Giải phóng áp lực giải quyết biến đổi khí hậu, xu hướng "tiêu dùng xanh" sẽ dẫn dắt tương lai?

21/07/2022 16:16 GMT+7
Theo báo cáo "Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN" năm 2021 của UOB, 58% số người tham gia khảo sát trong khu vực ASEAN cho biết có động lực để họ chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm mang tính bền vững (tiêu dùng xanh).

Xu hướng "tiêu dùng xanh" dẫn dắt tương lai?

Trung tuần tháng 7/2022, Vương quốc Anh lần đầu tiên ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C ở sân bay Heathrow, trong khi nắng nóng tiếp tục đẩy nhiệt độ ở nhiều khu vực tại Pháp vượt ngưỡng 40 độ .

Nắng nóng khủng khiếp đang gây báo động đỏ ở nhiều vùng tại Anh, trong đó nhiều tuyến đường sắt đã ngừng hoạt động và trường học một số nơi đóng cửa. Tại sân bay Gatwick ở thủ đô London, đã có hành khách ngất xỉu vì nóng do không có điều hòa nhiệt độ. Nắng nóng cũng gây tình trạng hỗn loạn tại nhiều sân bay khác ở châu Âu.

Điều này đồng nghĩa rằng, các doanh nghiệp và cá nhân đang chịu áp lực ngày một gia tăng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Người tiêu dùng trong khu vực ASEAN đang dần thay đổi hành vi mua sắm của mình khi họ nhận thức được sự biến đổi khí hậu đang tác động lên sức khỏe thể chất và tinh thần của con họ.

Theo báo cáo "Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN" năm 2021 của UOB, 58% số người tham gia khảo sát trong khu vực ASEAN cho rằng có động lực để họ chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm mang tính bền vững vì họ tin rằng nó sẽ góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho con họ.

Ở Việt Nam, người tiêu dùng thậm chí ý thức và quan tâm tới vấn đề này nhiều hơn, với 67% cho rằng việc có một tương lai tốt hơn cho con là động lực thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm có tính bền vững. Tỷ lệ này cao hơn 14% so với kết quả năm 2020.

Người tiêu dùng đang chủ động hướng tới lối sống xanh. Trong khu vực ASEAN, hơn 9 trên 10 người (91%) nói rằng họ muốn có nhiều phương thức đầu tư và tài chính bền vững hơn. Ở Việt Nam có tỷ lệ khá tương tự, với khoảng gần 9 trên 10 người (87%) đồng ý rằng đầu tư bền vững sẽ trở nên phổ biến hơn trong 3 đến 5 năm tới. Người tiêu dùng dần nhận ra những lựa chọn hằng ngày của họ từ nơi họ sống và cách họ di chuyển, đến những khoảng đầu tư của họ sẽ tạo ra sự khác biệt cho môi trường.

Ngân hàng bắt "trend" cung cấp dịch vụ phục vụ tiêu dùng xanh ở Việt Nam

Giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu không phải một sớm một chiều, ít nhất đến năm 2060. Nhưng từ sự thay đổi trong thái độ và hành vi người tiêu dùng, các doanh nghiệp và ngân hàng đang từng bước thể hiện vai trò của mình trong sự dịch chuyển hướng đến một tương lai bền vững hơn.

Năm 2021, Công ty CP Phát triển Phú Mỹ Hưng cho ra đời dự án Cardinal Court - một trong những tòa nhà xanh đang được xây dựng tại Việt Nam. Dự án được cấp giấy chứng nhận công trình xanh EDGE vào tháng 3 năm 2021. Toàn bộ vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, hệ thống điện nước của tòa nhà đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí thân thiện với môi trường.

Không những vậy, nhiều định chế tài chính đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ xanh ở Việt Nam, trong đó UOB là một trong các nhà tiên phong ở lĩnh vực này.

Tháng 11 năm 2021, Ngân hàng UOB Việt Nam đã hợp tác với Công ty CP Phát triển Phú Mỹ Hưng mang đến cho các khách hàng phương án vay ưu đãi nếu họ mua một căn hộ tại Cardinal Court. Trong cùng tháng đó, UOB cũng tung ra gói vay mua xe ưu đãi dành cho khách hàng mua xe điện hoặc xe hybrid.

Việc lựa chọn sử dụng xe điện và bất động sản xanh đã phản ánh nhận thức về việc sống xanh đang tăng lên, và người Việt Nam cũng có xu hướng ủng hộ các tổ chức cung cấp giải pháp tài chính hoặc đầu tư mang tính bền vững.

Giải phóng áp lực giải quyết biến đổi khí hậu, xu hướng "tiêu dùng xanh" sẽ dẫn dắt tương lai? - Ảnh 1.

Hệ thống quang điện mặt trời trên mái nhà máy của PVI Long An

Đầu năm 2021, Ngân hàng UOB Việt Nam đã cung cấp khoản tín dụng xanh theo khuôn khổ Chương trình Tài chính Bền Vững Thành phố Thông Minh cho hai công ty địa phương là ATAD và Phan Vũ Investment (PVI). ATAD là công ty kết cấu thép hàng đầu Đông Nam Á, trong khi PVI là nhà thầu cung cấp cọc bê tông chuyên nghiệp. Cả hai công ty đã sử dụng số tiền vay được để xây dựng và vận hành các hệ thống quang điện mặt trời trên mái nhà máy của họ.

Với sự hỗ trợ của UOB, các tấm pin mặt trời của hai công ty sẽ tạo ra hơn 18.600 megawatt giờ điện mỗi năm. Con số này tương đương với việc giảm 8.420 tấn carbon dioxide, hoặc khí thải của 1.800 chiếc xe hơi mỗi năm. ATAD và PVI cũng có thể bán lượng điện dư thừa mà các tấm pin mặt trời của họ tạo ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và dùng số tiền đó thay cho việc trả tiền điện.

Tài chính xanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng

Tại hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra vào năm ngoái, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 'không' vào năm 2050 và xóa bỏ dần sản xuất điện chạy bằng than vào những năm 2040 hoặc sớm hơn.

 Bộ Công Thương cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ đã phát triển một kế hoạch hành động tập trung vào ba nhiệm vụ chính: kiểm soát phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng than thành năng lượng sạch và khuyến khích phát triển ô tô điện.

Khi các ngân hàng đồng hành cùng các chính phủ trong khu vực trên hành trình xanh này, một nghiên cứu của Bain and Company ước tính rằng nền kinh tế xanh của khu vực Đông Nam Á có thể mang lại những cơ hội hàng năm trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.

Các tổ chức tài chính sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ thích ứng với khí hậu và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Ngoài việc đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng, các giải pháp xanh còn giúp các doanh nghiệp phát triển thịnh vượng hơn. Hơn 8 trên 10 người Việt Nam (83%) cảm thấy rằng các công ty áp dụng các giải pháp bền vững có khả năng hoạt động kinh doanh lâu dài và mang lại giá trị dài hạn cho các bên liên quan, nhân viên và cộng đồng.

Các ngân hàng là đối tác quan trọng của doanh nghiệp trong hành trình này.

Quỳnh Nguyễn
Cùng chuyên mục