Giá cao su hôm nay 25/2: Biến động mạnh trái chiều, động lực nào cho giá cao su tới đây?
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 25/2/2022, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 7/2022, tăng mạnh lên mức 261,4 JPY/kg, tăng mạnh 2,5 yên, tương đương 0,96%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE): Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 135 CNY, xuống mức 14.070 CNY/tấn, tương đương 0,95%.
Giá cao su tại thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua do giá dầu tăng vọt. Bên cạnh đó, mưa rào tại Thái Lan làm tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Các nhà sản xuất găng tay cao su có thể đang dự trữ nguyên liệu thô do dự đoán sản lượng từ Thái Lan trong những tháng tới giảm.
Hợp đồng cao su giao tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 3% xuống 179,4,5 US cent/kg.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cao su thế giới biến động giằng co trong tuần này nhưng vẫn nằm trong đà tăng kể từ đầu năm nay. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá cao su RSS3 trên Sở Osaka cũng tăng gần 1% lên mức 2.241 USD/tấn. Mức giá này đã tăng 6% trong 1 tháng qua.
Trong 10 ngày giữa tháng 2/2022, giá cao su tại Nhật Bản và Thái Lan đã tăng mạnh, còn giá tại Thượng Hải giảm, theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 14,55 triệu tấn, tiêu thụ ở mức 14,39-14,82 triệu tấn.
Tại Thái Lan, giá mủ cao su tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Ngày 18/2/2022 giá cao-su RSS3 chào bán ở mức 67,1 Baht/kg (tương đương 2,09 USD/kg), tăng 4% so 10 ngày trước đó và tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Cao su Thái Lan (RAOT) cho biết, nước này dự kiến sẽ sản xuất được 4,9 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm 2022, tăng 1,8% so năm 2021, xuất khẩu khoảng 4,2 triệu tấn cao su trong năm 2022, tăng 2% so năm 2021.
Quý I năm nay, ngành cao su Thái Lan dự kiến xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2021. Thái Lan là nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 sản lượng cao su toàn cầu mỗi năm.
Tại Malaysia: Tháng 12/2021, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 41,69 nghìn tấn, tăng 36,7% so với tháng 11/2021, nhưng giảm 16,3% so với tháng 12/2020.
Năm 2021, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 469,67 nghìn tấn, giảm 8,7% so với năm 2020.
Xuất khẩu cao su của Malaysia trong tháng 12/2021 đạt 45,98 nghìn tấn, giảm 24,5% so với tháng 11/2021 và giảm 25,3% so với tháng 12/2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Malaysia, chiếm 41,5% tổng lượng cao su xuất khẩu của Malaysia.
Tháng 12/2021, Malaysia nhập khẩu 113,77 nghìn tấn cao su tự nhiên, tăng 13,2% so với tháng 11/2021, nhưng giảm 20,1% so với tháng 12/2020.
Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia tháng 12/2021 đạt 42,64 nghìn tấn, giảm 1,6% so với tháng 11/2021, nhưng tăng 0,7% so với tháng 12/2020.
Dự trữ cao su tự nhiên tại Malaysia tính đến cuối tháng 12/2021 đạt 285,21 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cuối tháng 11/2021 và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường cao su Việt Nam ít biến động, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ TSC, mức giá này đã ổn định từ đầu tháng 2 năm nay. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao-su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 192,72 nghìn tấn cao su, trị giá 331,12 triệu USD, giảm 22,9% về lượng và 22,8% về trị giá so tháng 12/2021, còn so cùng kỳ năm trước lại tăng 1,7% về lượng và 8,6% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2022 đạt mức 1.718 USD/tấn, tăng 0,2% so tháng 12/2021 và tăng 6,8% so cùng kỳ. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ năm 2021 chiếm 2,2%, tăng nhẹ so mức 1,6% của năm 2020.