Giá heo hơi hôm nay 7/7: Giá lợn hơi tại Thái Lan 1 tuần lên 10 giá

07/07/2020 06:52 GMT+7
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay 7/7 vẫn tiếp tục tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg ở một vài nơi. Sau khi thông tin các doanh nghiệp Việt sẽ nhập heo sống từ Thái Lan, giá lợn hơi tại nước này tăng chóng mặt.

Giá heo hơi hôm nay tiếp tục tăng nhẹ

Thị trường lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Cao nhất khu vực ở mức 93.000 đồng/kg tại Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang.  Giá heo hơi tại Hà Nam hôm nay tăng thêm 2.000 đồng/kg, đạt 92.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá heo hơi tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Trong khi đó, tại Hưng Yên giá heo hơi tăng 1.000 đồng/kg lên mức 91.000 đồng/kg.  Các địa phương còn lại giao dịch chủ yếu ở mức 90.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi ghi nhận tăng nhẹ. Cụ thể, Bình Thuận đã tăng thêm 3.000 đồng/kg so với hôm qua đạt 83.000 đồng/kg. Quảng Ngãi tăng nhẹ 1.000 đồng lên 82.000 đồng/kg. Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định giá heo hơi duy trì ổn định với mức 82.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá heo hôm nay 7/7 giảm nhẹ. Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng giá heo hôm nay tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đồng loạt báo giảm 1.000 đôngf/kg xuống mức 85.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại Bến Tre, Cần Thơ, Long An giá heo được thu mua từ 87.000 - 88.000 đồng/kg. Các địa phương khác giao dịch từ 83.000 - 86.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay 7/7: Giá lợn hơi tại Thái Lan 1 tuần lên 10 giá - Ảnh 1.

Giá heo hơi hôm nay tiếp tục tăng nhẹ ở nhiều nơi

Heo Thái Lan liên tục bị đẩy giá 

Thông tin trên tờ Lao Động cho hay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, đến thời điểm này có khoảng 700 con lợn nhập khẩu từ Thái Lan được giết thịt bán ra thị trường. 

So với kế hoạch nhập khẩu khoảng 2 triệu con lợn để giết mổ làm thực phẩm nhằm tăng nguồn cung, kéo giá thịt lợn trong nước giảm xuống, thì số lượng 700 con lợn nhập về đã được giết mổ đưa ra thị trường là quá nhỏ. 

Vì sao số lượng lợn thịt nhập về quá ít, có phải doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong quá trình kiểm dịch hoặc vận chuyển lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - cho biết: Việc nhập khẩu lợn sống hoàn toàn do DN chủ động, tự quyết về số lượng, thời gian nhập, Bộ NNPTNT không can thiệp và không gây bất kỳ trở ngại gì cho việc nhập khẩu lợn sống. 

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, số lượng lợn về chậm bởi phải tuân thủ các thủ tục xét nghiệm dịch bệnh, kiểm dịch động vật rất nghiêm ngặt của cơ quan thú y cả 2 nước. “Chỉ những con lợn âm tính với dịch bệnh mới được xem xét cho phép nhập khẩu” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Theo các chủ DN nhập khẩu, ban đầu các DN cũng rất kỳ vọng vào việc nhập khẩu thịt lợn, bởi tại thời điểm trước ngày 10/6, giá lợn hơi tại Thái Lan chỉ khoảng 52.000-53.000 đồng/kg. Nhưng sau khi Cục Thú y Thái Lan thông tin về việc Việt Nam nhập khẩu lợn sống của Thái Lan, ngay sau đó 1 tuần giá lợn tại Thái Lan đã tăng liên tục.

“Giá lợn tăng hoàn toàn do yếu tố tâm lý của người chăn nuôi và các thương lái, không phải do tác động của nguồn cung, cũng không phải do chi phí chăn nuôi tăng cao” - ông Phạm Trần Sum - Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức - một trong 15 doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam - cho biết.

 Từ mức giá 53.000 đồng, giá lợn tại Thái Lan đã nhanh chóng tăng lên mức 63.000 đồng chỉ trong vòng 10 ngày, rồi sau đó lên mức 65.000-66.000 đồng/kg tùy khu vực.

 Cùng với giá lợn tăng là hàng loạt chi phí dịch vụ đi kèm như: Vận chuyển, tắm, cho thuê trang trại… tăng lên. “Bên cạnh đó, còn chi phí hao hụt, tỉ lệ chết, lãi suất ngân hàng, chi phí nuôi cách ly khiến mỗi con lợn nhập về phải đội giá lên khoảng 1,5-1,6 triệu đồng” - ông Phạm Trần Sum cho biết.

Vì khoảng cách giá lợn thịt của Thái Lan và Việt Nam chênh lệch không nhiều, trong khi đó các doanh nghiệp hoạt động đều đề cao vấn đề lợi nhuận, nên việc nhập khẩu lợn thịt về Việt Nam có xu hướng chững lại trong 10 ngày gần đây. 

Đến thời điểm này, Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức đã nhập khẩu về 5.000 con lợn giống, nhưng tỉ lệ lợn thịt chiếm số lượng chỉ khoảng 2.000 con. Công ty TNHH MTV Thương mại, dịch vụ quốc tế Đồng Lợi cũng đã hoàn tất thủ tục nhập khẩu 330 con lợn thịt để giết mổ làm thực phẩm trong đêm 30/6 tại cửa khẩu Lao Bảo.

Đây là lô lợn thứ 2 được công ty nhập khẩu về Việt Nam, nâng tổng số lợn nhập khẩu của DN lên gần 1.000 con.

Nhiều DN trong danh sách nhập khẩu lợn thịt từ Thái Lan đến nay vẫn chưa có động thái nhập lợn về theo kế hoạch đăng ký. Trả lời câu hỏi tại sao khoảng 2.500 con lợn thịt được nhập khẩu về, nhưng chỉ mới 700 con được giết mổ đưa ra thị trường, một thương nhân (xin được giấu tên), cho biết: Nhiều DN xin nhập khẩu lợn sống giết thịt nhưng lại nhập nhiều lợn giống, bởi hiện nay chênh lệch giá quá thấp, DN dễ gặp rủi ro. Hàng nghìn con lợn được nhập về, chỉ một số đưa ra giết mổ, số khác được đưa về các trang trại để nuôi tiếp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT đã xem xét vấn đề này và làm việc với các DN. “Số lượng lợn thịt sẽ được đẩy mạnh nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới” - Thứ trưởng Tiến khẳng định.


An Vũ
Cùng chuyên mục