Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) đặt kế hoạch lãi sau thuế 2022 đi ngang, cổ tức dự kiến 5%
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Thời gian tổ chức đại hội sẽ vào ngày 17/6.
Năm 2021, Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu 3.970,1 tỷ đồng, đạt 104,50% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm 33,39%, doanh thu từ hoạt động tài chính chiếm 66,47%. Lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh là 2.334 tỷ đồng, thực hiện đạt 113,36% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế năm 2021 thấp hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do năm 2020 Tập đoàn có khoản thu từ việc thoái vốn trong năm, lợi nhuận được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng là 1.242,6 tỷ đồng. Năm nay, Tập đoàn không phát sinh khoản lãi thanh lý từ các khoản đầu tư này.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ROE là 5,84%. Việc sử dụng vốn chủ sở hữu có hiệu quả, đã mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, đã cho thấy việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức cổ phần phát huy hiệu quả tốt. Năm 2021 vốn chủ sở hữu tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh đã mang lại 5,84 % lợi nhuận sau thuế, thấp hơn năm 2020.
Nguyên nhân do năm 2020 Tập đoàn có khoản thu từ việc thoái vốn trong năm, lợi nhuận được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng là 1.242,6 tỷ đồng.
Về chia cổ tức, Tập đoàn sẽ trình cổ đông với tỷ lệ 4,1%.
Năm 2021, Cao su Việt Nam kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 29.707 tỷ đồng và 5.340 tỷ đồng, tăng gần 5% và xấp xỉ năm trước.
Về phía công ty mẹ, kế hoạch doanh thu là 4,460 tỷ đồng, tăng 12.4%; lãi sau thuế 2,300 tỷ đồng, giảm 1.4% so với kết quả năm trước. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến là 5% bằng tiền mặt.
Công ty đánh giá 2022 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức, nhất là với lĩnh vực cao su, ngành nghề kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của Tập đoàn. Giá bán mủ tuy có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức thấp. Sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; việc phát triển khu công nghiệp chưa thuận lợi về cơ chế thuê đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Ngoài ra, các yếu tố như dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn rủi ro; cuộc chiến thương mại, tiền tệ giữa các nước lớn, đặc biệt xung đột quân sự Nga-Ukraine khiến giá các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Năm nay, công ty sẽ tập trung phát triển 5 mảng kinh doanh chính gồm nông nghiệp, khu công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ, thủy điện nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định. Đơn vị cũng lên kế hoạch tiết giảm đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục cần thiết để cân đối nguồn vốn, tập trung trả nợ vay ngân hàng nhằm giảm áp lực tài chính trước mắt. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung tái cơ cấu toàn diện sau cổ phần hóa như thoái vốn đầu tư ngoài ngành; sáp nhập doanh nghiệp; phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su bao gồm mở mới và mở rộng các dự án.
Năm 2022, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (dự án Nam Tân Uyên/An Điền mở rộng tại tỉnh Bình Dương, dự án Hiệp Thạnh tại tỉnh Tây Ninh…).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GVR giao dịch ở mức 23.500 đồng/cp (tăng 1,95% so với phiên liền kề).