Giảm chi phí đầu vào cho nông sản
Canh tác nông nghiệp theo kiểu tiết giảm chi phí đầu vào bước đầu có thể ảnh hưởng đến năng suất nhưng chất lượng lại gia tăng, nhờ đó nông dân có thu nhập bằng hoặc tốt hơn so với canh tác phụ thuộc vào phân thuốc hóa học.
Biến cỏ, chuối... thành thức ăn cho cây trồng, vật nuôi
Năm 2018, khi giá tiêu xuống rất thấp, xung quanh nhiều vườn tiêu thua lỗ vì trót đầu tư quá lớn, anh Đặng Dương Minh Hoàng tiếp quản vườn tiêu 8 ha của gia đình tại Bình Phước. Anh chọn con đường tiết giảm chi phí, sản xuất theo hướng hữu cơ để không phải tốn tiền phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. "Nhiều hộ không có tiền thì mua chịu vật tư từ đại lý và phải trả giá cao so với mua trả tiền ngay. Tiêu "sạch" vừa đỡ tốn tiền phân, thuốc vừa được doanh nghiệp (DN) bao tiêu cao hơn giá thị trường nên luôn bảo đảm có lãi. Tôi còn tiết kiệm bằng cách sử dụng ống nhựa cứng PVC cho các đường ống lớn, ống nhỏ chỉ cần loại ống mềm, giá rẻ cho việc tưới tiêu nên tiết kiệm được đáng kể" - anh Hoàng dẫn chứng.
Cũng nhờ "bỏ túi" phương pháp canh tác thuận tự nhiên mà năm 2021 nhiều hộ nông dân HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn có lãi dù đầu ra sản phẩm nhiều thời điểm rất khó khăn, giá bán rớt xuống thấp kỷ lục. Anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, cho biết HTX có khoảng 60 ha trồng bưởi. Ba năm trở lại đây, mỗi năm 1 gốc bưởi trong HTX chỉ tốn khoảng 30 kg phân chuồng, 3 kg phân NPK trong khi trước đó cần đến 100 kg phân chuồng, 10 kg phân NPK. Năm rồi, anh thử nghiệm không rải phân hóa học cho vườn bưởi lão hơn 3 ha của gia đình, kết quả cây phát triển khỏe mạnh, sai trái và trái ngon hơn. Sắp tới, anh sẽ mở rộng cắt giảm phân bón hóa học sang một số vườn khác. Theo tính toán của anh Sang, hiệu quả kinh tế của các vườn bưởi trong HTX không chỉ đến từ việc cắt giảm phân bón mà do nhiều giải pháp kết hợp để tối ưu hóa chi phí. "Từ 10 năm trước, HTX đã bắt đầu nói không với việc xịt thuốc diệt cỏ, để cỏ phát triển tự nhiên trong vườn vừa che nắng cho rễ cây, giữ đất vừa giúp thoát nước. Mỗi năm, chủ vườn sẽ có 4 đợt phát cỏ và dùng "rác" cỏ phủ gốc cây. Lâu ngày, những lớp cỏ này phân hủy thành dinh dưỡng đủ để nuôi cây tươi tốt. Cũng nhờ không xịt thuốc hóa học nên hệ sinh thái của vườn rất đa dạng, cây ít bị sâu bệnh" - anh Sang tâm đắc và nói thêm, do vườn bưởi "sạch", hệ thống tưới đã được tự động hóa nên việc chăm sóc vườn rất thuận tiện, không tốn nhiều nhân công. Tỉ lệ cây bệnh, cây chết cực thấp nên dù giá bưởi năm 2021 rớt xuống thấp kỷ lục, chỉ bằng nửa trước đây nhưng bà con xã viên đều có lãi. "Nếu đầu ra trái bưởi phục hồi tốt trở lại, giá bưởi được nâng lên bằng mức cũ thì nông dân HTX Tân Mỹ sẽ thắng lớn. Chúng tôi đang có dự án làm tinh dầu bưởi và một số sản phẩm khác để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu có sẵn từ hoa, lá, bưởi non, bưởi chín… khi đó, hiệu quả của cây bưởi sẽ cao hơn nữa" - anh Sang tiết lộ.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thì tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có là chuối bị loại (sau khi tuyển chọn chuối đạt chuẩn xuất khẩu) để cho heo ăn nhằm hạ giá thành chăn nuôi heo. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, trước đây heo HAGL ăn cám công nghiệp, tính ra giá thành khoảng 50.000 đồng/kg heo hơi. Sau nhiều lần thử nghiệm công thức thức ăn chăn nuôi có thành phần từ chuối, HAGL đã thành công khi heo ăn mau lớn không kém cách nuôi cũ và thịt heo ngon hơn. Từ chuối loại chỉ dùng làm phân bón, khi được chuyển qua làm thức ăn cho heo đã kéo giá thành heo hơi của HAGL xuống 35.000 đồng/kg, mức "mơ ước" của người nuôi heo hiện nay khi giá bán heo hơi khoảng 55.000-56.000 đồng/kg.
Chuối loại (không đủ chuẩn xuất khẩu) được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tận dụng làm thức ăn cho heo Ảnh: An Na
Hiệu quả kép
Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Sơn Hòa (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), cho biết HTX chuyên trồng lúa với diện tích 600 ha trong đó có nhiều diện tích canh tác theo mô hình "1 phải 5 giảm". Trong đó, 1 phải là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; 5 giảm gồm giống, phân bón, thuốc, chi phí bơm tát - thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch.
"Trước đây ít nông dân thực hiện nhưng nay nhiều hơn do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, nông dân không thể thoải mái đầu tư như trước. Sau khi thực hiện chúng tôi nhận thấy năng suất lúa không giảm nên lợi nhuận tăng nhờ tiết kiệm chi phí đầu vào" - ông Bắc phân tích. HTX trên thuộc vùng trồng liên kết 100.000 ha tại ĐBSCL của Tập đoàn Lộc Trời, dự kiến sản xuất 1 triệu tấn gạo chất lượng cao cho đối tác trong năm 2022. Theo ông Đinh Công Nghiệp, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), vùng trồng thực hiện giảm chi phí đầu vào theo chương trình "giảm 1 triệu lít hóa chất" trên đồng ruộng mà tập đoàn đã cam kết với Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). "Chúng tôi thực hiện giải pháp đồng bộ bắt đầu từ giảm lúa giống khoảng 30% so với trước, từ đó giảm 30% phân bón hóa học từ việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ trên đồng ruộng thành phân bón hữu cơ. Về thuốc bảo vệ thực vật, nhờ sử dụng thiết bị bay không người lái (drone), phun xịt chính xác giúp giảm 20%-30% lượng thuốc nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả xử lý sâu bệnh" - ông Nghiệp chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, cho biết bằng giải pháp đồng bộ về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, Lộc Trời có thể giảm được hóa chất trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo vệ năng suất cây trồng, giúp nông dân có thu nhập bằng hoặc cao hơn so với phương thức canh tác cũ. Việc tổ chức sản xuất lớn giúp dễ dàng trong việc quản lý vùng trồng, cấp mã số thuận tiện cho truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản, là cơ sở để đàm phán được giá nông sản tốt hơn.
Hạ chi phí sản xuất để nâng khả năng cạnh tranh
Phát biểu tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhiều lần lưu ý bà con nông dân và DN chú ý hạ chi phí sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh. "Vấn đề giá cả, thị trường có thể nằm ngoài tầm tay nhưng hạ chi phí có thể thực hiện được. Tôi xem tivi thấy nhiều chủ DN phát biểu năm nay có lãi nhờ tiết kiệm chi phí. Điều này cho thấy khi thị trường thuận lợi, đôi khi chúng ta "quá tay" trong đầu tư, bây giờ những gì không cần thiết, những gì có thể giảm thì nên giảm" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.