Giá lợn hơi ghi nhận giá thấp mới, lượng lợn vẫn đang ứ đọng khó tiêu thụ

12/01/2023 07:24 GMT+7
Giá lợn hơi ngày 11/01/2023, diễn biến hai chiều. Xuất hiện 1 vài tỉnh tăng thêm 1.000 đồng/kg như Hà Nội, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ. Mức giá lợn hơi cao nhất nước chỉ đạt 54.000 đồng/kg, tại Bến Tre đã nghi nhận mức giá giảm mới thấp nhất nước 49.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi ghi nhận giá thấp mới

Giá lợn hơi ngày 11/01/2023, diễn biến hai chiều. Xuất hiện 1 vài tỉnh tăng thêm 1.000 đồng/kg như Hà Nội, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ. Mức giá lợn hơi cao nhất nước chỉ đạt 54.000 đồng/kg, tại Bến Tre đã nghi nhận mức giá giảm mới thấp nhất nước 49.000 đồng/kg. Thị trường sau tin Trung Quốc mở cửa có biến động nhưng nhìn chung không thay đổi nhiều, lượng lợn vẫn đang ứ động, khó tiêu thụ.

Ngày 11/1 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam giữ ổn định ở mức thấp sau khi liên tục giảm. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 57.000 đồng/kg.

Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 11/1 hồi phục nhẹ, đứng ở mức 53.400 đồng/kg, tăng 4 giá so với ngày 9/1 ở mức 53.000 đồng/kg, tăng so với mức 50.800 đồng/kg của ngày 6/1, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 54.400 đồng/kg của ngày 4/1, giảm mạnh so với mức 62.600 đồng/kg cuối tuần qua. Mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 76.600 đồng/kg của ngày 9/12/2022, mức 79.800 đồng/kg của ngày 8/12/2022. Trước đó, giá lợn Trung Quốc liên tục đứng ở mức hơn 80.000 đồng/kg thời gian vừa qua.

Giá lợn hơi ghi nhận giá thấp mới, lượng lợn vẫn đang ứ đọng khó tiêu thụ - Ảnh 1.

Giá lợn hơi ghi nhận giá thấp mới, lượng lợn vẫn đang ứ đọng khó tiêu thụ

Giá lợn hơi ghi nhận giá thấp mới, lượng lợn vẫn đang ứ đọng khó tiêu thụ - Ảnh 2.

Giá lợn hơi ghi nhận giá thấp mới, lượng lợn vẫn đang ứ đọng khó tiêu thụ

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi không ghi nhận biến động nhiều về giá, dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao dịch cao nhất tiếp tục được chứng kiến tại tỉnh Hưng Yên là 54.000 đồng/kg. Thương lái tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai thu mua lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các tỉnh, thành còn lại duy trì giao dịch ổn định trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Theo đó, lợn hơi tại Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam đang được thu mua với giá không đổi là 51.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 54.000 đồng/kg được ghi nhận tại Lâm Đồng. Thấp hơn một giá, tại Bình Thuận thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 53.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại có giá đi ngang ở mức 52.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng chững lại theo xu hướng chung của thị trường và dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, 53.000 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại Vĩnh Long, Cà Mau và Bạc Liêu. Ngoại trừ Bến Tre đang có giá thu mua thấp nhất khu vực là 50.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại giữ nguyên giao dịch ổn định trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg.

Các hộ nuôi lợn ở miền Nam cho biết đang bị lỗ từ 50-500 triệu đồng khi giá lợn hơi về mốc 50.000 đồng/kg.

Công ty Chăn nuôi C.P VN - cũng nhìn nhận giá lợn hơi giảm khiến lợi nhuận các doanh nghiệp chăn nuôi không đáng kể và buộc phải cân đối cũng như thắt chặt chi phí sao cho hợp lý.

Nguyên nhân giá lợn hơi lao dốc mạnh, Công ty Chăn nuôi C.P VN cho rằng do nguồn cung trên thị trường tăng cao. Đặc biệt, so với mọi năm, thị trường xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này khiến tổng đàn lợn trên thị trường tăng mạnh nhất trong 5 năm qua.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết theo số liệu thống kê, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 31,5 triệu con, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, nguồn cung lợn trên thị trường khá dồi dào.

Ngoài ra, tình hình dịch tễ đang khá phức tạp, lợn bị dịch bệnh chết tăng cao khiến nguồn lợn dưới tiêu chuẩn (60-70 kg một con) "đổ" ra thị trường lớn cũng khiến giá lợn giảm.

Song song đó, thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc dù đang có nhu cầu cao, song lợn Việt khó xuất sang Trung Quốc, đặc biệt ở dịp cao điểm Tết Nguyên đán nên đầu ra chăn nuôi lợn bị chững lại, giá đi xuống.

Thực tế, năm 2022, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm... Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường. Năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành chăn nuôi khoảng 5-6%, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó thịt lợn là 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm trên 2 triệu tấn...

Giá lợn hơi duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2022, ở mức trung bình 55.000 đồng/kg, sau đó tăng đáng kể trong tháng 7 và tháng 8/2022 và đạt mức cao nhất là 75.000 đồng/kg. Tuy nhiên mức giá này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, sau đó giá giảm trở lại. Giá thịt lợn hơi giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trong tháng 12/2022, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục xu hướng giảm, hiện giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 51.000- 54.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/ kg so với cuối tháng 11/2022.

Tới cuối năm 2022, giá lợn hơi đã có dấu hiệu chững lại, không còn giảm thêm nữa. Điều này cho thấy thị trường đang có sự điều tiết chờ tín hiệu để điều chỉnh tăng giá trở lại từ dịp Tết Dương lịch nhờ nhu cầu tăng lên. Dự báo, giá lợn hơi tăng trở lại nhưng mức tăng sẽ không đột biến như dịp Tết của các năm trước.

Về xuất khẩu: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 16,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 73,23 triệu USD, giảm 6,3% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 50,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước với 6,77 nghìn tấn, trị giá 36,85 triệu USD, giảm 24,5% về lượng và giảm 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 11 tháng năm 2022, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu vẫn là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Lào, Thái Lan…); Đùi ếch đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Bỉ, Hoa Kỳ và Pháp); Thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm (được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc…); Thịt trâu bò tươi đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ)…

Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất. 11 tháng năm 2022, xuất khẩu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 9,46 nghìn tấn, trị giá 44,76 triệu USD, tăng 95,4% về lượng và tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Kông, Lào và Thái Lan. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 65,2% tổng lượng thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng năm 2022.

Thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Hiện nay, lượng thịt lợn xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn là lợn sữa và lợn choai sang thị trường Hồng Kông, mà không phải các sản phẩm có thể sản xuất quy mô lớn như đông lạnh hay thịt tươi.

Về nhập khẩu: Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 11 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 614,76 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 1,35 tỷ USD, giảm 8,6% về lượng, nhưng tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 55 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Trong 11 tháng năm 2022, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 141,88 nghìn tấn, trị giá 455,01 triệu USD, tăng 48,4% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Các chủng loại thịt nhập khẩu trong 11 tháng năm 2022 chủ yếu gồm: thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là đùi gà đông lạnh, thịt gà tươi đông lạnh…); Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, lượng thịt gia cầm, thịt lợn giảm; trong khi nhập khẩu thịt bò, thịt trâu tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu thấp. Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 100,52 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 214,85 triệu USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn được nhập khẩu từ 31 thị trường trên thế giới. Trong đó, Brazil, Nga, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trừ Brazil, nhập khẩu thịt lợn từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 tháng năm 2022, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 37,61 nghìn tấn, trị giá 82,57 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục