Giá phân bón có dấu hiệu tích cực, lợi nhuận các ông lớn DPM, BFC được dự phóng thế nào?
Trên đây là nhận định của nhóm chuyên gia CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo phân tích ngành phân bón vừa công bố với tựa "Giai đoạn "vàng son" đã qua đi".
Lợi nhuận ngành phân bón lao dốc quý thứ 3
Từ quý IV/2022, tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phân bón bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Nguyên nhân do giá các loại phân bón giảm mạnh. Trước đó năm 2020 và năm 2021, nhiều doanh nghiệp nhóm ngành này báo lãi lớn nhờ nhu cầu cao, giá phân bón tăng mạnh.
Giá phân bón liên tục lập đỉnh trong quý II/2022, đây cũng là giai đoạn đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận khủng. Tuy nhiên sau đó đến quý IV/2022, tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều trầm lắng, giá phân bón hạ nhiệt rồi giảm sâu khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng đi xuống, thậm chí có công ty báo lỗ.
Sang năm nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm ngành này ảm đạm hơn nữa. Cụ thể, trong quý II/2023, Đạm Phú Mỹ (DPM) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.707 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ trong quý II/2023 chỉ đạt 105 tỷ đồng, giảm 91,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải về kết quả kinh doanh kém sắc này, Đạm Phú Mỹ cho biết, do giá bán mặt hàng phân bón quý II/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán URE giảm 54%). Đồng thời, giá khí tăng so với cùng kỳ năm trước dẫn tới lợi nhuận kỳ này giảm sâu tương ứng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ đạt 6.971 tỷ đồng, giảm 35,7% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 367,5 tỷ đồng, giảm 89,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.250 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,7% và 60%. Với kết quả này, 6 tháng đầu năm 2023, Đạm Phú Mỹ mới chỉ đạt được 14% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tiếp đó là "ông lớn" CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, DCM) quý II ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.456,4 tỷ đồng, giảm 16,6%; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, giảm 71,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế nửa năm, DCM ghi nhận doanh thu thuần giảm 26% xuống 6.025 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 519,5 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, UPCoM: DHB) còn kinh doanh dưới giá vốn khiến quý thứ 2 năm 2023 lỗ sâu. Cụ thể, trong quý II, Đạm Bắc Hà ghi nhận doanh thu thuần đạt 901 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá vốn hàng bán của DHB tăng tới 25% lên 1.021 tỷ đồng, cao hơn so với doanh thu mà DHB mang về. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ghi nhận âm 350 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận 478 tỷ đồng). Trước đó, quý I/2023 là quý lỗ đầu tiên Đạm Hà Bắc ghi nhận sau 6 kỳ liên tiếp ghi nhận lãi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Đạm Hà Bắc thu về 2.086 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt -479 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.346 tỷ đồng). So với kế hoạch năm đề ra, DHB đã hoàn thành 34% về doanh thu.
Giải trình về kết quả này, Đạm Hà Bắc cho biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá ure và NH3 trong nước giảm mạnh theo thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Công ty phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước và hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, nguồn than trong nước luôn trong tình trạng thiếu hụt, giá than đã tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, chi phí lãi vay đã giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn do các cơ chế tháo gỡ khó khăn chưa được giải quyết.
CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) trong quý II/2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.334,5 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, quý II/2023 Phân bón Bình Điền báo lãi 65,8 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi công ty mẹ đạt 53 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế từ đầu năm, BFC đạt 3.677,5 tỷ đồng doanh thu và 26,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Những tín hiệu tích cực với giá phân bón và kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm
Dù kết quả kinh doanh kém sắc, tuy nhiên theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo phân tích ngành với tựa "Giai đoạn "vàng son" đã qua đi" cho rằng, dựa trên những diễn biến giá phân bón mới nhất trên thị trường thế giới, đã xuất hiện những tín hiệu tích cực đối với giá phân bón nội địa và kết quả kinh doanh ngành trong nửa cuối năm.
Cụ thể, cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Đồng thời, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón.
Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Điều này có thể khiến các quốc gia tăng sản lượng gieo trồng và tăng tiêu thụ phân bón.
Theo đó, Argus dự báo giá ure thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm. VDSC nhận thấy giá ure nội địa biến động khá tương quan với giá ure thế giới và kỳ vọng giá ure trong nước tăng 12% so với đầu năm. Kể từ đầu năm, do tốc độ giảm giá NPK ít hơn so với ure, do đó giá NPK có thể đi ngang trong nửa cuối năm.
Sản lượng tiêu thụ kỳ vọng gia tăng theo sản lượng sản xuất
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu giảm 25%/55% svck. Khi nguồn cung trên thế giới được đảm bảo, chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc, cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn nhiều. VDSC dự báo sản lượng phân bón xuất khẩu trong nửa cuối năm có thể giảm 22% svck. Cambodia vẫn là một thị trường tiềm năng của Việt Nam, trong 2022, sản lượng phân bón xuất khẩu sang Cambodia chiếm khoảng 36% tổng sản lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo quan sát trong 6 tháng đầu năm, khi giá phân bón duy trì tại mức "vừa phải"(*), sản lượng sản xuất tăng 20% svck đến 4,4 tr tấn. Điều này có thể gián tiếp ám chỉ sản lượng tiêu thụ nội địa đã hồi phục. Thông thường, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm từ 5%-12%, chủ yếu đến từ vụ Đông-Xuân. Do đó VDSC kỳ vọng các công ty sản xuất ure hàng đầu như DPM và DCM có thể tận dụng cơ hội này để tăng sản lượng kinh doanh. Đối với BFC, do mức nền thấp, VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ có thể tăng 43% svck trong 6 tháng cuối năm.
VDSC dự kiến BFC có thể ghi nhận doanh thu là 7.732 tỷ đồng (-9.9% svck) và LNST cổ đông công ty mẹ 111 tỷ đồng (-21% svck) trong năm 2023 với các giả định chính như sau: sản lượng bán hàng đạt 577 nghìn tần, giá bán trung bình đạt 13.600 đồng/kg, và biên lãi gộp đạt 10,2%. Việc giảm vay nợ ngắn hạn có thể cải thiện lợi nhuận và cổ tức là điểm đáng chú ý
Với giá nguyên liệu dự kiến ổn định, BFC không gặp áp lực tích trữ hàng tồn kho và điều này có thể giúp công ty giảm bớt nợ ngắn hạn trong các quý tiếp theo. Nhờ đó, chi phí lãi vay có thể giảm và cải thiện lợi nhuận. Dự kiến, BFC có thể tăng lợi nhuận thêm từ 10 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng khi đưa dư nợ ngắn hạn quay về mức trong QI/2021.
Với DPM, trong nửa cuối năm kỳ vọng khí đầu vào sẽ được phân bổ giữa bể Cửu Long (66%) và mỏ Bạch Hổ - Rồng Đồi Mồi (34%), nhờ đó, VDSC kỳ vọng chi phí vận chuyển có thể giảm 20% svck, và giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện 12 điểm phần trăm đến 25%. LNST cổ đông công ty mẹ dự phóng đạt 763 tỷ đồng (-64% svck).
Cổ tức vẫn là điểm sáng với DPM: Tại thời điểm kết thúc quý II/2023, tổng số dư tiền (bao gồm tiền gửi tiết kiệm) của DPM khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 53% tổng tài sản. VDSC kỳ vọng DPM có thể trả cổ tức tiền mặt 4.000 đồng vào năm 2023. Với mức này, cổ tức tiền mặt trong hai năm tới có thể lên đến 8.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ suất cổ tức khoảng 10%/năm theo giá thị trường hiện tại.