Giá lợn hơi giảm cả tuần, mức thấp nhất chỉ còn 58.000 đồng/kg

18/09/2022 17:54 GMT+7
Tuần qua, giá lợn hơi trên cả nước nhìn chung có xu hướng giảm. Thị trường đang tái đàn mạnh tại miền Bắc và ảnh hưởng của dịch ASF trong miền Nam, người chăn nuôi bán tháo làm lượng cung tăng, khiến giá lợn hơi liên tục hạ.

Giá lợn hơi hôm nay 18/9: Ghi nhận mức thấp nhất 58.000 đồng/kg

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó mức giá thấp nhất khu vực 62.000 đồng/kg được ghi nhận tại Tuyên Quang. Mức gia cao nhất khu vực 67.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình. Thấp hơn một giá, hiện tại Hà Nội, giá lợn hơi đang được thương lái thu mua ở mức 66.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại trong khu vực ghi nhận mức giá 65.000 đồng/kg.

Tính chung trong tuần qua, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi biến động xu hướng giảm ở nhiều địa phương. Trong đó, Hà Nội ghi nhận 2 lần điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg và hiện xuống mức 66.000 đồng/kg. Hưng Yên, Thái Bình cũng ghi nhận 2 lần điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg và hiện xuống mức 67.000 đồng/kg. Còn tại Thái Nguyên, sau 2 lần điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg hiện cũng về mức 65.000 đồng/kg. Tương tự, tại Lào Cai, sau 2 lần điều chỉnh giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, hiện giá lợn hơi về mức 65.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình khi các địa phương này cùng ghi nhận mức điều chỉnh giảm 2.000 đồng/kg và 1.000 đông/kg trong tuần qua. Mức giảm giá sâu nhất 5.000 đồng/kg được ghi nhận tại Tuyên Quang và hiện đang được thương lái thu mua ở mức 62.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thu mua lợn hơi cao nhất được ghi nhận tại Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định là 65.000 đồng/kg. Thấp hơn một đến hai giá ở mức 63.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg gồm có Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Khánh Hòa. Thương lái ở các tỉnh còn lại vẫn giao dịch lợn hơi ổn định trong khoảng giá 58.000 - 60.000 đồng/kg.

Tính chung, trong tuần qua, giá lợn hơi miền Trung biến động giảm từ 1.000 – 2000 đồng/kg. Trong đó, mức giảm 1.000 đồng/kg được ghi nhận tại Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Còn tại các địa phương gồm Quảng Nam, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh cùng ghi nhận mức giảm giá 2.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 2 lần điều chỉnh giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 58.000 - 64.000 đồng/kg. Trong đó, Tây Ninh ghi nhận mức giá lợn hơi 58.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Còn tại Long An ghi nhận mức giá cao nhất khu vực 64.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại, giá lợn hơi dao động trong khoảng 59.000 – 63.000 đồng/kg.

Tính chung, trong tuần qua, giá lợn hơi tại khu vực miền Nam giảm ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Trong đó, mức giảm sâu nhất 4.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang và hiện về lần lượt ở mức mức 62.000 đồng/kg; 58.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg. Đáng chú ý, tại Đồng Nai, sau ba đợt điều chỉnh giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, hiện giá lợn hơi địa phương này đang được thương lái thu mua ở mức 60.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Sóc Trăng, sau 2 lần điều chỉnh giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg và 1 lần điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg, hiện, giá lợn hơi địa phương này về mức 59.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực, hầu hết đều ghi nhận mức giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg và hiện giá lợn hơi phổ biến ở mức trung bình 62.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi giảm cả tuần, mức thấp nhất chỉ còn 58.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Giá lợn hơi giảm cả tuần, mức thấp nhất chỉ còn 58.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Thị trường đang tái đàn mạnh tại miền Bắc và ảnh hưởng của dịch ASF trong miền Nam, người chăn nuôi bán tháo làm lượng cung tăng, khiến giá lợn hơi liên tục hạ.

