Giá cao su hôm nay 1/3: Cao su bị cuốn theo 'cơn lốc' giảm giá, điều gì sẽ tiếp diễn?
Giá cao su ngày 1/3 giảm mạnh, giá cao su trên cả hai sàn giao dịch thế giới đều đi xuống.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 1/3/2022, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 7/2022, giảm mạnh xuống mức 254,9 JPY/kg, giảm mạnh 5,7 yên, tương đương 2,19%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE): Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 175 CNY, xuống mức 13.470 CNY/tấn, tương đương 1,28%.
Thị trường hàng hóa thế giới đang biến động rất mạnh do căng thẳng Nga – Ukraina lên đến đỉnh điểm. Trong khi các mặt hàng như vàng, dầu, palladium, nhôm và nickel, ngũ cốc... tăng mạnh thì giá các mặt hàng như đường, cà phê, cao su... đã giảm mạnh.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua khi xung đột Nga-Ukraine lan rộng, trong khi dòng vốn đầu cơ tiếp tục chuyển về sàn vàng và dầu thô với khả năng sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn trong ngắn hạn.
Giá cao su tấm của Thái Lan phiên này đạt 74,45 baht (2,29 USD)/kg, mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Hợp đồng cao su giao tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 3% xuống 179,4,5 US cent/kg.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 192,72 nghìn tấn cao su, trị giá 331,12 triệu USD.
Trong tháng 1/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 74,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 143,24 nghìn tấn, trị giá 243,81 triệu USD.
Các chuyên gia nhận định, rủi ro địa chính trị Nga-Ukraine có thể sẽ tiếp tục "đe dọa" giá cao su. Các nhà đầu tư hiện không rõ Nga và Ukraine có đạt được thỏa thuận đàm phán nào về điều kiện ngừng bắn. Tình hình càng thêm căng thẳng với làn sóng trừng phạt mới từ phương Tây. Ngân hàng Trung ương Nga (Gosbank) đã tăng lãi suất cơ bản đồng Rúp từ 9,5% lên 20%/năm. Đồng Rúp hiện đã giảm khoảng 30% so với USD, đạt mức thấp nhất mọi thời đại.
Tuy nhiên, xét về mặt thị trường, cung cầu cao su thì mặt hàng này vẫn đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Theo đó, ANRPC dự báo, mức tiêu thụ cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 4-5% so với năm 2021, mạnh hơn so với mức tăng về sản lượng cao su toàn cầu. ANRPC ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 14,55 triệu tấn, tiêu thụ ở mức 14,4-14,8 triệu tấn. Giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, năm 2022, xuất khẩu cao su Việt Nam sẽ vẫn tăng được khi nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, châu Âu tiếp tục cao khi kinh tế hồi phục, nhu cầu sản xuất tăng mạnh.
Những tín hiệu tích cực về mặt thị trường được thể hiện khá rõ về nhu cầu từ 2 thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam là Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam và đang có nhu cầu tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.
Trong đó, chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, mỗi tháng, quốc gia này thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên. Do đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt trong 5 tháng cuối năm 2021 và dự báo sẻ phải nhập thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2022.
Còn theo dự báo của Tổng cục Cao su Ấn Độ, trong năm 2022, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này chỉ đạt 800.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1.240.000 tấn. Như vậy, Ấn Độ cần nhập khẩu 440.000 tấn cần nhập khẩu.