Giá phân bón nhập khẩu tăng 50%, Việt Nam còn lo Trung Quốc siết chặt xuất khẩu phân bón
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 3,8 triệu tấn, kim ngạch 1,15 tỷ USD, giá trung bình 301,5 USD/tấn, tăng 20,4% về khối lượng, tăng 46,8% về kim ngạch và tăng 21,9% về giá so với 10 tháng năm 2020.
Riêng tháng 10/2021 tăng 45,3% về lượng, tăng 68,5% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với tháng 9/2021, đạt 376.498 tấn, trị giá 148,13 triệu USD, giá trung bình 393,4 USD/tấn.
Tháng 1 năm nay, giá nhập khẩu mặt hàng này là 262,5 USD/tấn. Như vậy, so với đầu năm, giá đã tăng lên 50%.
Việt Nam nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, trong tháng 10/2021 nhập khẩu phân bón từ thị trường này tăng trở lại 30,4% về lượng, tăng 52% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với tháng 9/2021, đạt 143.694 tấn, tương đương 55,72 triệu USD, giá 387,8 USD/tấn. Tính chung, cả 10 tháng năm 2021 nhập khẩu 1,7 triệu tấn, trị giá 490,31 triệu USD, giá trung bình 288,8 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 28,9%, 63,7% và 26,9%, chiếm 44,6% trong tổng lượng và chiếm 42,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Đông Nam Á là thị trường lớn thứ 2 đạt 429.531 tấn, trị giá 151,21 triệu USD, giá trung bình 352 USD/tấn, tăng 42,8% về lượng, tăng 108,8% về kim ngạch, tăng 46,6% về giá so với cùng kỳ; riêng tháng 10/2021 nhập khẩu từ thị trường này lại giảm 16,6% về lượng, giảm 10,6% kim ngạch, nhưng tăng 7,2% về giá so với tháng 9/2021, đạt 18.681 tấn, trị giá 8,77 triệu USD, giá trung bình 469,6 USD/tấn.
Đứng thứ 3 là thị trường Nga đạt 329.307 tấn, trị giá 112,91 triệu USD, giá trung bình 342,9 USD/tấn, tăng 12% về lượng, tăng 22,5% kim ngạch, tăng 9,3% về giá so với 10 tháng năm 2020; riêng tháng 10/2021 nhập khẩu phân bón từ thị trường Nga giảm 32,2% về lượng, giảm 13,3% kim ngạch nhưng tăng 29% về giá so với tháng 9/2021, đạt 28.509 tấn, trị giá 13,12 triệu USD, giá 460 USD/tấn.
Các quốc gia sản xuất lớn như Trung Quốc, Nga mới đây hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo cung cấp cho thị trường nội địa khiến nguồn cung thế giới trở nên hạn hẹp. Chính sách của hai quốc gia trên sẽ tiếp tục tác động đến diễn biến giá phân bón trong thời gian tới.
Giữa tháng 10, Trung Quốc đã liệt kê 29 loại phân xuất khẩu sẽ nằm trong phạm vi bị kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, trong đó có ure, NPK. Động thái này dựa trên kêu gọi từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc về ổn định nguồn cung và giá phân bón do tầm quan trọng của mặt hàng này đối với sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến những bạn hàng lớn như Ấn Độ, Pakistan và các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Mặc dù một số ý kiến cho rằng, do chủ động được nguồn cung ure từ 4 nhà máy sản xuất nội địa, Việt Nam đã giảm thiểu được tác động tiêu cực lên giá phân bón, bởi năng lực sản xuất ure trong nước có phần dư để xuất khẩu. Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: Khả năng từ nay đến cuối năm giá dầu có thể còn tăng, dẫn đến các loại nguyên liệu như amoniac, lưu huỳnh… vẫn tiếp tục tăng. Điều này có thể tác động đến giá phân bón trong nước. Thực chất đến nay, Việt Nam không thể chủ động được giá phân bón nhập khẩu cũng như nguồn nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất phân bón trong nước. Ngoài một số loại phân Việt Nam có thể sản xuất được như ure, phân bón chứa lân (cả super lân và lân nung chảy), còn lại các loại phân kali, SA đều phải nhập khẩu.
Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, mỗi năm Việt Nam cần sử dụng 11 triệu tấn phân bón, trong khi khả năng đáp ứng của các nhà máy trong nước là khoảng 7,3 triệu tấn. Hiện lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất vẫn là SA và kali.