Giá lợn hơi xu hướng thấp đè nặng người chăn nuôi
Giá lợn hơi chững và đi ngang suốt 10 ngày qua
Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi hôm nay (20/6) không ghi nhận thay đổi mới về giá. Thương lái tại Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ và Hà Nam đang cùng thu mua lợn hơi với giá thấp nhất khu vực là 56.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại tiếp tục neo ở mức 57.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây nguyên giá lợn hơi cũng đứng yên trên diện rộng. Trong đó, mức giá thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Bình Định là 51.000 đồng/kg. Ba tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Đắk Lắk hiện cùng thu mua với giá 53.000 đồng/kg. Thương lái các tỉnh còn lại giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 55.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây nguyên dao động trong khoảng 51.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi đi ngang so với cuối tuần qua. Cụ thể, tỉnh An Giang tiếp tục neo tại ngưỡng 58.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Ở mức 57.000 đồng/kg gồm có các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long. Các tỉnh thành còn lại thu mua lợn hơi ổn định trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 5/2022, tổng số lợn ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước đó, nhờ dịch bệnh được kiểm soát. Để chủ động ngăn chặn dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) một cách hiệu quả, bên cạnh các cơ quan chức năng, người chăn nuôi cũng cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, qua đó bảo đảm an toàn cho đàn heo.
Mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vaccine thương mại phòng bệnh dịch ASF, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng. Trước đó, kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam. Ngày 17/5, Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực.
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 5/2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 605,1 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm hơn 11,5% so với cùng kì năm 2021.
Về các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, khối lượng nhập khẩu lúa mì tăng 37,6% so với năm ngoái lên 389.625 tấn, với giá trị nhập khẩu tăng gần 80% lên hơn 147,5 triệu USD. Khối lượng nhập khẩu ngô, ngược lại, giảm nhẹ 0,9% xuống 1.025.127 tấn, nhưng giá trị nhập khẩu tăng 29,3% lên gần 385,5 triệu USD. Khối lượng nhập khẩu đậu nành cũng giảm 9,7% xuống 190.103 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 16,1% lên hơn 139 triệu USD. Nhập khẩu dầu mỡ động thực vật giảm 7,7% xuống gần 88,5 triệu USD.
Bất ổn giữa Nga – Ukraine dẫn tới gián đoạn về nguồn cung là nguyên chính dẫn tới sự leo thang về giá thức ăn chăn nuôi. Tại Việt Nam từ ngày 25/5, giá thức ăn chăn nuôi đã vào đợt tăng mới với mức tăng từ 300-400 đồng/kg, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Công ty TNHH Tongwei Tiền Giang thông báo giá sản phẩm cám heo con và đậm đặc tăng 400 đồng/kg, còn tất cả sản phẩm còn lại tăng 300 đồng/kg. Công ty TNHH Sunjin Vina – chi nhánh Tiền Giang cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm lên thêm 400 đồng/kg đối với thức ăn hỗn hợp heo con và đậm đặc; tăng 300 đồng/kg với tất cả sản phẩm còn lại. Trước đó, Công ty Cổ phần MNS Feed cũng thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn cho heo con Non – BZ (A21U21 và H21), thức ăn hỗn hợp cho gà (16L, 21L, 13L, 23L), thức ăn cho heo con và đậm đặc còn lại, thức ăn thủy sản; tăng 320 đồng/kg đối với thức ăn dành cho heo thịt; tăng 300 đồng/kg đối với các nhóm sản phẩm còn lại.
Công ty TNHH De Heus cũng điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cao hơn 300-400 đồng/kg. Công ty TNHH Jafta Comfeed Việt Nam – khu vực miền Nam (Jafta Việt Nam) cũng thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm 300 đồng/kg. Jafta Việt Nam được coi là doanh nghiệp tăng giá thức ăn chăn nuôi ít nhất trong đợt này. Nguyên nhân tăng giá thức ăn chăn nuôi được các đơn vị đưa ra là do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng giá quá mạnh, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã hết sức cố gắng để ghìm giá cám nhưng không thể kéo dài hơn nữa.
Kiến nghị các giải pháp hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi
Thực tế, giá lợn hơi đã hồi phục khá trong tháng 5 khiến người chăn nuôi phấn khởi hy vọng nền kinh tế phục hồi, tiêu thụ thịt lợn tăng sẽ kéo giá lợn tăng cao trong tháng 6. Giá lợn hơi trung bình trong tháng 5 ở khu vực miền Nam đã có mức giá cao nhất cả nước. Giá đã tăng 1,6 – 4,07% trong giai đoạn này. Theo Cục Xuất nhập khẩu, thuộc Bộ Công Thương, trong tháng 5, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước đều đã tăng nhẹ nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại nhờ các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại. Ngoài ra giá còn được hỗ trở do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, tại một số tỉnh, thành phố ở miền Nam có sự xuất hiện của dịch ASF, khiến việc chăn nuôi của người dân gặp khó khăn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, có thể sang tháng 7 và 8, giá lợn hơi mới dự báo sẽ tăng trở lại, vượt mốc 60.000 đồng/kg. Hiện tình hình thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn giảm nên giá lợn hơi khó có thể bứt phá mạnh.
Để giảm thiếu khó khăn cho người chăn nuôi, các doanh nghiệp đã kiến nghị các giải pháp hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi. Các doanh nghiệp cho rằng, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên họ phải điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho phù hợp.
Có thể thấy, việc phụ thuộc 90% vào nguyên liệu của thế giới khiến ngành chăn nuôi luôn ở thế bấp bênh. Dù cuối tháng 12/2021, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine khiến thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi càng thêm căng thẳng, mức giảm thuế này chỉ như “muối bỏ bể” trong cơn bão giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện nay.
Theo báo cáo của Tập đoàn De Heus: Để sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cần rất nhiều nguyên liệu. Việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 0,5 - 1%. Tương tự, CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và chi phí chế phẩm an toàn sinh học hiện nay tăng cao.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí, CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc song với giá nhập khẩu nguyên liệu cao doanh nghiệp này kiến nghị các Bộ và Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu ở mức thấp hơn.
Việc giảm thuế là giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài, một số doanh nghiệp đã tính đến việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giải quyết tận gốc vấn đề. Tập đoàn De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới.
Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty. De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi.