Giá lợn hơi giảm sâu, điều gì đang xảy ra?
Giá lợn hơi hôm nay 25/07/2022: Giảm sâu
Giá lợn hơi cả nước giảm từ 1.000-5.000 đồng/kg, điển hình tại tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên giảm sâu từ 71.000 đồng/kg giảm xuống còn 66.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh như: Lào Cai, Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bến Tre,... giá lợn hơi đều giảm - mức giá dao động trong khoảng 63.000-71.000 đồng/kg.
Giá lợn CP cũng chững lại sau 2 tuần đầu tháng tăng liên tục. Theo đó, giá lợn hơi CP miền Bắc cao nhất là 72.000 đồng/kg. Giá lợn hơi CP miền Trung, miền Đông, miền Tây chỉ còn ở mức 70.000 đồng/kg.
Giá lợi hơi Trung Quốc cũng giảm xuống chỉ còn ở mức 76.700 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi sau một thời gian ngắn tăng nhanh thì hiện tại đã giảm nhiệt, giữ ổn định quanh mốc 70.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi miền Bắc hai ngày qua chỉ giao dịch quanh mức 70.000 đồng/kg. Nguồn cung tăng cao khiến giá lợn giao dịch tại chợ giảm, chỉ quanh mức 67.000 - 69.000 đồng/kg. Lợn nuôi trong dân khu vực phía Bắc dao động từ 66.000 - 72.000 đồng/kg.
Trong đó, giá lợn hơi tại các tỉnh/thành đồng bằng như Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, dao động trong khoảng 67.000 - 72.000 đồng/kg. Các địa phương có mức giá trên 70.000 đồng/kg không nhiều như những tuần trước.
Các tỉnh vùng núi phía bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên duy trì trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Lạng Sơn, Lào Cai 60.000 - 70.000 đồng/kg, Quảng Ninh 68.000 - 73.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, giá lợn hơi dao động nhẹ và cũng giảm nhiệt. Giá lợn hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bình quân 66.000 - 71.000 đồng/kg. Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế 62.000 - 69.000 đồng/kg. Các tỉnh Nam Trung bộ, giá lợn hơi từ 65.000 - 69.000 đồng/kg. Trong đó Quảng Nam, Đà Nẵng 63.000 - 69.000 đồng/kg. Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có thể lên mức 63.000 - 68.000 đồng/kg. Khánh Hòa, Bình Thuận từ 63.000 - 68.000 đồng/kg. Bình Thuận vẫn có khu vực được giá 70.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại Tây Nguyên phổ biến ở mức 64.000 - 67.000 đồng/kg. Giá lợn hơi cũng giảm. Lâm Đồng, Đắk Lắk trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg; Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông dao động từ 60.000 - 67.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi miền Nam những ngày qua cũng giảm về mức 67.000 - 70.000 đồng/kg. Nguồn lợn ra thị trường vẫn tương đối dồi dào có thể khiến giá lợn các tỉnh phía nam khó tăng trong những ngày tới.
Hiện giá lợn hơi tại các tỉnh thành Đông Nam bộ, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu phổ biến trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Bình Dương, Bình Phước 64.000 - 70.000 đồng/kg.
Tại Tây Nam bộ, giá lợn hơi bình quân 65.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó Long An, Tiền Giang 62.000 - 70.000 đồng/kg. Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… 61.000 - 70.000 đồng/kg. Cần Thơ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Đồng Tháp, An Giang ở mức 62.000 - 69.000 đồng/kg.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết sẽ chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản; trong đó có mặt hàng thịt lợn tại các địa phương trong nước trong điều kiện mới.
Bộ cũng sẽ phối hợp, hướng dẫn các địa phương trên cả nước bảo đảm nguồn cung về giống, vật tư và sản phẩm… Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước, đảm bảo nguồn cung thịt lợn...
Các cơ quan chức năng nhận định, giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng sôi động trở lại.