Bộ NN&PTNT cho biết, với các biện pháp thú y phòng chống dịch bệnh, quản lý biên giới, chăn nuôi an toàn sinh học… và duy trì được tốc độ tăng trưởng của các đàn vật nuôi như từ đầu năm đến nay chúng ta sẽ hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung thực phẩm (đặc biệt là thịt lợn) cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Nhìn chung trong 7 tháng, đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng. Cụ thể đàn bò ước tăng khoảng 2,6%; đàn lợn tăng 4,8% và đàn gia cầm tăng 1,6%; riêng đàn trâu ước giảm khoảng 1,1% nhưng mức giảm cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (2,4%).

Ngành nông nghiệp nhận định, sản lượng thịt các loại năm 2022 vẫn đạt trên 7 triệu tấn cùng 18,4 tỷ quả trứng, trên 1,3 triệu tấn sữa. Nguồn thực phẩm vẫn đảm bảo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT trong báo cáo mới nhất kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong quý III/2022 của các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phục hồi đáng kể so với quý trước, nhờ giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và giá lợn hơi tăng cao từ giữa tháng 6/2022.

VNDIRECT cho rằng biên lợi nhuận gộp của Masan MEATLife’s sẽ cải thiện nhẹ khoảng 1-2% trong quý III/2022 nhờ giá bán lẻ tăng sẽ bù đắp cho giá lợn hơi đầu vào tăng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) có mảng doanh thu thịt lợn đạt 259 tỷ đồng trong quý II, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán lợn là 66 tỷ, gấp 2,35 lần quý II/2021 và biên lợi nhuận gộp đạt 25,4%.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sở dĩ đạt được kết quả tích cực như vậy là do có thể tận dụng sản lượng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ mảng kinh doanh trái cây để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chuối sấy thành bột (cung cấp đạm cho lợn) chiếm 40% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu như ngô và đậu tương chiếm 60%.

Do đó, công ty có giá vốn hàng bán khoảng 38.000 đồng/kg, thấp hơn so với các đối thủ như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Masan MEATLife’s và Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF).

Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai trong quý III/2022 sẽ tăng rõ rệt nhờ chi phí đầu vào thấp nhất trong số các nhà sản xuất thịt niêm yết.

Ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nửa đầu năm 2022, khi giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi như giá ngô, giá lúa mỳ tăng rất mạnh, trong khi giá lợn không tăng đáng kể.

Tuy nhiên kể từ tháng 6 trở lại đây, diễn biến này đã có sự đảo chiều khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sự hạ nhiệt với giá ngô và lúa mỳ bắt đầu giảm, ngược lại giá lợn hơi đã tăng trở lại.

Theo VNDIRECT, tính đến ngày 27/7, giá lợn trong nước tăng 19,9% so với tháng trước và 38,6% so với đầu năm; trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tăng 18,3% so với tháng trước.

Chứng khoán VNDIRECT nhận định, với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2022. Do vậy, giá thịt lợn sẽ ổn định ở mức thấp.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá lợn sẽ quanh mức 60.000 đồng/kg trong quý IV/2022. Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm nhẹ khoảng 6-10% trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý III/2022 và hạ nhiệt dần trong quý IV/2022.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 - đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022. Tổng số bò của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số lợn tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn).

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi; hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;…

Về đề xuất hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, dự thảo nêu rõ, hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu đối với cơ sở chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, các sàn giao dịch vật tư chăn nuôi để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhằm quảng bá sản phẩm; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ không quá 50% giá trị xây dựng kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 03 tỷ đồng/kho lạnh. Điều kiện được hỗ trợ là các dự án đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới giá cả. Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn. Theo Bộ Nông nghiệp, nếu giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg sẽ là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh tái đàn phục vụ cho nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.

Hiện 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam cũng duy trì tổng đàn khoảng 6,5 triệu con lợn để cung cứng thịt lợn cho thời điểm cuối năm với giá bình ổn. Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy, công tác tái đàn của địa phương trên cả nước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục