Giá gạo xuất khẩu đang tăng lên nhưng vẫn chưa bù đủ chi phí
Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong tuần
Giá lúa gạo cuối tuần này tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều giữa các chủng loại lúa. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ trở lại sau khi giảm liên tiếp trong tuần.
Tại An Giang, giá một số loại lúa biến động trái chiều. Cụ thể, nếp vỏ An Giang (tươi) thương lái và doanh nghiệp mua tăng 150 đồng/kg lên mức 5.650 – 5.750 đồng/kg; lúa Nhật 8.100 – 8.500 đồng/kg, tăng mạnh 400 đồng/kg; trong khi đó nếp Long An (tươi) giảm 100 đồng/kg xuống còn 5.500 – 5.650 đồng/kg.
Các giống lúa còn lại, giá đi ngang. Hiện lúa IR 504 5.600 – 5.700 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM18 5.800 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 5.500 – 5.850 đồng/kg; lúa OM5451 5.700 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 380 5.500 – 5.600 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 5.800 - 5.900 đồng/kg; lúa Nhật 7.600 – 8.000 đồng/kg; IR 50404 (khô) 6.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 11.500 - 12.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá gạo NL IR504 8.000 – 8.100 đồng/kg; gạo TP IR 504 8.800 – 8.850 đồng/kg. Giá các mặt hàng phụ phẩm tấm, cám khô cũng đứng ở mức 8.100 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp, cuối tuần qua, nguồn cung gạo nguyên liệu ra thị trường ít hơn, các kho mua nhiều dẫn tới giá một số mặt hàng lúa gạo nhích nhẹ.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ 2 USD/tấn với mặt hàng gạo 5% và gạo 25% tấm. Theo đó, gạo 5% tấm 415 – 418 USD/tấn; gạo 25% tấm 395 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 100% tấm giữ ổn định ở mức 338 USD/tấn; Jasmine 518 – 522 USD/tấn.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, giá xuất khẩu gạo bắt đầu có xu hướng tăng nhưng giá hiện nay so với giá cuối năm 2021 vẫn thấp hơn. Lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay chủ yếu đáp ứng hợp đồng đã ký với Philippines. Còn những hợp đồng mới với thị trường này chưa có.
Dự kiến đến cuối tháng 3 các hợp đồng xuất khẩu gạo với thị trường này mới hoàn thành. Do đó lượng gạo xuất khẩu vừa qua tăng chủ yếu do các doanh nghiệp hoàn thành các hợp đồng với Philippines.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh tăng dự báo về nhập khẩu gạo của Philippines năm 2022 lên 2,9 triệu tấn, cao hơn so với dự báo trước đó là 2,5 triệu tấn. USDA cho biết lý do điều chỉnh tăng là bởi “tốc độ nhập khẩu tiếp tục mạnh mẽ từ Việt Nam”.
Tương tự, USDA cũng điều chỉnh tăng dự báo về sản lượng gạo (quy xay) của Philippines lên 12,4 triệu tấn so với dự báo trước đó là 12,3 triệu tấn. Dự báo về tiêu thụ cũng được nâng lên 14,95 triệu tấn, từ mức 14,85 triệu tấn dự báo trước đây.
Trong bối cảnh nhập khẩu gạo vào Philippnes đang gia tăng, Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) đã cảnh báo về khả năng giảm giá gạo trong vụ thu hoạch mùa khô tới, với lý do nhập khẩu gạo năm 2021 đã đạt 2,98 triệu tấn. “Chúng ta sẽ thừa nguồn cung khi nông dân bắt đầu thu hoạch vụ mùa khô, bắt đầu từ tháng 3 năm 2021,” FFF cho biết.
Thương nhân chờ đợi vụ thu hoạch sắp tới ở Việt Nam
Giá gạo tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới Ấn Độ và Thái Lan đều giảm trong tuần này do đồng nội tệ yếu đi, giữa lúc các thương nhân chờ đợi vụ thu hoạch sắp tới ở Việt Nam.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm giảm xuống mức 367 - 370 USD/tấn, thấp hơn so với mức 371 - 378 USD/tấn trong tuần trước, do đồng nội tệ rupee yếu đi trong khi nhu cầu ổn định từ những người mua chủ chốt. Đồng rupee yếu hơn làm gia tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán hàng ra nước ngoài.
Theo số liệu của Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), tính đến ngày 1/2, tồn kho gạo của nước này đạt 59,34 triệu tấn, đã bao gồm 49,26 triệu tấn lúa quy gạo, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 10% so với thời điểm 1/1/2022.
Bộ Nông nghiệp Ấn Độ dự báo sản lượng quy gạo xay xát niên vụ 2021-2022 (7/2021-6/2022) đạt mức kỷ lục, 127,93 triệu tấn, tăng 2,8% so với con số 124,37 triệu tấn năm 2020/21 và vượt mục tiêu 121,1 triệu tấn đề ra ban đầu.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan cũng giảm xuống mức 408 - 412 USD/tấn trong tuần này, thấp hơn so với mức 410 - 428 USD/tấn tuần trước đó, do đồng baht yếu đi so với USD.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ vượt 8 triệu tấn trong năm nay, do đồng baht yếu và nhu cầu tăng cao trên thị trường toàn cầu.
Lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt 1,5 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm, so với khối lượng 900.000 tấn cùng kỳ năm 2021. Nếu Thái Lan có thể xuất khẩu trung bình 700.000 tấn/tháng, tổng sản lượng xuất khẩu có thể sẽ đạt ít nhất 8 triệu tấn trong năm nay, cao hơn mức 7 triệu tấn mà TREA dự báo. Giá trị xuất khẩu gạo ước tính đạt 130 tỷ baht (khoảng 3,88 tỷ USD), tăng so với mức 110 tỷ baht năm ngoái.
Tuy nhiên, những khó khăn trong lĩnh vực logistics hiện vẫn là một thách thức khi thiếu tàu và giá cước vận chuyển cao. Vụ thu hoạch gạo mới của Thái Lan dự kiến sẽ đưa vào thị trường trong cuối tháng này.
Trong nước, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 15/2, cả nước gieo cấy được 2.638,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 101,2% cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc gieo cấy 740,5 nghìn ha, bằng 105,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1.898,1 nghìn ha, bằng 99,6%; riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy đạt 1.501,8 nghìn ha, bằng 98,8%., bằng 101,3%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.436,6 nghìn ha, bằng 100,6%.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, cả nước xuất khẩu 468.952 tấn gạo, tương đương 223,34 triệu USD, giá trung bình 476,3 USD/tấn, giảm 7,3% về lượng và giảm 9,2% về kim ngạch so với tháng 1 và giảm 2,1% về giá. So với tháng 2/2021 thì tăng mạnh 52% về lượng, tăng 33,2% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá.
Tính chung hai tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng mạnh 48,6% so với cùng kỳ năm trước, thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%) với giá trung bình đạt 481,5 USD/tấn (giảm 12%).
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 539.231 tấn, tương đương 250,35 triệu USD, giá trung bình 464,3 USD/tấn, tăng mạnh 110,7% về lượng, tăng 81,9% về kim ngạch nhưng giảm 13,4% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021; chiếm 55,3% trong tổng lượng và chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Trung Quốc đứng thứ hai với 81.884 tấn, tương đương 40,82 triệu USD, giá trung bình 498,5 USD/tấn, giảm mạnh 48,6% về lượng, giảm 51,2% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với cùng kỳ năm 2021; chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ ba đạt 95.946 tấn, tương đương 38,02 triệu USD, giá 396,3 USD/tấn, tăng 205,7% về lượng và tăng 127,8% kim ngạch nhưng giảm 25,5% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9,9% trong tổng lượng và chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Các doanh nghiệp nhận định thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy do đại dịch cũng đang được kết nối lại, giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine sẽ khiến cho nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Dự báo trong khoảng 1-2 tuần tới, việc xuất khẩu gạo sẽ nhộn nhịp hơn do nhu cầu lương thực của thế giới cao. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cũng được dự báo sẽ tăng trở lại, và ở mức tốt hơn khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua vào.
Còn theo dự báo của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng đáng kể từ tháng 4/2022 với các điểm đến truyền thống là Philippines và châu Phi...
Việc giá gạo và các phụ phẩm từ gạo tăng cao được nhận định là có lợi cho doanh nghiệp. Nhưng ở chiều ngược lại, vấn đề các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là chi phí cho logistics ngày càng cao hơn. Theo MXV, chi phí vận chuyển đã tăng lên đáng kể từ khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine, với chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 50% và chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa tăng 70-80%.
Được biết, theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), giảm 0,9 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được USDA dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, giảm 0,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
USDA dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022 đạt 49,5 triệu tấn (xay xát), tăng gần 0,7 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng giảm 2% so với mức kỷ lục của năm trước. Phần lớn sự suy giảm trong thương mại toàn cầu so với năm trước là do Bangladesh và Việt Nam giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ.