Giá tiêu bước vào chu kỳ tăng mới, có thể đạt 100.000 đồng/kg vào cuối năm?

17/06/2021 07:21 GMT+7
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng đến cuối năm giá tiêu sẽ đạt 90.000 - 100.000 đồng/kg do nguồn cung giảm mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn.

Chu kỳ tăng giá mới?

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, do mấy năm vừa qua giá hồ tiêu rất thấp, người dân càng đầu tư vào vườn tiêu thì càng bị lỗ vì vậy các chủ vườn tiêu đã bỏ bê không chăm sóc, rất nhiều vườn tiêu bỏ hẳn.Vì vậy, diện tích giảm mạnh. 

Ước tính năm 2017 là năm có diện tích lớn kỷ lục với 153.000 ha, cho đến năm 2021 thì con số này đã giảm khá lớn, cộng với thời tiết mùa mưa năm 2020, đầu năm bị hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất.

"Sản lượng của vụ thu hoạch năm 2020 – 2021 giảm rất nhiều so với năm trước. Chúng tôi ước tính sẽ phải giảm trên 30% so với mức sản lượng 240.000 của niên vụ 2019 - 2020", ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) chia sẻ với người viết.

 - Ảnh 1.

Sản lượng hồ têu từ năm 2015 đến năm 2021. (Số liệu: Cục Trồng trọt và ước tính từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam)

Ông Bính cho rằng trong vài ba tháng tới cho đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá tiêu sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt 90.000 - 100.000 đồng/kg. 

Vị này cho biết thêm những năm qua nguồn cung dồi dào, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua trữ và khả năng một thời gian ngắn nữa mới tiêu thụ hết số hàng trữ này.

"Lúc đấy mới lộ rõ việc cần hàng để tiêu thụ nên buộc phải mua nguyên liệu hồ tiêu mà chủ yếu là từ Việt Nam với gần 60% lượng hàng nguyên liệu hồ tiêu của thế giới", ông Bính nhận định.

 Tính từ đầu năm đến nay, giá tiêu tăng khoảng 34% đạt khoảng 70.000 - 74.000 đồng/kg. 

 - Ảnh 2.

Diễn biến giá tiêu từ đầu năm đến giữa tháng 6. (Số liệu: tintaynguyen.com, biểu đồ: H.Mĩ)

Tính toán từ số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 5, giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục tăng tháng thứ 7 liên tiếp lên mức trung bình 3.429 USD/tấn, tăng 5% so với tháng trước và tăng tới 70% (1.416 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình quân 5 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu hạt tiêu đã tăng 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.128 USD/tấn.

Nhờ giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh nên dù hoạt động xuất giảm 17% do chịu tác động bởi đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch vẫn ghi nhận mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng tiêu xuất khẩu của nhiều ông lớn giảm mạnh

Mặc dù giá tiêu dần cải thiện nhưng tình hình tiêu thụ tiêu của các doanh nghiệp vẫn đang khó khăn. 

Theo nguồn tin của chúng tôi, mặc dù đã phục hồi nhẹ trong tháng 5 với mức tăng gần 8% nhưng lũy kế 5 tháng đầu năm nay lượng tiêu xuất khẩu của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ XNK Trân Châu, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam, giảm tới 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hay với Phúc Sinh, lượng xuất khẩu cũng giảm tới gần 44% trong 5 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, hai ông là Olam Việt Nam và Nedspice Việt Nam gần như không đổi với mức biến động trên dưới 4%.

STT

Doanh nghiệp

Tháng 5/2021 (tấn)

So với tháng 4/2021 (%)

5 tháng đầu năm 2021 (tấn)

So với 5 tháng năm 2020 (%)

1

Pearl Corporation

3.421

7,8

10.614

-22,3

2

Olam Việt Nam

2.177

-3,8

9.336

-4,3

3

Nedspice Việt Nam

1.518

15,6

7.562

4,6

4

Phúc Sinh

1.504

-8,1

6.531

-43,9

5

Liên Thành

922

-22,4

5.540

53,6

6

Haprosimex JSC

1.132

-34,1

4.639

-32,4

7

Intimex Group

626

-49,0

3.761

63,7

8

Gia vị Sơn Hà

635

-6,6

3.712

35,9

9

Hoàng Gia Luân

710

7,9

3.294

-13,4

10

Harris Freeman

731

12,6

3.030

8,3

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất Việt Nam. (Số liệu: tổng hợp)

Ông Bính cho biết nhiều doanh nghiệp ký bán trước giá thấp từ 40.000 - 50.000 đồng/kg nay phải mua với giá trên 70.000 đồng/kg để giao hàng theo hợp đồng nên bị lỗ nặng.  

Các doanh nghiệp không bị lỗ thì đã tranh thủ mua hàng đầy kho khi giá còn thấp, vì vậy hiện nay dòng tiền đang bị ngưng trệ nghiêm trọng.

Ngoài ra, trước đó, việc người dân găm hàng không muốn tiêu cho doanh nghiệp vì kỳ vọng giá tiêu sẽ còn tăng cũng góp phần ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu. Điều này khiến giá tiêu hồi tháng 3 tăng đột biến mà theo đánh giá của một số doanh nghiệp coi đây là hiện tượng "tăng ảo".

Bên cạnh đó, do dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn ít nhiều làm ảnh hưởng và giảm tiêu thụ hồ tiêu, làm đứt gãy lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và các nước. 

Giá cước tàu vận chuyển đi các nước Trung Đông, Châu Âu, Mỹ…tăng lên quá cao, gấp 6-10 lần so với trước đây.

Mặc dù vậy, hiện tại đã xuất hiệu những tín hiệu tích cực. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhận được đơn hàng, trong bối cảnh nguồn cung cạn dần do vụ thu hoạch tiêu đã kết thúc. 

Bộ dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn. Nguyên nhân giá tiêu tiếp tục tăng là do nguồn cung tại Việt Nam - nước sản xuất tiêu lớn nhất thế giới giảm mạnh so với năm trước.

Những tháng qua, nhờ giá tiêu tăng tương đối ổn định nên nhiều nông dân Đắk Lắk, Đắk Nông đang bắt đầu tăng diện tích.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, trong thời điểm này chưa nên mở rộng diện tích hồ tiêu. Hiện dịch bệnh ở hồ tiêu vẫn còn diễn biến phức tạp; giá tiêu còn bấp bênh, chưa ổn định.

Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong bối cảnh giá hạt tiêu biến động, ngành hạt tiêu Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu nguồn cung. 

Hạt tiêu hữu cơ là một trong những hướng đi bền vững, giúp gia tăng giá trị sản phẩm so với các loại hạt tiêu trồng truyền thống.


H.Mĩ
Cùng chuyên mục