Giá cao su hôm nay 20/5: Tăng trở lại toàn thị trường châu Á
Giá cao su ngày 20/5 đảo chiều tăng toàn bộ thị trường châu Á
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 6/2022 ghi nhận mức 244 yen/kg, tăng 0,29% (tương đương 0,7 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 13h36 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2022 được điều chỉnh lên mức 12.850 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,02% (tương đương 130 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Trong nước, đầu tháng 5/2022, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-350 đồng/độ mủ, giảm 10 đồng/độ mủ so với cuối tháng 4/2022; Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 345 đồng/độ TSC; Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 4/2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78,33 nghìn tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, giảm tới 30,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 3/2022; tuy nhiên so với tháng 4/2021 tăng 26,3% về lượng và tăng 28,3% về trị giá. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 485,22 nghìn tấn, trị giá 856,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu: Tháng 4/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 3/2022 và tăng 1,5% so với tháng 4/2021.
Tháng 4/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 45,66 nghìn tấn, trị giá 78,97 triệu USD, nhưng giảm 34,6% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 tăng 37,4% về lượng và tăng 42,6% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.729 USD/tấn, giảm 1,2% so với tháng 3/2022, nhưng tăng 3,8% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 325,89 nghìn tấn cao su, trị giá 562,17 triệu USD, chỉ tăng 0,9% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 4/2022, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 4/2021, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Pakistan, Tây Ban Nha, Anh…
Xuất khẩu cao su năm 2022 sẽ hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ ở lĩnh vực công nghệ, y tế tăng mạnh. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp cao su có sự phân hóa rõ rệt, chủ yếu các khoản thu nhập, tài chính khác.
Nhu cầu cao su cho lĩnh vực y tế và công nghiệp được dự báo phục hồi mạnh sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới mở cửa, hoạt động giao thương sôi nổi hơn. Những động lực này cùng với yếu tố cung – cầu có thể giúp sản lượng và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam lên ngôi trong năm 2022.
Mới đây, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 14,5 triệu tấn, tiêu thụ ở mức 14,3-14,8 triệu tấn. Tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng 2,5%, trong khi sản lượng năm 2022 có thể ít hơn nhu cầu.
Do vậy, ANRPC dự báo triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng. Giá cao su sẽ tiếp tục ở mức cao nhờ yếu tố thời tiết và dịch Covid-19 khiến nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng.