Nomura cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc nếu tình trạng hạn chế sử dụng điện kéo dài
“Các thị trường có vẻ đang lo lắng do sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, đến nỗi họ bỏ qua rủi ro từ các biện pháp hạn chế sử dụng điện của Bắc Kinh” - ông Ting Lu nhấn mạnh. Ông này kỳ vọng GDP của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7,7% trong năm nay, giảm từ mức dự báo 8,2% trước đó.
Vào năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Để đạt mục tiêu này, Bắc Kinh đã khởi động kế hoạch cắt giảm sản xuất than cũng như hạn chế các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon tại các địa phương trên toàn quốc.
Trong những tháng qua, nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc đang ban hành lệnh cắt giảm sử dụng điện nhằm theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải của chính quyền Trung ương. Trong khi đó, giá than cao kỷ lục đang khiến nhiều nhà máy điện hoạt động không có lãi, càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung điện.
Mới đây, tờ Bloomberg trích nguồn tin cho biết hơn 10 tỉnh tại Trung Quốc, bao gồm các thủ phủ kinh tế - công nghiệp như Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông đã bắt đầu hạn chế sử dụng điện với nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả buộc cắt giảm sản lượng nhà máy. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu dự báo tác động của các hạn chế sử dụng điện đến kết quả sản xuất & kinh doanh trong hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán đại lục.
Fitch Ratings trong tuần này cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 8,4% xuống còn 8,1% trong năm nay do sự giảm tốc của thị trường bất động sản có nguy cơ gây sức ép lên nhu cầu trong nước.
Một số nhà kinh tế khác dù chưa cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021, nhưng đang theo dõi chặt chẽ nhiều lực cản có khả năng làm chậm đà tăng trưởng. Chẳng hạn ông Larry Hu, Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc của Macquarie cho hay dự báo tăng trưởng 8,5% mà nhóm này đưa ra cho Trung Quốc trong năm 2021 có nguy cơ bị cắt giảm do tình trạng giảm tốc trong sản xuất. Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô của China Renaissance cũng dự báo có khả năng sẽ điều chỉnh giảm mức tăng GDP của Trung Quốc từ 8,4% xuống 8,25-8,3% trong năm nay nếu tình trạng thiếu điện tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến các ngành sản xuất công nghiệp, thậm chí dịch vụ và sinh kế của người dân.
Chính phủ Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với các dự báo, chỉ ở mức trên 6% cho cả năm nay. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn là tốc độ tăng trưởng.
Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng khá thấp cho phép chính phủ Trung Quốc có dư địa để thực hiện các biện pháp giảm nợ trong bối cảnh gánh nặng nợ phình to sau đại dịch. Chẳng hạn mới đây, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Evergrande đã liên tục cảnh báo nguy cơ vỡ nợ chéo mà không nhận được tín hiệu “cứu trợ” nào từ Bắc Kinh. Năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành nhiều chính sách ngăn chặn nợ tăng vọt trong lĩnh vực bất động sản.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, Chetan Ahya cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande có thể kéo lùi tăng trưởng GDP xuống 1% trong tình huống thị trường bất động sản dân cư bị ảnh hưởng, dẫn đến sụt giảm dòng đầu tư cố định trong các lĩnh vực liên quan và cả tiêu dùng tư nhân.
Morgan Stanley hiện dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý III đạt 4,5% và quý IV đạt 4%. Ngoài ra, nếu tình trạng hạn chế sử dụng điện tiếp tục kéo dài, các nhà phân tích của Morgan Stanley dự kiến tăng trưởng GDP quý IV sẽ tụt khoảng 1 %.