Giá cao su hôm nay 18/6: Giá cao su tại Nhật Bản tiếp đà tăng
Giá cao su hôm nay 18/6: Tăng giảm trái chiều tại thị trường châu Á
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 6/2022 ghi nhận mức 259,0 yen/kg, tăng 1,58% (tương đương 4,1 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 13h48 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2022 đứng tại mức 12.535 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,71%, giảm 90 nhân dân tệ/tấn. Giá cao su Thượng Hải hôm nay tiếp tục giảm ở các kỳ hạn tháng 8, 9, 10, 11 ở mức gần 1%, giảm từ 70-75 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi kỳ vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – hồi phục, khi nước này tuyên bố thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát, song thị trường chứng khoán Tokyo và giá nguyên liệu suy yếu đã hạn chế đà tăng.
Trong nước, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước ổn định. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 305-345 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 5/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 340 đồng/độ TSC. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 300-310 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 5/2022.
Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tăng
Theo thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 3 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 294,19 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 630,35 triệu USD, giảm 7,1% về lượng, nhưng tăng 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Bờ biển Ngà là các thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Ấn Độ. Trong đó, nhập khẩu cao su từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Bờ biển Ngà tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ với 35,16 nghìn tấn, trị giá 69,95 triệu USD, tăng 34,7% về lượng và tăng 44,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 12% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2022, tăng mạnh so với mức 8,2% của cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu chủng loại nhập khẩu: Trong 3 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ nhập khẩu 141,22 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), trị giá 271,02 triệu USD, tăng 17,5% về lượng và tăng 29,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2022 với 34,85 nghìn tấn, trị giá 69,31 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và tăng 45,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ chiếm 24,7%, tăng so với mức 21,4% của cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Indonesia và Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm mạnh; trong khi đó thị phần cao su của Việt Nam, Malaysia, Bờ Biển Ngà tăng lên.
Trong khi đó, Ấn Độ lại giảm nhập khẩu cao su tổng hợp (mã HS: 4002). Trong 3 tháng đầu năm 2022, Ấn độ nhập khẩu 121,28 nghìn tấn cao su tổng hợp, trị giá 299,74 triệu USD, giảm 27,3% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Ba Lan và Singapore là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ. Nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ trong 3 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Ba Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tăng, trong khi thị phần của Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore giảm. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam chỉ chiếm 0,25% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ.