Giá lợn tại các chợ vẫn cao vút, tại sao có sự chênh lệch?
Trước đó, ngày 1/4, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP Việt Nam, Dabaco, GreenFarm đều có thông báo giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg. Theo ghi nhận chung, ngay sau ngày các doanh nghiệp điều chỉnh giá, thị trường lợn hơi thay đổi theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên tại các chợ dân sinh giá lợn hơi vẫn ở mức rất cao, từ 80.000 – 85.000 đồng/kg, dẫn tới giá thịt tới tay người tiêu dùng vẫn chạm mốc 130.000 – 150.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại chợ Tam Cờ - Tuyên Quang (chợ đầu mối lớn nhất tỉnh), giá lợn hơi trong tuần luôn duy trì ở mức 80.000 – 81.000 đồng/kg. Giá thịt nạc mông, thịt vai được bán ra ở mức 135.000 -140.000 đồng/kg, xương xườn 140.000 đồng/kg,…
Anh Hùng - một thương lái đồng thời là chủ lò giết mổ lợn ở Tuyên Quang – chia sẻ: "Thực tế giá lợn hơi xuất chuồng rất cao, tôi chủ yếu bắt lợn dân nuôi chứ không tiếp cận được với lợn của các doanh nghiệp. Lợn còn nhiều nhưng giá vẫn cao, chưa kể hao hụt, chi phí phát sinh nên nhìn chung giá có giảm nhưng rất ít, không đáng kể".
Chị Liên – một tiểu thương ở chợ Tam Cờ, Tuyên Quang – nói: "Trước mỗi ngày tôi mổ hàng chục con lợn, phân phối khắp trường học, công ty, còn thừa mới bán lẻ. Hiện kinh doanh khó khăn, trường học, công ty đóng cửa hết, tôi chỉ còn bán lẻ ngày 2-3 con mà cũng chật vật. Dân đây chưa có thói quen mua hàng trong siêu thị mà chủ yếu vẫn ra chợ nên vẫn bán túc tắc. Nhưng giá vẫn cao nên chủ yếu không mua nhiều".
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao có sự chênh lệch giá quá lớn giữa các siêu thị và chợ dân sinh?
Lý giải về sự chênh lệch giá này, tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cuối tháng 3 vừa qua, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam phân tích: "Khi heo công ty bán ở giá 75.000 đồng/kg, nhưng ra ngoài thị trường có thể vẫn ở mức 82.000 – 85.000 đồng/kg chứng tỏ người tiêu dùng không được hưởng lợi gì, mà chủ yếu các khâu trung gian được hưởng lợi".
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân cơ bản nhất khiến giá thịt lợn ở mức cao trong nhiều tháng qua là do nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến.
Cam kết tại cuộc họp điều chỉnh giá bán sản phẩm thịt lợn, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, để bình ổn giá lợn và chỉ số giá tiêu dùng CPI cần có những giải pháp đồng bộ. Cụ thể là thúc đẩy tăng đàn, tái đàn chăn nuôi để tăng nguồn cung.
Đồng thời xây dựng các chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến chế biến và khâu tiêu thụ, để giảm bớt các khâu trung gian không để giá thịt lợn chênh lệch như hiện nay.