Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ còn tăng đến đâu?
Làn sóng Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam
Theo đó, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.864 USD/tấn, tăng 8,9% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021 giảm tháng thứ 5 liên tiếp, đạt 111,7 nghìn tấn, trị giá 224,75 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 4,4% về trị giá so với tháng 7/2021, nhưng so với tháng 8/2020 tăng 11,5% về lượng và tăng 22% về trị giá.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,08 triệu tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bỉ, Philippines. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Nhật Bản, Nga, Trung Quốc.
Riêng với thị trường Hoa Kỳ, 7 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ giảm nhập khẩu cà phê từ Colombia và Việt Nam. Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy, nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 76,47 nghìn tấn, trị giá 147,36 triệu USD, giảm 28,4% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ cũng giảm từ 11,31% trong 7 tháng đầu năm 2020 xuống 8,17% trong 7 tháng đầu năm 2021.
Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ còn tăng đến đâu?
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 8/2021 giảm 25,7% so với tháng 8/2020, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2017. Theo tin của Bloomberg, khoảng 3,5 triệu bao cà phê đã không được giao lên tàu trong vài tháng qua do các vấn đề có tính hệ thống về vận tải biển hiện nay. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giảm do thời tiết tại Brazil khá thuận lợi.
Trên sàn giao dịch London, ngày 18/9/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 11/2021, tháng 1/2022, tháng 3/2022 và tháng 5/2022 tăng lần lượt 2,3%, 2,5%, 2,2% và tăng 1,9% so với ngày 8/9/2021, lên mức 2.151 USD/tấn, 2.121 USD/tấn, 2.057 USD/tấn và 2.030 USD/tấn.
Còn trên sàn giao dịch New York, ngày 18/9/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 giảm lần lượt 3,9%, 3,8%, 3,7% và 3,6% so với ngày 8/9/2021, xuống mức 186,4 Uscent/lb, 189,2 Uscent/lb, 190,4 Uscent/ lb và 191,15 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/9/2021, giá cà phê Arabica giao ngay giảm 2,4% so với ngày 8/9/2021, xuống 222,45 Uscent/lb; các kỳ hạn giao tháng 12/2021, tháng 3/2022 và tháng 5/2022 giảm lần lượt 4,8%, 4,9% và giảm 3,6% so với ngày 8/9/2021, xuống còn 223,3 Uscent/lb, 227,25 Uscent/lb và 230,7 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.161 USD/tấn, chênh lệch +24 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn (tương đương mức tăng 0,2%) so với ngày 8/9/2021. Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê Robusta biến động theo xu hướng tăng, song mức tăng không lớn. Nguồn cung cà phê từ Đông Nam Á chưa cải thiện, nhưng lo ngại kinh tế toàn cầu giảm và lượng giao dịch rất thấp, sẽ kìm hãm đà tăng của giá mặt hàng này.
Những ngày giữa tháng 9/2021, giá cà phê Robusta thị trường nội địa tiếp tục tăng theo giá thế giới, mức tăng chậm lại. Ngày 18/9/2021, giá cà phê Robusta trong nước tăng từ 200 đồng/kg (tương đương mức tăng 0,5%) so với ngày 8/9/2021, lên mức 39.600 – 40.500 đồng/kg.
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khiến thị trường cà phê bị gián đoạn và trì trệ. Giá cước phí tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ cản trở rất lớn cho kế hoạch xuất khẩu cà phê cuối vụ 2020/2021 và cà phê vụ mới 2021/2022 bắt đầu từ 1/10 tới.
Cà phê arabica tăng vọt 3%
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 5,75 US cent hay 3,1% lên 1,906 USD/lb, cao nhất trong hai tuần, phá vỡ mức kháng cự quan trọng tại 1,9 USD và mức trung bình động trong 20 ngày tại 1,87 USD.
Các đại lý cho biết các nhà đầu cơ bổ sung các hợp đồng mua vào cà phê arabica do khả năng nguồn cung tương lai tiếp tục suy yếu.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 4 USD hay 0,2% lên 2.146 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 4 năm tại 2.180 USD/tấn trong phiên trước đó.
Tại Việt Nam giao dịch cà phê vẫn yếu trong tuần này do thiếu nguồn cung, các thương nhân đang chờ vụ mới bắt đầu trong tháng tới
Nông dân tại Tây Nguyên chào bán cà phê ở mức 39,900 – 41.400 đồng/kg, tăng nhẹ so với 39.500 – 41.000 đồng/kg một tuần trước.
Dự kiến sẽ có mưa lớn cuối tuần này, nhưng mưa tại thời điểm này sẽ giúp loại bỏ những quả cà phê yếu và hư hỏng trước khi bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ được chào ở mức trừ lùi 280 USD/tấn so với hợp đồng cà phê kỳ hạn tháng 11 ở London, một tuần trước mức trừ lùi là 270 – 280 USD/tấn.
Tại Indonesia nguồn cung đang giảm dần vào cuối vụ thu hoạch. Cà phê robusta tại tỉnh Lampung thuộc Sumatra được chào ở mức trừ lùi 280 – 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 và 12, tương tự như mức trừ lùi với hợp đồng kỳ hạn tháng 10 và tháng 11 một tuần trước.