Malaysia chuẩn bị mở cửa kinh tế vào tháng 10, học Singapore "sống chung với Covid-19"

28/09/2021 16:24 GMT+7
Malaysia có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 10 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục tăng khả quan và số ca nhiễm mới Covid-19 có dấu hiệu giảm.

Theo tờ Nikkei Asia, chính phủ Malaysia dự kiến tái mở cửa du lịch giữa các tiểu bang, mở lại công viên, địa điểm giải trí ngay khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi ở người trưởng thành đạt trên 90% (một ngưỡng dự kiến sẽ đạt trong tuần tới). Tính đến hôm 27/9, ước tính có khoảng 84% người trưởng thành Malaysia đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin gần đây đã đảm bảo trước Quốc hội rằng việc cho phép di chuyển giữa các tiểu bang sẽ không làm tăng đột biến các ca nhiễm mới Covid-19, vì nguyên nhân làm tăng ca nhiễm chủ yếu cho đến nay là các cuộc tụ tập đông người. Ông Khairy cũng khẳng định tỷ lệ tiêm chủng sắp đạt 90% dân số trưởng thành (tương đương khoảng 60% tổng dân số) sẽ cho phép giảm thiểu rủi ro.

Ngoài việc mở cửa trở lại, chính phủ Malaysia cũng đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân 4,5-5,5% trong 5 năm từ 2021-2025, đưa Malaysia vào top nền kinh tế có thu nhập cao, theo Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob. "Kế hoạch Malaysia" do Thủ tướng Yaakob đề xuất kêu gọi đầu tư 400 tỷ ringgit (95,5 tỷ USD) vào các sáng kiến phát triển trong giai đoạn này nhằm tạo động lực cho tăng trưởng trong dài hạn.

Malaysia chuẩn bị mở cửa kinh tế vào tháng 10, học Singapore "sống chung với Covid-19" - Ảnh 1.

Malaysia chuẩn bị mở cửa kinh tế, học Singapore "sống chung với Covid-19" (Ảnh: Reuters)

Tính đến nay, số ca nhiễm mới bình quân trong 7 ngày gần nhất của Malaysia đã giảm xuống khoảng 14.000 ca từ mức cao kỷ lục hơn 24.000 ca hồi tháng 8. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chính phủ Malaysia hiện kỳ vọng sẽ sớm chuyển sang giai đoạn “sống chung với Covid-19” tương tự như các tiếp cận của quốc gia láng giềng Singapore.

Cũng giống như Singapore, Malaysia gần đây đã phê duyệt sử dụng liều vắc xin Covid-19 tăng cường thứ ba cho các công dân có nguy cơ cao, một tuần sau khi Singapore bắt đầu tiêm mũi bổ sung hôm 14/9. Ông Kalaiarasu Peariasamy, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lâm sàng của Bộ Y tế Malaysia cho biết một nghiên cứu trên 1,2 triệu người cho thấy rằng tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp giảm 88% nguy cơ tử vong, bảo vệ 86% bệnh nhân chống lại nguy cơ nhiễm trùng có triệu chứng và 83% chống lại nguy cơ diễn biến nặng.

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Malaysia cần thận trọng trước nguy cơ làn sóng dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan mạnh mẽ.

Dzulkefly Ahmad, cựu Bộ trưởng Y tế Malaysia, nói trên tờ Nikkei Asia: “Tất cả chúng tôi đều rất lo ngại về những đợt lây nhiễm mạnh mẽ do biến thể Delta”. Ông cho biết trong số 5.725 trường hợp tử vong do Covid-19  được báo cáo ở Selangor - bang giàu có và đông dân nhất của Malaysia từ tháng 6 đến tháng 9, khoảng 7,3%, tương đương 418 trường hợp đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ông Ahmad khẳng định: “Mặc dù con số 90% người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ là một chỉ báo lạc quan, tôi cần nhấn mạnh rằng con số này chỉ chiếm khoảng 60% tổng dân số”. Ông cảnh báo chính phủ của Thủ tướng Ismail Sabri cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc tái mở cửa kinh tế trên quy mô toàn quốc, bao gồm cả việc mở cửa biên giới. "Chúng ta nên mở cửa biên giới nhưng cần tuân thủ việc thực thi nghiêm ngặt quy định nhập cảnh với người đã tiêm chủng đầy đủ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ dịch tái bùng phát bằng một kế hoạch ứng phó nhanh chóng, hiệu quả”. 

Tính đến hôm 27/9, Malaysia ghi nhận 2,2 triệu ca nhiễm Covid-19 với khoảng 25.000 ca tử vong. Ngay cả trong trường hợp chính phủ thúc đẩy tái mở cửa nền kinh tế, dự kiến tác động từ đại dịch sẽ tiếp tục để lại dư chấn lâu dài. 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Malaysia đã tăng vọt kể từ khi lệnh kiểm soát di chuyển ban đầu được áp dụng vào tháng 3 năm ngoái. Tính đến tháng 8 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức 4,8%, tương đương với khoảng 770.000 người, theo Cục Thống kê Malaysia.


NTTD
Cùng chuyên mục