Giảm 50% phí trước bạ, ô tô vẫn tồn kho hơn 200.000 chiếc

18/07/2020 10:35 GMT+7
Hiện tại, lượng ô tô tồn kho của năm 2020 là 25.000 chiếc. Trong khi đó, lượng xe tồn kho từ năm 2019 vẫn còn 182.000 chiếc. Theo nhận định của giới chuyên môn, bên cạnh chính sách giảm 50% phí trước bạ, trong thời gian tới, giá ô tô sẽ tiếp tục “giảm sâu”, đặc biệt với các mẫu xe đời 2019.

Thống kê của Hiệp hội ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tính đến hết tháng 5/2020, doanh số bán hàng của các thành viên đã giảm 34% so cùng kỳ, xuống còn 79.396 chiếc. Trong đó, xe du lịch có doanh số sụt giảm mạnh nhất với mức giảm 36% khi sản lượng bán hàng chỉ đạt 57.261 chiếc.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính của tình trạng trên đến từ ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 lên thu nhập và hành vi tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, việc người mua chờ đợi chính sách giảm phí trước bạ cũng khiến doanh số các hãng xe suy giảm.

Nhận định cụ thể hơn, giới chuyên môn cho rằng, dấu hiệu rõ ràng về hiệu ứng của việc các ngành sản xuất và khai thác bị hạn chế do dịch Covid-19 thể hiện ở doanh số xe thương mại và xe đặc chủng lần lượt giảm 26% so cùng kỳ xuống 21.084 chiếc và 34% xuống còn 1.051 chiếc.

Giảm 50% phí trước bạ, ô tô vẫn tồn kho hơn 200.000 chiếc - Ảnh 1.

Lượng ô tô tồn kho từ năm 2019 đến nay là hơn 200.000 chiếc

Tính đến hết tháng 5/2020, ước tính sản lượng xe ô tô lắp ráp của cả nước đạt khoảng 71.669 chiếc. Tuy nhiên, bán ra giảm 32% còn 51.669 chiếc, như vậy, lượng tồn kho là 20.000 chiếc (tương đương 28%).

Về lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 36.798 chiếc (86% từ Thái Lan và Indonesia). Tuy nhiên, doanh số bán ra của loại xe này cũng giảm mạnh hơn 38% còn 31.512 chiếc so với cùng kỳ năm 2019 dẫn đến tồn kho 5.286 chiếc (tương đương 14%). Tổng cộng, cả nước đang có 25.286 chiếc tồn kho, chiếm 23% tổng nguồn cung.

Theo nhận định của giới chuyên môn, trong nửa cuối năm, với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP, nhu cầu đối với các sản phẩm ô tô sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực vì dịch Covid-19 dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2020 giảm 15% so với ước tính hồi đầu năm.

Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm, do tình hình tiêu thụ ảm đạm cùng với áp lực phải thanh lý lượng hàng tồn kho từ năm 2019 buộc các đại lý phải đưa ra nhiều gói khuyến mãi khác nhau từ việc tặng quà, tặng bảo hiểm đến hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ.

Tuy nhiên, sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được thực thi, rất nhiều hãng xe như Toyota, Honda, TC Motor, Mitsubishi, Mercedes-Benz,… đã bỏ những chính sách khuyến mãi trên. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng không hài lòng và doanh số của các hãng xe tiếp tục "nhảy múa".

Ngoài chính sách giảm 50% phí trước bạ, từ ngày 10/7/2020, Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (mà đạt chuẩn) sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được.

Bên cạnh các chính sách nêu trên, doanh nghiệp ô tô cũng hưởng lợi sau khi Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến hết 31/12/2020.

Được biết, hiện tại, theo thị phần, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 33,1%. Tiếp sau là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota, Honda, Mitsubishi. Bên cạnh đó, hãng Ford - đơn vị "thống lĩnh" phân khúc xe bán tải - đứng ở vị trí thứ 5 với 8,1%.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục