Giám đốc BQL dự án giao thông cần xác định rõ thẩm quyền trong giải quyết vấn đề của dự án 3.500 tỷ
Những chỉ đạo cụ thể dành cho vị đứng đầu chủ đầu tư
Sáng 24/5, theo thông tin PV Dân Việt thu thập, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền. Tại cuộc họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị và cấp phép khai thác khoáng sản cát, phục vụ thi công dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (diễn ra vào ngày 21/5/2024).
Trong kết luận đã ban hành, một trong những nội dung đáng chú ý, đó là chỉ đạo đối với Giám đốc BQL dự án các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, Giám đốc BQL dự án các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư) phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan của dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, kể cả nội dung về khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Khẩn trương chủ trì, làm việc với các nhà thầu thi công để xác định rõ các đơn vị lập thủ tục đề nghị cấp phép khai thác cát, làm vật liệu xây dựng phục vụ công trình.
Chịu trách nhiệm kiểm tra, có văn bản đề nghị các sở, ngành, UBND tỉnh đối với các hồ sơ của đơn vị xin cấp phép khai thác; chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng được cấp phép, quản lý khai thác, vận chuyển, cung cấp khoáng sản cát phục vụ dự án sau khi được cấp phép.
Đảm bảo việc sử dụng khoáng sản đúng mục đích, không gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ngân sách nhà nước; hàng tháng phải báo cáo tình hình quản lý, khai thác cát phục vụ dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi cho UBND tỉnh, các sở ngành và địa phương có liên quan.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư thường xuyên, chủ động, kịp thời rà soát lại nhu cầu sử dụng cát và các nguồn cung cấp cát phục vụ thi công dự án để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở TNMT, Sở Xây dựng để rà soát, tham mưu).
Kịp thời có giải pháp đảm bảo khối lượng cát phục vụ dự án và các loại khoáng sản khác (đất, đá); tuyệt đối không để gián đoạn công tác thi công, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi.
Phòng, ban chuyên môn đồng ý nhưng Giám đốc vẫn "lắc"
Theo thông tin PV Dân Việt được xác nhận từ một số thành viên tham gia tại cuộc họp (tháo gỡ khó khăn cho dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào ngày 21/5 vừa qua), một trong những vấn đề "nóng" nhất, đó là việc chủ đầu tư đã bác bỏ kiến nghị gỡ vướng cho nguồn cát xây dựng, phục vụ thi công dự án này.
Cụ thể trước tình thế 9 mỏ cát đã khoanh định phục vụ dự án, hiện vẫn chưa có mỏ nào được cấp phép do vướng thủ tục, các nhà thầu đã đề nghị cho phép sử dụng bê tông thương mại, từ các trạm trộn trên địa bàn, để thi công với cam kết không làm phát sinh chi phí và đảm bảo đúng chất lượng theo chỉ dẫn, yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Thế nhưng đề xuất giải quyết tình thế khá hoàn hảo cho nguồn cát đang bí nêu trên, đã không nhận được sự đồng ý từ ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc BQL dự án các công trình giao thông, chủ đầu tư đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi.
Điều khó hiểu hơn đó là ngay tại cuộc họp (ngày 21/5/2024), ông Dụng cũng đã phát biểu xác nhận, đề xuất giải quyết tình thế tạm thời nguồn cho cát mà nhà thầu kiến nghị, cũng được các phòng chức năng, chuyên môn của BQL dự án các công trình giao thông, có văn bản thống nhất.
Tuy nhiên ông Dụng cho rằng, UBND tỉnh đã thẩm định, ra Quyết định khoanh định mỏ cát để cấp chỉ định cho dự án, nhưng chủ đầu tư không phối hợp thực hiện, lại đổi qua dùng bê tông thương phẩm trong khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh (?).
Được biết công trình đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, được khởi công từ cuối năm 2023. Tuy nhiên theo báo cáo mới nhất (ngày 6/5/2024), khối lượng chỉ mới đạt gần 4 tỷ đồng/2.350 tỷ đồng, tương đương 0,17%.
Riêng đối với cát xây dựng, có 9 mỏ được khoanh định để cấp thi công cho dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, nhưng hiện chưa có mỏ cát nào hoàn tất thủ tục, để được cấp phép khai thác.
Theo đó không chỉ tại các vị trí hiện còn vướng mặt bằng , dẫn đến phương tiện và thiết bị, nhân công huy động bằng không; mà tại nhiều phần việc do thiếu cát cũng lâm vào cảnh "đứng bánh".