Trung Quốc tiếp tục mở kho dự trữ để bình ổn giá thịt lợn, giá lợn hơi trong nước giảm "sốc" tiếp
Trung Quốc tiếp tục mở kho dự trữ để bình ổn giá thịt lợn
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 13/9 thông báo sẽ cung cấp thêm thịt lợn cho thị trường từ kho dự trữ trung ương trong tuần này để đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn và duy trì ổn định giá cả.
Đây là lần thứ hai trong năm nay Trung Quốc quyết định “mở” kho dự trữ thịt lợn trong bối cảnh giá thịt lợn, thức ăn thiết yếu của người dân Trung Quốc, trong tháng 8/2022 đã tăng 0,4% so với tháng 7/2022 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
NDRC cho biết Ủy ban sẽ theo dõi sát sao những thay đổi của thị trường và tăng cường mở kho dự trữ thịt lợn nếu cần thiết. Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.
Các trang trại nuôi lợn được khuyến cáo nên sắp xếp hợp lý và bán lợn với tốc độ bình thường.
Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay tiếp tục giảm, đứng ở mức 71.900 đồng/kg so với mức mức 72.200 đồng/kg của chiều qua. Trước đó, tại Trung Quốc, giá thịt lợn đã tăng mạnh trong tháng 8/2022, mặc dù trước đó Chính phủ nước này đã thực hiện các biện pháp nhằm ổn định chi phí và đảm bảo nguồn cung ở quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới này. Giá thịt lợn trên toàn quốc của Trung Quốc đã tăng 53% từ mức của tháng 5, lên 23,34 nhân dân tệ/kg (tương đương 3,4 USD/kg) hôm 9/9, theo trang theo dõi giá thịt lợn của Trung Quốc www.zhuwang.cc.
Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 9/9, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng chậm lại trong tháng 8, xuống còn 2,5%, trong khi Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng với tốc độ thấp nhất trong 18 tháng, ở mức 2,3% - thấp hơn nhiều so với Mỹ, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hàng thập kỷ. Tuy nhiên, giá thịt lợn, một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc được sử dụng trong nhiều món ăn, đã đi ngược lại xu hướng này. Giá đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, với mức tăng trung bình 22,5% trong tháng 8/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, giá thịt lợn Trung Quốc cũng đã tăng 20,2% trong tháng 7/2022 do sản lượng giảm khiến nguồn cung bị siết chặt.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7/2022. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 7/2022, Trung Quốc nhập khẩu 120 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 260,66 triệu USD, giảm 65,1% về lượng và giảm 74,7% về trị giá so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đạt 930 nghìn tấn, trị giá 1,87 tỷ USD, giảm 65% về lượng và giảm 75,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022, chiếm 29,6% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 555,46 triệu USD, giảm 77,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là Brazil, trong trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ Brazil đạt 416,98 triệu USD, giảm 58,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,2% tổng trị giá thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 được dự báo đạt mức 110,7 triệu tấn, hầu như không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2022 do sự điều chỉnh tăng ở Trung Quốc bù lại sự sụt giảm ở EU và Brazil. Sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc tăng gần 2%, lên 51,8 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng của EU và Brazil được điều chỉnh giảm 2%, xuống lần lượt là 22,6 triệu tấn và 4,3 triệu tấn do cơ hội xuất khẩu chậm lại, gây áp lực lên giá.
Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2022 được điều chỉnh giảm gần 10% so với năm 2021, xuống còn 10,6 triệu tấn, chủ yếu do việc giảm nhập khẩu của Trung Quốc bởi nguồn cung trong nước được cải thiện. Nhập khẩu của Hồng Kông cũng được điều chỉnh giảm 21% xuống còn 275 nghìn tấn do nhập khẩu lợn sống từ Trung Quốc tăng thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhu cầu được dự báo sẽ tăng ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Mehico, Nhật Bản và Philippines.
USDA dự báo Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới, chiếm 20% trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Nhu cầu của Trung Quốc giảm mạnh khiến các nhà xuất khẩu lớn như EU, Brazil và Hoa Kỳ phải tìm kiếm thị trường mới để bù đắp lượng xuất khẩu bị giảm sút. Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự kiến sẽ giảm 13% trong năm 2022.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nguồn cung lợn hơi trong các tháng cuối năm 2022 được đảm bảo và giá cả sẽ không tăng mạnh. Giá lợn tại Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tuần gần đây, nhưng Cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn quyết định xả kho dự trữ thịt lợn để hạ tiếp giá thịt lợn.
Sẽ hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung thực phẩm, thịt lợn cuối năm
Trong nước, giá lợn hơi hôm nay 14/9 tiếp tục điều chỉnh giảm tại nhiều địa phương trên cả nước, với mức giảm "sốc", sâu nhất 4.000 đồng/kg được ghi nhận tại khu vực miền Nam.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tiếp đà giảm nhẹ và dao động trong khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg.
Theo đó, Hưng Yên giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 67.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Cũng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Thái Nguyên về mốc 66.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, Yên Bái và Hà Nam tiếp tục giao dịch tại mốc 65.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực, còn tại Thái Bình hiện giữ mức giá cao nhất khu vực 68.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm nhẹ 1.000 đồng tại một vài tỉnh thành và dao động trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Lâm Đồng, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 62.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mốc giá cao nhất khu vực đang là 65.000 đồng/kg, ghi nhận ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hòa.
Thấp hơn hai giá là các địa phương như Quảng Trị và Lâm Đồng khi giao dịch với giá 63.000 đồng/kg. Mức giá 58.000 đồng/kg – thấp nhất khu vực được ghi nhận tại Đắk Lắk, Ninh Thuận.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay giảm từ 1.000 – 4.000 đồng/kg tại một số địa phương và dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg. Theo đó, mức giảm sâu nhất 4.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đồng Tháp và đưa giá lợn hơi về mức 62.000 đồng/kg.
Còn tại Đồng Nai, sau khi giảm 3.000 đồng/kg, thương lái khu vực này đang thu mua lợn hơi ở mức 61.000 đồng/kg. Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh ghi nhận mức giá lợn hơi lần lượt là 63.000 đồng/kg, 63.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg sau khi các địa phương này cùng giảm 2.000 đồng/kg.
Tương tự, tại Vĩnh Long và Bến Tre giá lợn hơi lần lượt ở mức 63.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg, cùng giảm 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, An Giang hiện là địa phương có giá lợn hơi cao nhất khu vực 66.000 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT cho biết, với các biện pháp thú y phòng chống dịch bệnh, quản lý biên giới, chăn nuôi an toàn sinh học… và duy trì được tốc độ tăng trưởng của các đàn vật nuôi như từ đầu năm đến nay chúng ta sẽ hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung thực phẩm (đặc biệt là thịt lợn) cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.
Nhìn chung trong 7 tháng, đàn bò, đàn lợn và gia cầm tiếp tục tăng. Cụ thể đàn bò ước tăng khoảng 2,6%; đàn lợn tăng 4,8% và đàn gia cầm tăng 1,6%; riêng đàn trâu ước giảm khoảng 1,1% nhưng mức giảm cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (2,4%).
Ngành nông nghiệp nhận định, sản lượng thịt các loại năm 2022 vẫn đạt trên 7 triệu tấn cùng 18,4 tỷ quả trứng, trên 1,3 triệu tấn sữa. Nguồn thực phẩm vẫn đảm bảo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT trong báo cáo mới nhất kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong quý III/2022 của các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phục hồi đáng kể so với quý trước, nhờ giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và giá lợn hơi tăng cao từ giữa tháng 6/2022.
VNDIRECT cho rằng biên lợi nhuận gộp của Masan MEATLife’s sẽ cải thiện nhẹ khoảng 1-2% trong quý III/2022 nhờ giá bán lẻ tăng sẽ bù đắp cho giá lợn hơi đầu vào tăng.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) có mảng doanh thu thịt lợn đạt 259 tỷ đồng trong quý II, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán lợn là 66 tỷ, gấp 2,35 lần quý II/2021 và biên lợi nhuận gộp đạt 25,4%.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sở dĩ đạt được kết quả tích cực như vậy là do có thể tận dụng sản lượng chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ mảng kinh doanh trái cây để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Chuối sấy thành bột (cung cấp đạm cho lợn) chiếm 40% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu như ngô và đậu tương chiếm 60%.
Do đó, công ty có giá vốn hàng bán khoảng 38.000 đồng/kg, thấp hơn so với các đối thủ như Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Masan MEATLife’s và Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF).
Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai trong quý III/2022 sẽ tăng rõ rệt nhờ chi phí đầu vào thấp nhất trong số các nhà sản xuất thịt niêm yết.
Ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nửa đầu năm 2022, khi giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi như giá ngô, giá lúa mỳ tăng rất mạnh, trong khi giá lợn không tăng đáng kể.
Tuy nhiên kể từ tháng 6 trở lại đây, diễn biến này đã có sự đảo chiều khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sự hạ nhiệt với giá ngô và lúa mỳ bắt đầu giảm, ngược lại giá lợn hơi đã tăng trở lại.
Theo VNDIRECT, tính đến ngày 27/7, giá lợn trong nước tăng 19,9% so với tháng trước và 38,6% so với đầu năm; trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận mức tăng 18,3% so với tháng trước.
Chứng khoán VNDIRECT nhận định, với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2022. Do vậy, giá thịt lợn sẽ ổn định ở mức thấp.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá lợn sẽ quanh mức 60.000 đồng/kg trong quý IV/2022. Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm nhẹ khoảng 6-10% trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý III/2022 và hạ nhiệt dần trong quý IV/2022.