Giá xăng, dầu tiếp tục tăng "nóng" lần thứ 3 liên tiếp

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 01/11/2022 14:37 PM (GMT+7)
Ngày 1/11/2022, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức điều chỉnh giá xăng dầu. Mỗi lít xăng bán lẻ trong nước đắt thêm 380-410 đồng, các mặt hàng dầu cũng tăng 120-290 đồng/lít, kg.
Bình luận 0

Giá xăng dầu tiếp tục tăng, mức cao nhất là 410 đồng/lít 

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h hôm nay (1/11), giá xăng RON 95-III tăng thêm 410 đồng/lít, lên mức giá 22.750 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng đắt thêm 380 đồng, lên 21.870 đồng. Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này từ giữa tháng 10 đến nay.

Các mặt hàng dầu cũng tăng, với dầu diesel là 290 đồng/lít; dầu hoả 120 đồng và dầu mazut 190 đồng/kg. Sau điều chỉnh, diesel có mức giá mới là 25.070 đồng; dầu hoả 23.780 đồng và mazut 14.080 đồng.

So với hồi tháng 1, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.

Ngày 1/11/2022, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chính thức điều chỉnh giá xăng dầu, theo đó mức giá mới như sau:

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng "nóng" lần thứ 3 liên tiếp - Ảnh 1.

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng "nóng" - Ảnh 3.

Tối qua (31/10), tình trạng thiếu xăng tại Hà Nội đang diễn ra tại nhiều quận nội thành. Một số cây xăng treo biển “hết xăng, còn dầu” hoặc “hết xăng chờ nhập hàng”, trong khi nhiều cây xăng lại hoạt động cầm chừng. Ảnh: NP

Như vậy, giá xăng RON 95-III tăng thêm 410 đồng/lít, lên mức giá 22.750 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng đắt thêm 380 đồng/lít, lên 21.870 đồng. Sau điều chỉnh, diesel có mức giá mới là 25.070 đồng/lít; dầu hoả 23.780 đồng/lít và mazut 14.080 đồng/lít.

Mức giá mới có hiệu lực từ thời điểm 15 giờ 00 ngày 1/11/2022 cho đến kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo của liên Bộ Công Thương – Tài Chính.

Giá xăng dầu do Petrolimex công bố này áp dụng tại hệ thống phân phối của Petrolimex trên lãnh thổ Việt Nam; gồm: (a) Các cửa hàng xăng dầu (CHXD) Petrolimex và điểm bán bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ thuộc Petrolimex; (b) CHXD của các thương nhân làm đại lý, tổng đại lý bán xăng dầu của Petrolimex và (c) CHXD của các thương nhân nhận quyền bán lẻ dưới hình thứcnhượng quyền thương mại từ Petrolimex.

Giá xăng dầu do Petrolimex công bố này không áp dụng đối với các CHXD thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác, thương nhân phân phối xăng dầu và không có dấu hiệu nhận diện thương hiệu Petrolimex.

Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu theo quy định tại Khoản 27, Điều 1, Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Petrolimex gọi tắt là “Vùng 2”); Tổng Giám đốc Petrolimex trao quyền Giám đốc các Công ty xăng dầu thành viên Petrolimex trực tiếp quyết định giá bán thực tế tại địa bàn tổ chức kinh doanh nhưng không được vượt mức giá vùng 2 nêu trên.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 95) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 95 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Tại kỳ điều hành này, cùng với điều chỉnh giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi sử dụng với xăng, dầu; giảm mức trích lập với RON 95 và dầu mazut trong khi giữ nguyên mức trích với dầu diesel và dầu hoả. Cụ thể, mức trích với xăng RON 95-III giảm từ 400 đồng về còn 300 đồng; dầu mazut giảm 208 đồng, về 500 đồng.

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng "nóng" lần thứ 3 liên tiếp - Ảnh 3.

Cùng với điều chỉnh giá, liên bộ Công Thương - Tài chính không chi sử dụng với xăng, dầu; giảm mức trích lập với RON 95 và dầu mazut trong khi giữ nguyên mức trích với dầu diesel và dầu hoả. Cụ thể, mức trích với xăng RON 95-III giảm từ 400 đồng về còn 300 đồng; dầu mazut giảm 208 đồng, về 500 đồng.

Theo dữ liệu Bộ Công Thương cập nhật giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường Singapore đến ngày 28/10 cho thấy, giá nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu đều tăng nhẹ so với giá tại kỳ điều hành trước (21/10). Cụ thể, xăng E5 RON92 là 93,01 USD/thùng, xăng RON95 97,59 USD/thùng, dầu diesel 136,92 USD/thùng.

Tại thị trường thế giới, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 1/11/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 86,20 USD/thùng, giảm 0,33 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 31/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã giảm tới 2,17 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 92,60 USD/thùng, giảm 0,21 USD/thùng trong phiên và đã giảm tới 2,09 USD/thùng.

Giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 15 lần tăng, 14 lần giảm.

Tuần qua, tại Hà Nội, TP.HCM vẫn ghi nhận tình trạng cây xăng treo biển hết xăng, hết dầu. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu xăng dầu vẫn rất thấp, thậm chí 0 đồng và việc nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối vẫn nhỏ giọt.

Ghi nhận của Dân Việt tối 31/10, một ngày trước khi điều chỉnh giá bán lẻ, các cây xăng tại Hà Nội vẫn tồn tại cảnh người dân đông đúc, xếp hàng dài chờ đổ xăng. Nhiều cây xăng chỉ bán cho khách từ 30.000-50.000 đồng/lượt đổ xăng.

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng "nóng" - Ảnh 4.

Tối qua (31/10), tình trạng thiếu xăng tại Hà Nội đang diễn ra tại nhiều quận nội thành. Một số cây xăng treo biển “hết dầu” hoặc “hết xăng chờ nhập hàng”, trong khi nhiều cây xăng khác lại hoạt động cầm chừng. Ảnh: NP

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng "nóng" - Ảnh 5.

Tối qua (31/10), tình trạng thiếu xăng tại Hà Nội đang diễn ra tại nhiều quận nội thành. Một số cây xăng treo biển “hết dầu” hoặc “hết xăng chờ nhập hàng”, trong khi nhiều cây xăng khác lại hoạt động cầm chừng. Ảnh: NP

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng "nóng" - Ảnh 6.

Cảnh người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng được ghi nhận lúc tối ngày 31/10, trước ngày điều chỉnh giá xăng dầu. Ảnh NP

Khi được hỏi, một nhân viên bán xăng dầu cho biết, từ cuối tuần trước đến nay, doanh nghiệp đã hết xăng nhưng không thể nhập được hàng về bán, khó nhập nhất hiện nay là xăng RON 95.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nhắc đến bất cập trên thị trường bán lẻ xăng dầu thời gian qua khi thiếu nguồn cung cục bộ. Đồng thời, ĐBQH muốn làm rõ xăng "thiếu thật hay giả", vì xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia, tác động tới hầu hết ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trả lời câu hỏi của các ĐBQH, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Không có sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu như dư luận nghi ngờ, bởi năng lực sản xuất của hai nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn đảm bảo cung cấp 80% nhu cầu sử dụng trong nước với khối lượng 2,5-2,6 triệu khối. Cùng với đó là 34 doanh nghiệp đầu mối nhập 500.000 khối. Như vậy, tổng lượng xăng dầu của chúng ta tương đương 3 triệu khối, đáp ứng nhu cầu sử dụng hết tháng 11 chứ không chỉ trong tháng 10. Thời gian tới các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục nhập khẩu, 2 nhà máy tiếp tục sản xuất”.

Về nguyên nhân nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa hoặc bán gián đoạn, ông Diên cho biết, do lúc doanh nghiệp nhập vào thì giá cao, lúc bán thì giá thấp, đồng thời phải gánh các chi phí khác như bảo quản, dự trữ xăng dầu, hao hụt, mức chiết khấu biến động tăng giảm liên tục, có những giai đoạn chiết khấu 0 đồng/lít...

"Để đảm bảo nguồn cung, Bộ đã có công văn gửi hai nhà máy phải duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong nước, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho vay lãi suất để các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Bộ cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng có chính sách điều hành hợp lý, minh bạch, kịp thời, đồng thời rà soát để chấn chỉnh việc dự trữ, đảm bảo nguồn cung", ông Diên khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem