Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh, nhất là ở thị trường này
Giá cà phê tăng liên tục do nguồn cung hạn chế
Đầu tháng 9/2021, giá cà phê Robusta và Arabica liên tục tăng do nguồn cung hạn chế. Brazil bước vào kỳ nghỉ Lễ Độc Lập, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ không mấy khả quan do số ca lây nhiễm Covid-19 biến chủng mới khiến đà phục hồi các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU chững lại. Giá tăng cũng có nguyên nhân một phần do giá cước phí vận tải biển cao.
Trong ngắn hạn, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, song tốc độ tăng sẽ chậm lại do nguồn cung dồi dào hơn.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% hiện giao dịch ở mức giá 2.157 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 88 USD/tấn (tương đương mức tăng 4,2%) so với ngày 28/8/2021.
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khiến thị trường cà phê bị gián đoạn và trì trệ. Giá cước phí tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp cản trở rất lớn cho kế hoạch xuất khẩu cà phê cuối vụ 2020/2021 và cà phê vụ mới 2021/2022 bắt đầu từ 1/10 tới.
Đầu tháng 9/2021, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa của ta tiếp tục tăng theo giá thế giới so với cuối tháng 8/2021. Ngày 8/9/2021, giá cà phê Robusta trong nước tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với ngày 28/8/2021, lên mức 39.400 - 44.300 đồng/kg, mức cao nhất trong 4 năm gần đây.
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 2,6 nghìn tấn, trị giá 8,1 triệu USD, giảm 24,3% về lượng, nhưng tăng 10% về trị giá so với tháng 7/2020.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 40,1 nghìn tấn, trị giá 110,66 triệu USD, giảm 23% về lượng và giảm 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 7/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica đạt 3.080 USD/tấn - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, tăng 7,2% so với tháng 6/2021 và tăng mạnh 53,3% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica đạt mức 2.758 USD/tấn, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica sang tất cả các thị trường chủ lực đều tăng.
Về thị trường xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Arabica sang nhiều thị trường chính giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đức, Ý, Ca-na-đa, Thái Lan tăng rất mạnh.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự báo sẽ tăng lên, nhất là ở Hàn Quốc
Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam những tháng cuối năm dự báo sẽ tăng lên, đặc biệt ở thị trường Hàn Quốc.
Văn hóa thưởng thức trà của người Hàn Quốc có từ lâu đời nay đã chuyển dần sang sử dụng cà phê dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cà phê ở Hàn Quốc được sử dụng rộng rãi ở các văn phòng, nhà hàng, gia đình. Tiêu thụ cà phê ở Hàn Quốc chiếm khoảng 6% tổng thị trường cà phê châu Á Thái Bình Dương và vươn lên là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc tăng do nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng mạnh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 94,84 nghìn tấn, trị giá 432,45 triệu USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về chủng loại 6 tháng đầu năm 2021, Hàn Quốc tăng nhập khẩu tất cả các chủng loại cà phê. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc cũng đạt mức 4.560 USD/tấn, tăng 16,6% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 19,5 nghìn tấn, trị giá 30,82 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 5,2% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 20,35% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 20,56% trong 6 tháng đầu năm 2021. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vẫn diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ cà phê của nước này không bị quá ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng triển vọng tăng trưởng của Hàn Quốc lên 4,3% trong năm nay và 3,4% trong năm 2022, cao hơn mức 3,6% và 2,8% ước tính hồi tháng 4/2021, bất chấp những lo ngại về tác động của làn sóng lây nhiễm thứ 4.
Do đó, nhu cầu nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng và xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hàn Quốc được dự báo sẽ có có cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.