Giá cao su liên tục biến động mạnh, vì sao?

27/07/2022 18:16 GMT+7
Giá cao su tại các sàn châu Á biến động mạnh trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Nhật Bản và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm nhu cầu chậm lại.

Giá cao su hôm nay 27/7: Quay đầu giảm do lo ngại về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 8/2022 ghi nhận mức 250,8 yen/kg, giảm 0,08%, giảm 0,2 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 9, 10 vẫn giữ được đà tăng nhẹ còn kỳ hạn tháng 11, 12 đều giảm gần 1%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2022 đứng ở mức 12.075 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,04%, giảm 5 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm ở tất cả các kỳ hạn tháng 9, 10, 11 và tháng 1/2023 với mức giảm  nhẹ.

Giá cao su liên tục biến động mạnh, vì sao? - Ảnh 1.

Giá cao su liên tục biến động mạnh, vì sao? - Ảnh 2.

Trong 10 ngày giữa tháng 7/2022, giá cao su tại các sàn châu Á biến động mạnh trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Nhật Bản và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm nhu cầu chậm lại, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng lên 261 Yên/kg vào ngày 15/7/2022), nhưng sau đó giá giảm mạnh. Ngày 18/7/2022 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 254,2 Yên/kg (tương đương 1,84 USD/kg), giảm 0,5% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại sàn SHFE Thượng Hải giá giảm mạnh. Ngày 18/7/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.930 NDT/tấn (tương đương 1,77 USD/tấn), giảm 4,7% so với 10 ngày trước đó và giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Thái Lan, giá cao su tự nhiên tiếp tục giảm mạnh. Ngày 18/7/2022 giá cao su RSS3 chào bán ở mức 62,3 Baht/kg (tương đương 1,7 USD/kg), giảm 3,4% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc: Nhập khẩu cao su tăng trở lại trong tháng 6/2022. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 6/2022, Trung Quốc nhập khẩu 535,5 nghìn tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), trị giá 1,01 tỷ USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 12,8% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 16% về lượng và tăng 17,9% về trị giá.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 3,39 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, trị giá 6,42 tỷ USD, tăng 3,1% về lượng và tăng 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường cao su tại Campuchia: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Campuchia xuất khẩu được 135,13 nghìn tấn cao su, trị giá 215,76 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cao su của Campuchia được xuất khẩu chủ yếu sang Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.

Hiện Campuchia đã trồng cây cao su trên tổng diện tích 404.044 ha, trong đó 310.193 ha (tương đương 77%) đủ tuổi cho khai thác mủ, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. -

Thị trường cao su tại Malaysia: Tháng 5/2022, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 21,07 nghìn tấn, giảm 6,3% so với tháng 4/2022 và giảm 25,2% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng cao su tự nhiên của Malaysia đạt 149,58 nghìn tấn, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cao su của Malaysia trong tháng 5/2022 đạt 43,19 nghìn tấn, giảm 26,3% so với tháng 4/2022 và giảm 10,2% so với tháng 5/2021. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Malaysia, chiếm 44,6% tổng lượng cao su xuất khẩu của Malaysia; tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 12,4%; Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 4,5%; Brazil chiếm 4,4% và Phần Lan chiếm 3,7%. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su tự nhiên của Malaysia đạt 253,66 nghìn tấn, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 5/2022, Malaysia nhập khẩu 95,47 nghìn tấn cao su tự nhiên, giảm 10,3% so với tháng 4/2022 và giảm 3,1% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Malaysia nhập khẩu 574,57 nghìn tấn cao su tự nhiên, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia trong tháng 5/2022 đạt 36,99 nghìn tấn, giảm 12,7% so với tháng 4/2022 và giảm 12,6% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia đạt 207,44 nghìn tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Dự trữ cao su tự nhiên tại Malaysia tính đến cuối tháng 5/2022 ở mức 289,43 nghìn tấn, giảm 2,8% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 10 ngày giữa tháng 7/2022, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh biến động nhẹ. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-290 đồng/TSC, giảm 10 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 323-325 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó. Giá mủ cao su Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 295-305 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 56,83 nghìn tấn, trị giá 103,43 triệu USD, tăng 62,4% về lượng và tăng 62,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.820 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong 5 tháng đầu năm 2022, chủng loại SVR10 được xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều nhất, chiếm 46,8% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR3L chiếm 27,7% và thứ ba là RSS3 chiếm 14,3% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tăng mạnh nhất là SVR10 tăng 6,6%; SVR20 tăng 5,5%; Latex tăng 1,6%... Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su sang Ấn Độ vẫn giảm như SVR3L giảm 4,6%; SVRCV60 giảm 4%; SVRCV50 giảm 5,5%...

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ đã tăng từ 7,5% trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 10,9% trong 5 tháng đầu năm 2022.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục