Giá lợn hơi lập đỉnh mới, có thể chạm mốc 75.000 đồng/kg

16/07/2022 11:10 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 16/7 tiếp đà tăng 1.000 - 5.000 đồng/kg tại cả 3 khu vực trên cả nước và ghi nhận mức giá cao nhất là 72.000 đồng/kg tại khu vực miền Bắc. Theo dự đoán của doanh nghiệp, giá lợn hơi trong tuần tới sẽ còn tăng mạnh, có thể chạm mốc 75.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tiếp tục tăng cao, lập đỉnh mới 72.000 đồng/kg

Tại khu vực miền Bắc giá lợn hơi tăng rải rác ở hầu hết các tỉnh thành trong hôm nay (16/7). Cụ thể, tại Ninh Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và TP.Hà Nội giá lợn hơi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, hiện thu mua trong khoảng giá 69.000 - 71.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 và 4.000 đồng/kg, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang giá lợn hơi giao dịch chung mốc 72.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Các tỉnh còn lại không biến động, giá lợn hơi nằm trong khoảng 69.000 - 71.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi khu vực miền Trung, Tây nguyên điều chỉnh tăng nhẹ ở một vài tỉnh thành. Theo đó, Thừa Thiên-Huế và Lâm Đồng cùng tăng 1.000 đồng/kg, lần lượt thu mua lợn hơi với giá 62.000 và 65.000 đồng/kg. Sau khi tăng từ 2.000 đồng/kg, thương lái tỉnh Bình Thuận đang thu mua lợn hơi ở mức cao nhất khu vực là 67.000 đồng/kg. Còn tại Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận, giá lợn hơi giao dịch nằm ở mức 61.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây nguyên dao động trong khoảng 61.000 - 67.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng mạnh từ 1.000 - 5.000 đồng/kg tại nhiều nơi, dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg. Trong đó, 5 tỉnh Long An, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Kiên Giang điều chỉnh tăng từ 1.000 đến 5.000 đồng/kg, hiện giá lợn thu mua chung mức 59.000 đồng/kg.

Tương tự, Hậu Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp giá lợn hơi giao dịch trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg, tăng lần lượt 2.000, 3.000 và 5.000 đồng/kg. Còn tại Vũng Tàu, lợn hơi được giao dịch với giá 66.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua.

Giá lợn hơi lập đỉnh mới, có thể chạm mốc 75.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá lợn hơi lập đỉnh mới, có thể chạm mốc 75.000 đồng/kg.

Như vậy, tính chung trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, giá lợn hơi đã tăng mạnh từ 12-15% so với mức giá bình quân trong tháng 6/2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Bắc.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực chăn nuôi ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021 (trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp là 27,88 tỷ USD). Số liệu này chưa tính kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Riêng về thịt và các sản phẩm thịt, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 6,23 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 24,89 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 5/2022, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 6,7 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 6,23 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 24,89 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 5/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Pháp, Bỉ, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 43,43% tổng lượng thịt xuất khẩu của cả nước với 773 tấn, trị giá 3,56 triệu USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 13,9% về trị giá so với tháng 5/2021. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông 2,54 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 13,31 triệu USD, giảm 54,2% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con...

Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam cũng chỉ nhập khẩu 235,32 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 528,67 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể: Tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu 52,62 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 121,2 triệu USD, giảm 26,3% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 235,32 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 528,67 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 33 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt trâu tươi đông lạnh, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2021; Trong khi nhập khẩu thịt bò và thịt trâu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi nguồn cung dồi dào. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 36,78 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 77,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 47,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Cả nước xảy ra 753 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con. Hiện nay, cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 9.867 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch dịch tả lợn châu Phi giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, dù giá lợn hơi tăng nhưng người chăn nuôi không được hưởng lợi nhiều vì lượng lợn trong trang trại chăn nuôi của người dân còn không nhiều.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, khả năng Việt Nam xuất khẩu lợn sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch là rất thấp bởi Trung Quốc đang kiểm soát dịch rất chặt vì nước này vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Việc giá lợn hơi tăng thời gian gần đây là do nhu cầu đang tăng trở lại trong khi nguồn cung hiện eo hẹp hơn.

Theo nhiều hộ chăn nuôi, giá lợn hơi có xu hướng tăng mạnh là bởi thời gian trước gặp dịch bệnh, nhiều trại nuôi bán tháo, lợn mới chỉ 60-80kg đã bán. Đến nay, nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lợn hơi tăng cao. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh tăng đẩy giá bán thịt lợn lên theo.

Thời gian qua, giá xăng, dầu tăng phi mã kéo theo tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng cao, trong đó có mặt hàng thực phẩm. Đây là nguyên nhân chính khiến giá các loại thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng rất cao.

Về giá thịt lợn, rất trùng hợp là giá thịt lợn ở Trung Quốc cũng tăng mạnh kể từ giữa tháng 6 vừa qua, trong khi nguồn cung thịt lợn nhìn chung vẫn đủ. Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp chủ động nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn và ổn định giá lợn. Ngoài ra, thông tin về cung cầu cũng như giá thịt lợn sẽ được Trung Quốc công bố kịp thời để ổn định kỳ vọng của thị trường.

Đặc biệt, Trung Quốc sẽ tận dụng nguồn thịt lợn dự trữ để ngăn chặn những biến động của thị trường. Các nỗ lực sẽ được thực hiện để thông suốt các kênh giữa sản xuất và buôn bán trong khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hoặc lũ lụt để đảm bảo tiêu thụ thịt của người dân.

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm, ổn định giá lợn 6 tháng cuối năm

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết tháng 6/2022 cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thủy sản), giá trị tương ứng là 3,7 tỷ USD, giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, ngô 3,7 triệu tấn (giảm khoảng 52,3% về số lượng và 14,71% về giá trị); khô dầu các loại 2,2 triệu tấn (giảm 39,65% về số lượng và 25,5% về giá trị); bã rượu khô (DDGS) 0,43 triệu tấn (giảm 39,8% về số lượng và 17,3% về giá trị); lúa mì 0,73 triệu tấn (giảm 3,7% về số lượng, tăng 24,26% về giá trị).

Tại thị trường trong nước, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối tháng 6, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhẹ. Tính đến tháng 7, giá một số nguyên liệu chính giảm khoảng 0,3% - 5,5% so với bình quân trong tháng 6. Mặc dù vậy, giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh theo xu hướng tăng 0,3 - 1,4% do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó.

Cục Chăn nuôi dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.

Giá lợn hơi lập đỉnh mới, có thể chạm mốc 75.000 đồng/kg - Ảnh 3.

Giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh theo xu hướng tăng 0,3 - 1,4% do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó.

Thực tế, giá nguyên liệu sản lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục điều chỉnh tăng và việc này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi không tăng.

Tuy nhiên, với giá lợn hơi đã đạt 70.000 đồng/kg, trong khi giá thành chỉ ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg, cho thấy, nhu cầu tiêu thụ trong nước đã tăng trở lại sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhu cầu từ các bếp ăn, nhà hàng, khách sạn hồi phục.

Việc giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng là tín hiệu mừng cho bà con nông dân, tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát dưới 4%. Do vậy bài toán đặt ra là cần có cái nhìn tổng thể, cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác như giảm giá nguyên, nhiên liệu đầu vào để duy trì được giá lợn vừa có lãi cho nông dân vừa giữ được chỉ số CPI dưới 4%.

Để ổn định nguồn cung, giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, các cơ quan chức năng nhận định, tình hình phát triển đàn lợn hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc cần làm là đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, mặc dù giá nguyên liệu nhập khẩu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu năm nay nhưng khối lượng mua hàng của các nhà máy trong nước vẫn đang khá chậm. Theo số liệu từ Hải quan, nhập khẩu ngô trong tháng 6/2022 của nước ta đạt 1 triệu tấn, giảm nhẹ so với trong tháng 5. Tổng lũy kế nhập khẩu ngô về Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đạt mức 4,55 triệu tấn, thấp hơn 14,4% trong cùng kỳ năm ngoái.

Với kỳ vọng giá có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7 được dự báo cũng thấp hơn. Tuy nhiên, phân tích tình hình sản xuất ở các nước hiện nay cho thấy, năng suất ngô và đậu tương vẫn sẽ đứng trước nguy cơ sụt giảm và kéo theo mức sản lượng thu hoạch cũng thấp hơn dự báo hiện tại. Lo ngại trên sẽ khiến cho các mặt hàng nông sản có thể sẽ vẫn neo ở vùng giá cao và khó có thể giảm xuống thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, các nhà máy chăn nuôi trong nước nên tận dụng thời điểm để mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt sẽ giúp ổn định giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước thời gian tới; đồng thời giúp nông dân vẫn có lãi để thúc đẩy họ tái đàn lợn tốt hơn.

Được biết, 6 tháng cuối năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trên 5,5%; sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt trên 4,2 triệu tấn. 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đã đạt 3,4 triệu tấn, trong đó, đàn lợn tăng 3,8% và sản lượng thịt hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục