Giải bài toán “thẻ vàng EU” để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô

21/09/2019 16:10 GMT+7
Mục tiêu đạt được 10 tỉ USD trong kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản năm nay dường như khó đạt được khi bài toán “thẻ vàng EU” vẫn chưa thể giải.

Với những thành quả đã đạt được trong 2 năm 2017 và 2018, năm 2019, ngành thủy sản được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giao các chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng giá trị sản xuất: 4,69%; Tổng sản lượng TS: 8,08 triệu tấn (tăng 4,2% so với 2018) và kim ngạch xuất khẩu: 10 tỷ USD (tăng 19,3%). Các mức chỉ tiêu được đánh giá phù hợp so với năng lực sản xuất của ngành trong giai đoạn 2013-2018. Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Tính tới hết tháng 8, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm 56,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Những rào cản khiến thủy sản chưa thể "cất cánh"

Hồi cuối tháng 6, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã từng nhấn mạnh rằng: Nửa cuối năm, trong bối cảnh khó khăn, cần sự cố gắng chung của toàn ngành, trong đó đặc biệt là tập trung đẩy mạnh, nhanh hơn ở những ngành hàng đang có dư địa.

Giải bài toán “thẻ vàng” để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản còn gặp rất nhiều khó khăn

Trước hết, các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới các chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Tiếp đến là các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu ngày càng nhiều với các quy định chặt chẽ hơn trong đó yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm; cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt.

Điều đặc biệt quan trọng nữa là trong khi các cơ quan chức năng đang cố gắng để gỡ "thẻ vàng thủy sản" thì nhiều tàu cá và ngư dân vẫn vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định IUU, mà các nước trong khu vực ngày càng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử phạt.

Và cuối cùng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, chế biến và bảo quản thủy sàn còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chất lượng nguyên liệu thủy sản khai thác giảm do bảo quản dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Bởi những nguyên nhân ấy mà dù có kì vọng rất lớn nhưng tính đến thời điểm hiện tại, khi chỉ vỏn vẹn vài tháng nữa là kết thúc năm 2019, dựa trên những kết quả đạt được, tình hình xuất khẩu thủy sản cả năm nay lại không mấy khả quan. "Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều", ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.

Triển vọng gỡ "thẻ vàng EU" trong năm 2019

Thẻ vàng vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại ngành này theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật thủy sản quốc tế. Đây chính là mục tiêu lâu dài của Tổng cục Thủy sản.

Trong gần 2 năm qua với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT; sự nỗ lực vào cuộc của các bộ/ban/ngành có liên quan và chính quyền 28 tỉnh ven biển việc khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành TS, chống khai thác IUU qua Luật TS năm 2017 và các văn bản dưới luật đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo đã chấm dứt. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc TS khai thác... đã và đang được quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật TS nói chung, pháp luật chống khai thác IUU đã được cải thiện.

Tuy nhiên, còn một số nội dung khuyến nghị của EC mà chúng ta cần có thêm thời gian, cần đầu tư bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn; thời điểm EC gỡ "thẻ vàng EU" cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện Luật TS năm 2017 và các nhóm nội dung khuyến nghị của EC tại trung ương và chính quyền 28 tỉnh ven biển.

Mai Trang
Cùng chuyên mục