Về giá thức ăn chăn nuôi, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021; dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng từ 36-38%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thịt các loại khoảng 3,4 triệu tấn, trong đó, sản lượng thịt bò 241.200 tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa 617,8 triệu lít, tăng 10%; sản lượng thịt lợn hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%; sản lượng thịt gia cầm 980.700 tấn, tăng 5,2% và sản lượng trứng 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.
Hiện nay giá lợn hơi trên cả nước đang ở mức trung bình 69.000 - 70.000 đồng/kg - mức giá đảm bảo người chăn nuôi có lãi. Giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian gần đây là do thiếu nguồn cung cục bộ, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang có giá lợn hơi ở mức trên 70.000 đồng/kg.
Theo đó, để bình ổn giá lợn hơi, các cơ quan chức năng sẽ không tính đến phương án nhập khẩu lợn sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho người dân.
2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên người chăn nuôi thua lỗ, phải treo truồng, ảnh hưởng tới việc tái đàn. Nay thị trường phục hồi mạnh sau đại dịch, nhu cầu tăng cao nên dẫn tới thiếu nguồn cung lợn hơi cục bộ.
Do đó, các Bộ ngành đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để tập trung sản xuất, duy trì tổng đàn heo khoảng 27-28 triệu con đảm bảo nguồn cung trong nước. Muốn đẩy mạnh tái đàn nhanh, thì ngành chăn nuôi cần phải chủ động con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi... để tạo thuận lợi cho công tác tái đàn.
Dự báo giá lợn hơi trong thời gian tới, các chuyên gia trong ngành cho biết, giá lợn hơi sẽ được giữ ổn định quanh mốc 65.000-70.000 đồng/kg. Mức giá này vừa đảm bảo người chăn nuôi có lãi, không ảnh hưởng tới chỉ số giá thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 4%.
Các Bộ ngành đang phối hợp kiểm soát khâu trung gian trong chuỗi giá trị của ngành thịt lợn, đảm bảo giá lợn phù hợp khi đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó là ngăn chặn tình trạng buôn lậu lợn hơi sang Trung Quốc.
Được biết, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lợn hơi sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Người chăn nuôi sẽ được khuyến khích để tái đàn lợn một cách khoa học, hợp lý. Theo báo cáo của VCBS trước đó, tính đến tháng 6, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 16 lần kể từ tháng 10/2020, tăng hơn 20% so với đầu năm 2022. Chi phí chăn nuôi heo ước tính khoảng 57.000 đồng/kg trong khi giá lợn duy trì ở mức thấp (50.000 – 55.000 đồng/kg) khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ thua lỗ. Áp lực chi phí đầu vào khiến hiện tượng bán chạy đàn diễn ra ở cả nông hộ và doanh nghiệp trong quý đầu năm 2022, hoạt động tái đàn trở nên dè dặt, ảnh hưởng đến nguồn cung lợn.
Theo quan điểm của VCBS, nếu việc giảm đàn tiếp tục xảy ra do lo ngại về giá thức ăn chăn nuôi cao, quy mô đàn lợn có thể thu hẹp dẫn tới nguồn cung lợn thiếu hụt trong cuối năm nay và cả sang năm 2023. VBCS cho biết vaccine dịch tả châu Phi bắt đầu được thương mại hóa được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ giảm nguy cơ dịch bệnh cho đàn lợn trong thời gian tới. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá lợn hơi Việt Nam có thể vững ổn định và ngang bằng giá khu vực.
Theo VCBS, giá lợn tại các thị trường lân cận có đà tăng tốt trong quý II trong bối cảnh tác động của lạm phát rõ rệt. VCBS kỳ vọng triển vọng nguồn cung thu hẹp và nhu cầu tiêu dùng nội địa hồi phục trong nửa cuối 2022 sẽ hỗ trợ giá lợn duy trì tốt và vững trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2023.
Các địa phương hiện cũng có các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi.
Đảm bảo giá lợn cho nông dân có lãi song chúng ta không để thiếu hụt thịt lợn, để giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Liên quan vấn đề nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, với nguồn cung và tình hình phát triển đàn hiện tại các cơ quan chức năng cho rằng, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc cần làm là đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.