫn đang là yếu tố chính chi phối thị trường cà phê, đặc biệt là ở khu vực châu Âu khi mà chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.

Thị trường cà phê liên tục xuống giá...

Giá cà phê trong nước hôm qua 20/4 chốt tại 40.300 – 40.900 đồng/kg. Trên sàn giao dịch thế giới, giá Robusta và Arabica tiếp tục lao dốc. Thị trường cà phê xuất khẩu được cho là phải chờ một thời gian nữa mới lấy lại được sự ổn định.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các khu vực trọng điểm Tây Nguyên giảm nhẹ 100 đồng mất mốc 41.000 đồng/kg. Đắk Lắk có mức giá cao nhất, Lâm Đồng có mức thấp nhất. Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt tại 2.143 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London mất 13 USD, tương đương 0,62% xuống 2.074 USD/tấn. Giá Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 2,2 cent, tương đương 0,98% chốt tại 221,3 US cent/lb.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 4/2022 đạt 72.358 tấn (khoảng 1,2 triệu bao), tăng 29,28% so với cùng kỳ năm trước, góp phần gây sức ép lên thị trường Robusta trong ngắn hạn.

Đà giảm của thị trường cà phê còn kéo dài đến bao giờ? - Ảnh 1.

Những lo ngại về triển vọng tiêu thụ vẫn đang là yếu tố chính chi phối thị trường cà phê.

Đà giảm của thị trường cà phê còn kéo dài đến bao giờ? - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Đà giảm của thị trường cà phê còn kéo dài đến bao giờ? - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Đà giảm của thị trường cà phê còn kéo dài đến bao giờ? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Hiện tại, những lo ngại về triển vọng tiêu thụ vẫn đang là yếu tố chính chi phối thị trường cà phê, đặc biệt là ở khu vực châu Âu khi mà chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi đó, việc đồng nội tệ Reals của Brazil suy yếu trước sức ép của đồng USD cũng sẽ tạo sức ép để người nông dân của Brazil bán hàng niên vụ 21/22 trước khi bước vào giai đoạn thu hoạch niên vụ mới của năm nay.

Hiện tại các khu vực gieo trồng Arabica chính của Brazil đang đón nhận lượng mưa thấp hơn so với mức trung bình của tuần trước, kèm theo điều kiện khô hạn do hiện tượng thời tiết LaNina gây ra. Do đó, thị trường vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê trong năm nay của của Brazil sẽ thấp thứ 2 trong tổng số 9 năm được mùa vừa qua. Thông tin này mang tính “bullish (tăng giá)” tiềm ẩn đối với giá trong trung và dài hạn, từ đó hỗ trợ giá không giảm quá sâu.

Đối với mặt hàng Robusta, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế với diễn biến giằng co trong các phiên trong những ngày qua. Hoạt động xuất khẩu Robusta cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trước những vấn đề về logistics toàn cầu. Tuy nhiên, giá vẫn đang được hỗ trợ bởi vùng 2.070 USD, giá có khả năng tiến về ngưỡng kháng cự tâm lý 2.100 USD.

Còn nhiều áp lực đè nặng, đà giảm kéo dài đến bao giờ?

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến đạt tổng cộng 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ 2020-221. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica đạt gần 94 triệu bao, giảm 7,1% so với niên vụ trước. Trái lại, sản lượng cà phê Robusta dự kiến tăng 5,1% lên mức 73 triệu bao. Hạn hán và các đợt băng giá gần đây đã tàn phá vụ mùa cà phê của Brazil năm nay và kìm hãm tiềm năng tăng trưởng cho vụ cà phê của nước này trong hai năm tới. 

USDA dự đoán rằng xuất khẩu cà phê năm 2021-2022 của Brazil sẽ giảm 27% so với cùng kỳ xuống 33,2 triệu bao từ mức kỷ lục 45,67 triệu bao vào năm 2020-2021 do hạn hán và sương giá đã hạn chế sản lượng cà phê. Tuy nhiên, Conab trước đó có dự báo rằng sản lượng cà phê năm 2022 của Brazil sẽ phục hồi 16,8% so với cùng kỳ lên 55,7 triệu bao.

Theo ICO, tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến đạt 170,3 triệu bao, tăng 3,3% so với 164,9 triệu bao của niên vụ trước. Do đó, thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022, trái ngược với mức thặng dư gần 6 triệu bao trong niên vụ 2020-2021. Đây đồng thời là mức thâm hụt lớn nhất từ trước đến nay. Sự sụt giảm này chủ yếu là do nhà sản xuất số một thế giới là Brazil, đã thu hoạch một vụ mùa nhỏ hơn. 

Đà giảm của thị trường cà phê còn kéo dài đến bao giờ? - Ảnh 5.

Trong thời gian tới thị trường cà phê thế giới sẽ chịu áp lực trước một số thông tin không khả quan.

Tuy nhiên, tình hình cung cầu có thể thay đổi do kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, chi phí đầu vào và sản xuất tăng, trong khi tiêu thụ giảm do cuộc xung đột tại Ukraine. Trong tháng 2, xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu đạt 9,9 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm nhẹ so với 10,2 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 5 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 2/2022), xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu đã giảm 3% so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 47,2 triệu bao.

Trong đó, xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica Brazil giảm 15,7% xuống 16,2 triệu bao; nhóm Arabica Colombia giảm 12,7% xuống 5,4 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu của nhóm cà phê Arabica khác tăng mạnh 17,8% lên mức 8,2 triệu bao; xuất khẩu nhóm cà phê Robusta cũng tăng 6,7%, đạt 17,4 triệu bao.

Theo ICO, chỉ số giá cà phê toàn cầu trong tháng 3 đã giảm lần đầu tiên sau 17 tháng tăng liên tiếp với mức giảm 7,6% so với tháng trước, đạt bình quân 194,8 US cent/pound. Trong tháng, mức giá thấp nhất ghi nhận được là 186,9 US cent/pound vào ngày 15/3 và cao nhất là 202 US cent/pound vào ngày 1/3. Tháng 3, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới giảm so với tháng 2/2022 do tác động của căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine.

Trong thời gian tới thị trường cà phê thế giới sẽ chịu áp lực trước một số thông tin không khả quan như khủng hoảng logistics tại Thượng Hải, áp lực lạm phát, chính sách của Fed,… Hiện Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, vẫn đang thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lay lan của dịch Covid-19. Một số thương nhân lo ngại rằng giá cước vận tải sẽ càng tăng lên trong khi tình trạng ùn tắc vẫn chưa được giải quyết. 

Bên cạnh đó, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia (NCIF), ám ảnh lạm phát phi mã tại Mỹ và EU vẫn đè nặng lên thị trường tài chính toàn cầu. Thế nhưng nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay hơn để tăng lãi suất điều hành đồng USD mỗi lúc một lớn đối với các nhà đầu tư tài chính và kinh doanh hàng hóa thương phẩm. Các điều kiện để Fed đưa ra quyết định tỷ lệ tăng lãi suất lần tới cao hơn đã xuất hiện khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm và giá trái phiếu ngắn hạn Mỹ (2 năm) có hiện tượng đảo nghịch, tức cao hơn giá trị trái phiếu 10 năm. 

Đó là chưa kể người ta còn đoán phải có thêm 6 lần tăng lãi suất điều hành đồng USD năm nay. Mặc dù vậy, về dài hạn, giá cà phê thế giới sẽ được hỗ trợ bởi các thông tin sản lượng nước lớn giảm trong khi nhu cầu đang dần phục hồi trở lại. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020-2021 xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg/bao), chủ yếu do cây cà phê Arabica tại Brazil bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục