Lợn hơi dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, dự báo "nóng" mới
Giá lợn hơi hôm nay 23/7 tiếp tục biến động trái chiều từ 1 - 4 giá
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh trái chiều tại một vài nơi dao động trong khoảng 69.000 - 73.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi nhích nhẹ một giá, thương lái tại tỉnh Thái Bình hiện đang thu mua lợn hơi với giá cao nhất khu vực là 73.000 đồng/kg. Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang điều chỉnh giao dịch xuống mức thấp nhất là 69.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg, ngang bằng với Hà Nội. Các địa phương khác, giá lợn hơi hôm nay không ghi nhận sự thay đổi và dao động trong khoảng 70.000 – 72.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 67.000 - 73.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng điều chỉnh giá thu mua lên tương ứng là 67.000 đồng/kg và 71.000 đồng/kg sau khi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Bình Thuận tăng thêm 2.000 đồng/kg lên mức 73.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Ninh Thuận hiện là địa phương giữ giá lợn hơi thấp nhất khu vực 66.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 65.000 - 72.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại Hậu Giang và Sóc Trăng đang cùng thu mua lợn hơi chung mức 69.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Các tỉnh gồm Long An, Đồng Nai và Bến Tre cùng tăng 2.000 đồng/kg lên 68.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Tây Ninh tăng cao nhất 4.000 đồng/kg lên mốc 70.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, thương lái của Trà Vinh và Cà Mau lần lượt giảm 2.000 đồng/kg và 3.000 đồng/kg xuống thu mua tương ứng còn 66.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg.
Như vậy, sau những đợt điều chỉnh tăng giá liên tục từ đầu tháng 7 tới nay, hiện giá lợn hơi đã có những phiên điều chỉnh giảm và dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg.
Hiện, giá lợn hơi cả nước tăng dần từng ngày và dần đuổi kịp giá thức ăn chăn nuôi cùng những chi phí chăn nuôi khác trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua khảo sát các vùng chăn nuôi trọng điểm, người nuôi lợn vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn lợn hoặc đầu tư thêm, bởi hầu hết đều lo ngại trước biến động giá.
Lý giải cho việc giá lợn hơi tăng cao trong 10 ngày qua, các chuyên gia trong ngành chia sẻ, giá lợn hơi tăng thời gian qua là bình thường và hợp lý vì giá thành chăn nuôi tăng rất cao. Khi cả hai chi phí đầu vào và đầu ra đều tăng thì người chăn nuôi chưa thể gọi là có lãi lớn, bởi bão giá đã “ăn” phần lợi nhuận của người chăn nuôi.
Chưa kể, giá lợn hơi trong nước tăng cao do giá lợn Trung Quốc và Thái lan tăng cao khiến thịt lợn Việt Nam bị ảnh hưởng. Cập nhật đến ngày 23/7, giá lợn hơi Trung Quốc đã giảm xuống, đứng ở mức 78.500 đồng/kg, so với mức mức trung bình 79.000-80.000 đồng/kg trước đó; giá lợn tại Thái Lan là 67.000 đồng/kg, tại Lào là 45.000 đồng/kg, tại Myanmar là 53.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại 2 quốc gia này có thời điểm chạm mốc 80.000 đồng/kg do thiếu nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, tác động làm giá thịt lợn của Việt Nam cũng tăng. Như vậy, do thiếu nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, giá cả thế giới tăng nên giá thịt lợn của Việt Nam cũng tăng.
Khi giá lợn hơi tăng mạnh, sẽ tác động đến giá thực phẩm thịt thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, dù biết rằng với diễn biến giá lợn hiện nay vẫn chưa giúp người nuôi lợn “gỡ gạc” lại được khi giá lợn đã hơi xuống thấp một thời gian dài, nhưng việc giữ giá lợn hơi ổn định sẽ giúp ổn định đời sống của người tiêu dùng trong giai đoạn bão giá hiện nay.
Giá lợn hơi khó có thể tiếp tục tăng đột biến thời gian tới
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2022, đàn lợn cả nước tăng trưởng 3,8% và sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan này dự báo giá lợn hơi có thể chỉ tăng thêm 3.000-6.000 đồng/kg, tương đương từ 5 - 10% trong quý III năm nay.
Thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi, giá xăng dầu ở mức cao… nhưng khó có thể tăng đột biến. Đây cũng là hy vọng của người tiêu dùng vì sẽ không phải gồng mình chi tiêu với giá thịt lợn tăng cao.
Việc giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng là tín hiệu mừng cho bà con nông dân, tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát dưới 4%. Do vậy bài toán đặt ra là cần có cái nhìn tổng thể, cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác như giảm giá nguyên, nhiên liệu đầu vào để duy trì được giá lợn vừa có lãi cho nông dân vừa giữ được chỉ số CPI dưới 4%.
Giá lợn hơi từng có những thời điểm chạm mốc 90.000 đồng/kg do căng thẳng nhất của dịch tả lợn châu Phi vì thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Dịch bệnh kiểm soát được nhưng nếu không quản lý tốt giá vật tư đầu vào cùng kiểm soát khâu thị trường thì bối cảnh đó có thể tái diễn vào thời điểm cuối năm nay khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
Giá lợn hơi tăng cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước đã tăng trở lại sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhu cầu từ các bếp ăn, nhà hàng, khách sạn hồi phục, nhưng với nguồn cung và tình hình phát triển đàn lợn hiện tại thì hoàn toàn có thể đáp ứng được được nhu cầu của thị trường. Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục chỉ đạo sản xuất, ứng dụng kỹ thuật và phát triển sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 5-5,5% và tổng sản lượng thịt vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 6,95 triệu tấn.
Về giá tăng cao, các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi thị trường thịt lợn Trung Quốc. Với vị thế chiếm 56% tổng sản lượng và 45% tiêu thụ thịt lợn toàn cầu, giá thịt lợn ở Trung Quốc đang tăng nhanh gây lo ngại sẽ tác động lan truyền đến các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu mới đây từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, tính đến tuần kết thúc vào ngày 1/7/2022, giá lợn hơi ở nước này đã tăng 46% so với tháng 3/2022. Ủy ban này đang xem xét khai thác nguồn thịt lợn dự trữ chiến lược quốc gia để ngăn chặn giá tăng nhanh chóng, đồng thời cam kết sẽ ngăn chặn bất kỳ hành vi trục lợi giá cả nào của các trang trại chăn nuôi lợn.
Theo phân tích của KBSV, giá lợn hơi trong năm 2022 sẽ dao động ở mức 60.000 – 70.000 đồng/kg khi nhu cầu ăn uống ổn định, trong khi nguồn cung thịt lợn giảm do tỷ lệ tái đàn đầu năm 2022 ở mức thấp vì liên quan đến các yếu tố dịch tả lợn, giá cám cao tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi.
Giá lợn hơi bắt đầu khởi sắc, người nông dân vẫn chưa thể yên tâm vì ngành chăn nuôi luôn bấp bênh, giá thức ăn chăn nuôi vẫn leo thang dù nguyên liệu đang có xu hướng hạ nhiệt.
Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.
Để ổn định nguồn cung, giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng nhận định, tình hình phát triển đàn lợn hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc cần làm là đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.
Về những yếu tố tác động tới chăn nuôi lợn và giá lợn tới đây, các chuyên gia cho rằng thị trường nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục biến động mạnh vì giá logistics tăng cao, căng thẳng Nga – Ukraine, hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, còn phức tạp.
Thực tế, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng giá đầu ra sản phẩm có thể sẽ không thiết lập một mặt bằng giá mới. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không muốn tăng giá lợn, bởi việc tăng giá khiến người chăn nuôi nhỏ sẽ chăn nuôi ồ ạt trở lại và cạnh tranh trực tiếp với họ.
Đánh giá về triển vọng ngành, trong báo cáo mới nhất, SSI Research kỳ vọng các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022 khi chi phí chăn nuôi sẽ đi ngang và giảm trong quý IV còn giá lợn hơi dự kiến sẽ tăng chậm lại đến cuối năm, đạt 65.000 đồng đến 75.000 đồng/kg.