Giá cà phê thế giới có thể tăng hết năm 2022 do tình hình dịch tại Việt Nam
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất đang buộc Chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại nhiều tỉnh thành, trong đó có hai trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này được Fitch Solution nhận định sẽ ảnh hưởng lớn đến các chuyến hàng xuất khẩu cà phê nói riêng và hàng hóa nói chung.
Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% so với tháng 7 xuống còn 111.697 tấn, theo Reuters, trích dẫn các dữ liệu hải quan. Tờ Reuters cho hay trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê, thấp hơn 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù doanh thu từ xuất khẩu cà phê tăng 2% lên 2 tỷ USD.
Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, theo Fitch Solutions. Do đó, việc hàng loạt nhà máy phải tạm ngừng hoạt động hoặc giới hạn công suất hoạt động để đảm bảo giãn cách xã hội an toàn đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong nước. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung hàng hóa toàn cầu, từ cà phê cho đến quần áo dệt may và chip bán dẫn. Không riêng ngành cà phê; các thương hiệu thời trang thể thao lớn như Nike, Under Armour, Lululemon hay các nhà sản xuất chip hàng đầu như Samsung Electronics… nằm trong số những công ty đa quốc gia đã và đang chịu ảnh hưởng nhất định bởi làn sóng bùng dịch mới nhất tại Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm kết hợp với sự lao dốc sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu hàng đầu khác đã thúc đẩy giá cà phê toàn cầu leo thang. Theo dữ liệu của Refinitiv, giá cà phê arabica kỳ hạn đã tăng khoảng 45,8% trong năm nay, trong khi giá cà phê robusta kỳ hạn tăng 52,2%.
Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đã ghi nhận sản lượng giảm mạnh do đợt hạn hán và băng giá kéo dài gây thiệt hại mùa màng. Thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng đáng kể đến mùa thu hoạch cà phê của Colombia, một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Fitch Solutions nhận định sự xuất hiện của biến thể “mu” gần đây tại Colombia có nguy cơ kéo dài các biện pháp hạn chế kiểm dịch, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động trong ngành.
Bên cạnh tác động từ phía cung, nhu cầu cà phê tăng lên - đặc biệt tại châu Âu và Mỹ - khi các quốc gia tiến tới mở cửa kinh tế, cho phép các cửa hàng cà phê hoạt động trở lại sẽ càng thúc đẩy giá cà phê leo thang; theo Fitch Solutions.
Các nhà phân tích của Fitch Solutions do đó đưa ra dự báo giá cà phê arabica có thể tăng từ 1,35 USD / pound lên 1,60 USD / pound, trong khi giá cà phê arabica bình quân năm 2022 có thể tăng từ 1,25 USD/ pound lên 1,50 USD/ pound.
Dù vậy, Fitch Solution tỏ ra lạc quan rằng các hạn chế kiểm dịch liên quan đến dịch Covid-19 có thể sớm được dỡ bỏ dần và kim ngạch xuất khẩu cà phê từ Việt Nam có thể sớm tăng trưởng trở lại. Tại Brazil, sản lượng cà phê cũng có khả năng phục hồi khá nhanh nếu thời tiết trở nên thuận lợi hơn.
Điều đó có nghĩa là nguồn cung cà phê toàn cầu có thể bắt đầu phục hồi trong niên vụ 2022/2023. Trong kịch bản lạc quan này, giá cà phê arabica bình quân hàng năm có thể giảm xuống 1,20 USD/ pound vào năm 2023, Fitch Solutions dự báo.