Chạm mốc 75.000 đồng/kg, giá lợn hơi còn tăng "sốc" đến đâu?
Thị trường lợn hơi hôm nay 19/7: Giá lợn hơi tiếp đà leo dốc, Tiền Giang tăng "nóng" 7 giá
Theo Anova Feed, giá lợn hơi tăng cao nhất 7.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Tiền Giang hôm nay, từ 61.000 lên 68.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay ghi nhận mức tăng từ 1 - 7 giá so với ngày hôm qua. Trong đó, các tỉnh thành gồm Vũng Tàu, An Giang, Đồng Nai, Trà Vinh và Sóc Trăng lần lượt tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg; tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre và Bạc Liêu tăng 3.000 - 4.000 đồng, lên 62.000 - 68.000 đồng/kg. Tương tự, mức tăng tại Long An là 5.000 đồng/kg, tại Kiên Giang tăng 6.000 đồng/kg, tại Tiền Giang tăng 7.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng ít hơn, từ 1.000 - 4.000 đồng/kg. Các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình và Hưng Yên là đồng loạt tăng từ 3.000 - 4.000 đồng, đưa giá lợn hơi toàn khu vực miền Bắc hôm nay dao động trong khoảng 71.000 - 75.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây nguyên, giá lợn hơi cũng gây "sốt" khi tăng hàng loạt từ 1.000 - 5.000 đồng/kg, đưa giá chung toàn vùng dao động từ 63.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, lợn hơi tại các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nghệ An và Lâm Đồng tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Theo nhận định của Anova Feed, hơn 90% tỉnh thành trên cả nước tăng giá lợn hơi. Tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi đều trên 70.000 đồng/kg. Các tỉnh miền Nam ghi nhận mức giá 62.000-70.000 đồng/kg. Theo nhận định của Anova Feed, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.
Theo đó, giá lợn hơi tại miền Nam sẽ diễn biến đi lên mạnh hơn do lưu chuyển liên vùng sôi động khi chênh lệch giá kéo giãn bất chấp tiêu thụ nội địa chậm. Đến tháng 9, nguồn cung lợn từ các công ty và trại dân sẽ dồi dào hơn.
Theo báo cáo mới đây của VCBS, giá lợn hơi tại các thị trường lân cận có đà tăng tốt quý II trong bối cảnh tác động của lạm phát (giá thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao) và nguồn cung lợn sụt giảm do dịch bệnh (tại Thái Lan) và liên tiếp các đợt thu mua lợn (13 đợt trong 5 tháng đầu năm nay) từ chính phủ Trung Quốc.
Ngày 18/7, giá lợn hơi trung bình tại Trung Quốc là 79.200 đồng/kg, trong đó Quảng Đông là 86.000 đồng/kg, Quảng Tây là 79.000 đồng/kg và Vân Nam là 74.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Thái Lan cùng ngày là 66.000-74.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi từng có những thời điểm chạm mốc 90.000 đồng/kg
Trong vòng 10 ngày qua, giá lợn hơi trên cả nước bật tăng mạnh, đẩy giá thịt lợn tại các chuỗi bán lẻ và ngoài chợ dân sinh điều chỉnh tăng từ 5.000 - 12.000 đồng/kg. Nhiều dự báo cho thấy, giá lợn hơi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Giá lợn hơi tăng được lý giải do kinh tế đã phục hồi trở lại, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể đều đã hoạt động như ngày thường đẩy nhu cầu tăng cao. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, giá lợn hơi sau thời gian cầm chừng, bán lỗ trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại được điều chỉnh tăng liên tục nên nay "bùng" tăng trở lại là điều khó tránh khỏi. Chưa kể, thời gian trước gặp dịch bệnh, nhiều trại nuôi bán tháo, lợn mới chỉ 60-80kg đã bán. Đến nay, nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lợn hơi tăng cao...
Giá lợn hơi từng có những thời điểm chạm mốc 90.000 đồng/kg do thời điểm căng thẳng nhất của dịch tả lợn châu Phi vì thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Dịch bệnh kiểm soát được nhưng nếu không quản lý tốt giá vật tư đầu vào cùng kiểm soát khâu thị trường thì bối cảnh đó có thể tái diễn vào thời điểm cuối năm nay khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
Về giá tăng cao, các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi thị trường thịt lợn Trung Quốc. Với vị thế chiếm 56% tổng sản lượng và 45% tiêu thụ thịt lợn toàn cầu, giá thịt lợn ở Trung Quốc đang tăng nhanh gây lo ngại sẽ tác động lan truyền đến các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu mới đây từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, tính đến tuần kết thúc vào ngày 1/7/2022, giá lợn hơi ở nước này đã tăng 46% so với tháng 3/2022. Ủy ban này đang xem xét khai thác nguồn thịt lợn dự trữ chiến lược quốc gia để ngăn chặn giá tăng nhanh chóng, đồng thời cam kết sẽ ngăn chặn bất kỳ hành vi trục lợi giá cả nào của các trang trại chăn nuôi lợn.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng mạnh trong khi nguồn cung thịt lợn nhìn chung vẫn đủ. Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp chủ động nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn và ổn định giá lợn. Ngoài ra, thông tin về cung cầu cũng như giá thịt lợn sẽ được Trung Quốc công bố kịp thời để ổn định kỳ vọng của thị trường.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ tận dụng nguồn thịt lợn dự trữ để ngăn chặn những biến động của thị trường. Các nỗ lực sẽ được thực hiện để thông suốt các kênh giữa sản xuất và buôn bán trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hoặc lũ lụt để đảm bảo tiêu thụ thịt của người dân.
Còn Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định giá lợn hơi tăng theo giá thức ăn chăn nuôi là điều dễ hiểu. Song bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận đang có đợt dịch chuyển lợn từ Nam ra Bắc, khiến nhu cầu tăng và giá đi lên.
Theo báo cáo của VCBS, tính đến tháng 6, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 16 lần kể từ tháng 10/2020, tăng hơn 20% so với đầu năm 2022. Chi phí chăn nuôi heo ước tính khoảng 57.000 đồng/kg trong khi giá lợn duy trì ở mức thấp (50.000 – 55.000 đồng/kg) khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ thua lỗ. Áp lực chi phí đầu vào khiến hiện tượng bán chạy đàn diễn ra ở cả nông hộ và doanh nghiệp trong quý đầu năm 2022, hoạt động tái đàn trở nên dè dặt, ảnh hưởng đến nguồn cung lợn.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, sản lượng thịt lợn xuất chuồng tuy vẫn ở mức cao, nhưng có chiều hướng giảm kể từ quý IV/2021 sau một thời gian bán chạy đàn. Tại các chợ đầu mối, giao dịch lợn trong tháng 6 miền Bắc đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh tháng 3/2022 cùng với sự điều tiết tốt hơn của nguồn lợn công ty nhằm cân bằng cung cầu.
Theo quan điểm của VCBS, nếu việc giảm đàn tiếp tục xảy ra do lo ngại về giá thức ăn chăn nuôi cao, quy mô đàn lợn có thể thu hẹp dẫn tới nguồn cung lợn thiếu hụt trong cuối năm và cả sang năm 2023.
VBCS cho biết vaccine dịch tả châu Phi bắt đầu được thương mại hóa từ ngày 3/6 và được kỳ vọng là yếu tố hỗ trợ giảm nguy cơ dịch bệnh cho đàn lợn trong thời gian tới.
Trong khi thị trường thịt lợn đứng trước nguy cơ nguồn cung đi xuống thì nhu cầu có dấu hiệu tăng. Theo đó, mức bán lẻ dịch vụ hàng hóa lưu trú và ăn uống tăng mạnh 44,2% tính tới quý II/2022 thể hiện nhu cầu hồi phục rõ rệt đối với hoạt động ăn uống tại chỗ khi du lịch trở lại, trong đó có cầu thịt lợn nội địa.
Với mức giá hiện tại, người nông dân đang hòa vốn hoặc có lãi nhẹ. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá lợn hơi Việt Nam có thể bằng giá khu vực.
Được biết, Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục chỉ đạo sản xuất, ứng dụng kỹ thuật và phát triển sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 5-5,5% và tổng sản lượng thịt vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 6,95 triệu tấn. Để ổn định nguồn cung, giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng nhận định, tình hình phát triển đàn lợn hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc cần làm là đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi nguồn cung dồi dào. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36,78 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 47,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cả nước xảy ra 753 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con. Hiện nay, cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 9.867 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch dịch tả lợn châu Phi giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần.