Giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng nhưng khó có đột biến

05/05/2022 14:37 GMT+7
Thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi và giá xăng dầu ở mức cao, nhưng khó có thể tăng đột biến do các trường học sẽ bước vào kỳ nghỉ hè, các nhà hàng, quán ăn cũng đều đang giữ mức trung bình và chưa phục hồi như thời gian trước.

Giá lợn hơi biến động đi lên...

Trong quý I/2022, giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng trở lại, trong đó tăng mạnh nhất là vào cuối tháng 01/2022 và trong 15 ngày đầu tháng 02/2022 do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá giảm trở lại từ giữa tháng 02/2022 do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng.

Trong tháng 4/2022, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy, nên giá lợn hơi tăng nhẹ trở lại tại một số khu vực. Giá lợn hơi trên cả nước cuối tháng 4 trung bình dao động trong khoảng 53.000-58.000 đồng/kg, tăng 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2022. 

Giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng nhưng khó có đột biến - Ảnh 1.

Nguồn: Trung tâm Công nghiệp và thương mại tổng hợp

Giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng nhưng khó có đột biến - Ảnh 2.

Giá lợn hơi trên cả nước cuối tháng 4 trung bình dao động trong khoảng 53.000-58.000 đồng/kg, tăng 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 3/2022.

Cập nhật đến hôm nay (5/5), giá lợn hơi tại khu vực phía Nam tiếp tục biến động tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg tùy địa phương. 

Theo đó, thị trường lợn hơi khu vực miền Nam điều chỉnh tăng từ 1-4 giá. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang... tăng 1.000 đồng lên 57.000 đồng/kg; tại Cà Mau và Sóc Trăng tăng 2.000 đồng, lên 57.000 đồng/kg. Mức tăng cao nhất ghi nhận ở tỉnh Long An, thêm 4.000 đồng lên 57.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi toàn khu vực này hôm nay dao động trong khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg.

Tại miền Trung - Tây nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ 1.000 đồng/kg đưa giá giao dịch chung toàn vùng dao động trong khoảng 53.000 - 57.000 đồng/kg. Lợn hơi tại khu vực miền Bắc hôm nay không có biến động, giá từ 53.000 - 58.000 đồng/kg.

Thời gian tới, khả năng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng khi giá thành chăn nuôi và giá xăng dầu ở mức cao, nhưng khó có thể tăng đột biến do các trường học sẽ bước vào kỳ nghỉ hè, các nhà hàng, quán ăn cũng đều đang giữ mức trung bình và chưa phục hồi như thời gian trước. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn trong năm 2022. Theo đó, tiêu thụ thịt lợn tại Việt Nam dự báo đạt 3,4 triệu tấn vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022- 2030. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, sản lượng thịt gia súc và gia cầm trong quý II/2022 đạt khoảng 1.665,1 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt bò đạt khoảng 110 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thịt trâu đạt khoảng 28,1 nghìn tấn, tăng 2,6%; sản lượng thịt lợn đạt khoảng 1.051 nghìn tấn, tăng 4,7%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 476 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Về tiêu thụ, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong quý II/2022 dự báo vẫn chậm.

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu được 3,42 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 14,13 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 58,2% tổng kim ngạch thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 1,43 nghìn tấn, trị giá 8,22 triệu USD, giảm 55,8% về lượng và giảm 37,1% về trị giá so với quý I/2021. 

Thời gian qua, việc xuất khẩu sản phẩm thịt cũng đã có những bước tiến như xuất khẩu thịt lợn sữa, lợn mảnh sang thị trường Hồng Kông, một số sản phẩm thịt lợn khử trùng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến cũng còn nhiều tiềm năng. 

Thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các quy định thị trường mà chúng ta hướng tới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.

Giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng nhưng khó có đột biến - Ảnh 3.

Do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục giảm trong quý I/2022.

Giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng nhưng khó có đột biến - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Trong quý I/2022, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu vẫn là đùi ếch đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Pháp, Mỹ và Bỉ); Thịt lợn sữa đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu duy nhất sang thị trường Hồng Kông); Thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm (được xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc, Trung Quốc); Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của trâu, bò, lợn (được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và thị trường Hồng Kông)… 

Về nhập khẩu: Do nhu cầu yếu nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tiếp tục giảm trong quý I/2022. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, Việt Nam nhập khẩu 134,29 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 303,53 triệu USD, giảm 20,7% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt dự kiến sẽ tăng trở lại do Việt Nam mở cửa du lịch, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới. 

Giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng nhưng khó có đột biến - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Trong quý I/2022, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam với 40,04 nghìn tấn, trị giá 121,72 triệu USD, tăng 12,7% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò tiếp tục xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong quý I/2022, Việt Nam nhập khẩu 21,1 nghìn tấn thịt lợn (mã HS 0203), trị giá 46,06 triệu USD, giảm 34,8% về lượng và giảm 39,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến tiêu thụ thịt lợn trong nước không mấy khả quan, trong khi sản lượng lợn liên tục phục hồi. 

Trong quý I/2022, Brazil, Nga, Đức, Canada và Hà Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 7,99 nghìn tấn, trị giá 18,04 triệu USD, tăng 185,6% về lượng và tăng 181,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng nhưng khó có đột biến - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục