Giá lợn Trung Quốc tăng bất chấp xả kho dự trữ, lợn hơi trong nước tiếp tục lao dốc, vì sao?

15/09/2022 15:45 GMT+7
Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay bật tăng dù nước này quyết định mở kho dự trữ lần 2. Trong nước, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm sâu, giá lợn trên toàn quốc giảm từ 1.000-4.000 đồng/kg, mức giá trung bình chỉ còn 62.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi ngày 15/9: Thị trường lao dốc, giá lợn hơi liên tục giảm sâu

Cập nhật đến chiều nay, giá lợn hơi hôm nay 15/09/2022, liên tục giảm sâu. Giá lợn hơi trên toàn quốc giảm từ 1.000-4.000 đồng/kg, mức giá trung bình chỉ còn 62.000 đồng/kg.

Thị trường đang tái đàn mạnh tại miền Bắc và ảnh hưởng của dịch ASF trong miền Nam, người chăn nuôi bán tháo làm lượng cung tăng, khiến giá lợn hơi liên tục hạ.

Hôm nay giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam tiếp tục đứng ở mức thấp. Giá lợn hơi CP cao nhất tại miền Bắc, đứng ở mức 67.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 63.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay tăng bất chấp nước này xả kho dự trữ, đứng ở mức 72.100 đồng/kg so với mức mức 71.900 đồng/kg của chiều qua.

Giá lợn Trung Quốc tăng bất chấp xả kho dự trữ, lợn hơi trong nước tiếp tục lao dốc, vì sao? - Ảnh 1.

Giá lợn hơi ngày 15/9: Thị trường lao dốc, giá lợn hơi liên tục giảm sâu.

Giá lợn Trung Quốc tăng bất chấp xả kho dự trữ, lợn hơi trong nước tiếp tục lao dốc, vì sao? - Ảnh 2.

Nguồn: ANOVA FEED

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 13/9 thông báo sẽ cung cấp thêm thịt lợn cho thị trường từ kho dự trữ trung ương trong tuần này để đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn và duy trì ổn định giá cả.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Trung Quốc quyết định “mở” kho dự trữ thịt lợn trong bối cảnh giá thịt lợn, thức ăn thiết yếu của người dân Trung Quốc, trong tháng 8/2022 đã tăng 0,4% so với tháng 7/2022 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại trong tháng 8/2022, mặc dù trước đó chính phủ đã thực hiện các biện pháp nhằm ổn định chi phí và đảm bảo nguồn cung ở quốc gia tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới này.

Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 9/9, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng chậm lại trong tháng 8, xuống còn 2,5%, trong khi Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng với tốc độ thấp nhất trong 18 tháng, ở mức 2,3% - thấp hơn nhiều so với Mỹ, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, giá thịt lợn, một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc được sử dụng trong nhiều món ăn, đã đi ngược lại xu hướng này. Giá đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, với mức tăng trung bình 22,5% trong tháng 8/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, giá thịt lợn cũng đã tăng 20,2% trong tháng 7/2022 do sản lượng giảm khiến nguồn cung bị siết chặt.

Thịt lợn có tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc.

Dữ liệu mới được công bố sau khi Chính phủ Trung Quốc cho biết, lần đầu tiên trong năm nay họ đã phải sử dụng thịt lợn đông lạnh dự trữ để kiềm chế giá, nhằm chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh (1/10).

Mặc dù vậy, các nhà kinh doanh thịt lợn Trung Quốc cảnh báo rằng việc “giải phóng” nguồn thịt đông lạnh có thể sẽ không giúp được gì nhiều bởi hầu hết người dân thích thịt lợn tươi hơn là thịt lợn đông lạnh.

Theo các chuyên gia, sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xoa dịu đi những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, giá thịt lợn sẽ tiếp tục ở mức cao. Khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn và sức tiêu thụ thịt lợn phục hồi theo mùa, nhu cầu sẽ tăng vào dịp Quốc khánh.

Tại Trung Quốc, giá thịt lợn đã tăng kể từ tháng 5. Giá thịt lợn trên toàn quốc đã tăng 53% từ mức của tháng 5, lên 23,34 nhân dân tệ/kg (tương đương 3,4 USD/kg) hôm 9/9, theo trang theo dõi giá thịt lợn của Trung Quốc www.zhuwang.cc.

Vào tháng 7, quan chức Trung Quốc đã kêu gọi các nhà chăn nuôi lợn lớn tăng cường sản xuất đồng thời cảnh báo về việc tích trữ và ấn định giá.

Bình ổn giá thịt lợn để phát triển

Trước đó, sáng nay, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi sáng nay giảm nhẹ tại và dao động trong khoảng 65.000 - 68.000 đồng/kg. Theo đó, tại Bắc Giang, giá lợn hơi sáng nay giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 65.000 đồng/kg. Mức giá này được ghi nhận tại Yên Bái, Hà Nam, đây cũng là mức thấp nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thu mua lợn hơi cao nhất tiếp tục được ghi nhận tại Thái Bình là 68.000 đồng/kg. Các tỉnh Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình và Tuyên Quang, giá lợn hơi sáng nay dao động trong khoảng 66.000 – 67.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi sáng nay đồng loạt đi ngang và dao động trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg. Theo đó, các tỉnh Đắk Lắk, Bình Thuận đang thu mua lợn hơi với giá thấp nhất khu vực là 58.000 đồng/kg, cao hơn một giá, tại Ninh Thuận, giá lợn hơi sáng nay ở mức 59.000 đồng/kg. Thương lái tại Lâm Đồng, Quảng Bình và Quảng Trị thu mua lần lượt với giá 62.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại neo tại mức 65.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.

Trái ngược với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi sáng nay tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Sóc Trăng, giá lợn hơi sáng nay điều chỉnh giao dịch tăng 2.000 đồng/kg, lên mức 62.000 đồng/kg, mức giá này cũng được ghi nhận tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Tháp. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, An Giang giữ giá lợn hơi cao nhất khu vực 66.000 đồng/kg còn tại Hậu Giang, Trà Vinh, giá lợn hơi sáng hôm nay ở mức 59.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Giá lợn Trung Quốc tăng bất chấp xả kho dự trữ, lợn hơi trong nước tiếp tục lao dốc, vì sao? - Ảnh 3.

Để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm, cả nước phải đạt sản lượng thịt các loại khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm 2022, đàn lợn cả nước tăng trưởng 3,8% và sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan này dự báo giá lợn hơi nếu tăng, có thể chỉ tăng thêm 3.000-6.000 đồng/kg, tương đương từ 5 - 10% cuối năm nay do nhu cầu tăng lên.

Thời gian tới, khả năng giá lọn hơi sẽ tiếp tục ở mức thấp trong khi giá thành chăn nuôi ở mức cao. Trước diễn biến giá lợn hơi hiện nay, dù chưa xác định sẽ biến động tới đâu, nhưng để ổn định cuộc sống người dân nói chung, người chăn nuôi nói riêng, Chính phủ đã có động thái chỉ đạo các cơ quan chức năng các địa phương có biện pháp đảm bảo cân đối cung, cầu thịt lợn; ổn định giá lợn cho nông dân để giá không tăng quá cao cũng không xuống quá thấp.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường.

Các địa phương cũng có các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi. Không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới, quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn.

Để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm, cả nước phải đạt sản lượng thịt các loại khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp đang tập trung giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi. Dự báo nhu cầu vào thời điểm Tết Nguyên đán thường tăng từ 10 - 20% so với bình thường.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục