Hàng loạt đồng tiền trượt giá khi nền kinh tế Trung Quốc "hắt hơi"

27/08/2021 14:44 GMT+7
Đồng tiền của Úc, Hàn Quốc và Brazil - những quốc gia có sự phụ thuộc sâu sắc vào nền kinh tế Trung Quốc - đang đối mặt với tình trạng trượt giá trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc.

"Khi Trung Quốc hắt hơi, Úc bị cảm lạnh” - nhận định của ông Tokuhiro Wakabayashi, đồng giám đốc Ngân hàng State Street và tổ chức Trust's Tokyo về hiện tượng đồng AUD của Úc trượt giá mạnh trong những ngày gần đây.

Tuần trước, tỷ giá đồng AUD so với USD đã chạm mức thấp nhất trong 9 tháng. Tỷ giá AUD so với Yen Nhật cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo ông Wakabayashi, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trượt giá của đồng AUD: biến thể Delta lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu nói chung và nước Úc nói riêng khiến một số bang phải tiếp tục kéo dài các đợt phong tỏa và sự giảm tốc trong đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Hàng loạt đồng tiền trượt giá khi nền kinh tế Trung Quốc "hắt hơi" - Ảnh 1.

Tỷ giá AUD so với USD vừa trượt xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, nguyên nhân một phần do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Thị phần xuất khẩu hàng hóa của Úc sang Trung Quốc đã tăng vọt trong 2 thập kỷ qua lên tới 40%. Trung Quốc được xem là đối tác thương mại hàng đầu của Úc ngay cả khi căng thẳng địa chính trị giữa hai nền kinh tế leo thang trong hơn một năm qua. Các nhà kinh tế quan ngại đà phục hồi kinh tế của Úc sẽ đối diện với nhiều khó khăn nếu nhu cầu của Trung Quốc với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt từ Úc như quặng sắt giảm xuống.

Không riêng đồng AUD, Morgan Stanley gần đây đã cảnh báo hàng loạt tiền tệ có nguy cơ trượt giá khi đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là đồng real Brazil, peso Chile và peso Mexico (tính trên tỷ giá với USD). Ngay cả đồng won của Hàn Quốc cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng khi trượt giá xuống mức thấp nhất kể từ quý III năm ngoái. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc.

Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên phục hồi sau đại dịch, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đà tăng trưởng cũng như nhu cầu của Trung Quốc đang chậm lại đáng kể.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 50,4 trong tháng 7 qua, tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Đây cũng là mức PMI thấp nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay, thời điểm dịch Covid-19 tại Trung Quốc đạt đỉnh. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 7 cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt sau khi 15 tỉnh thành tại quốc gia này ghi nhận các ca nhiễm mới Covid-19. Doanh số bán ô tô thấp hơn do cuộc khủng hoảng chip cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng của lĩnh vực bán lẻ Trung Quốc, trong khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại và các chính sách sách môi trường của Bắc Kinh làm giảm đáng kể sản lượng thép và xi măng, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu.

Theo chuyên gia phân tích Matthew Hornbach của Morgan Stanley, các chỉ số kinh tế của Trung Quốc có thể giảm tốc hơn nữa trong tháng 8.

Dù vậy, bản thân đồng Nhân dân tệ vẫn có khả năng chống chịu những rủi ro từ sự giảm tốc tăng trưởng. Trong khoảng 2 tháng qua, tỷ giá Nhân dân tệ dao động quanh ngưỡng 6,5 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ cùng nỗ lực duy trì ổn định tỷ giá Nhân dân tệ của Bắc Kinh đã hạn chế sự suy yếu của đồng tiền tệ này.

Hiroshi Ugai, nhà kinh tế cấp cao của JPMorgan Securities dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi khi chính phủ tăng cường nới lỏng chính sách tài khóa. Tuy nhiên, trong dài hạn, tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ giảm xuống khoảng 5,1% từ năm 2025 từ mức khoảng 6% trước khi đại dịch bùng phát.

Nhìn chung, xu hướng giảm tốc tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến giá trị các đồng tiền tệ ở những nền kinh tế có tiếp xúc chặt chẽ với quốc gia Đông Á này.


NTTD
Cùng chuyên mục