Giữa “tâm dịch” Corona: Chờ cơ hội cho trồng trọt, chăn nuôi

07/02/2020 09:20 GMT+7
Mặc dù dịch viêm phổi lạ do virus Corona đang bùng phát khiến các sản phẩm nông sản như thanh long, dưa hấu gặp khó nhưng vẫn còn đó những cơ hội cho trồng trọt và chăn nuôi.

Dịch viêm phổi lạ do Corona khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đang lây lan ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Một trong những các biện pháp được cơ quan chức năng đưa ra để hạn chế lây lan chính là tạm thời ngừng thông quan ở nhiều cửa khẩu.

Động thái quyết liệt này của cơ quan chức năng đã góp phần rất lớn bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, một trong những hệ lụy của nó là nhiều mặt hàng khẩu ùn ứ, không xuất khẩu được. Với tính chất nhanh hỏng, nông sản bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong các sản phẩm nông sản, dưa hấu và thanh long chịu nhiều thiệt hại lớn.

Trong những ngày qua, do bị ùn ứ tại cửa khẩu nên dưa hấu và thanh long ở thị trường trong nước giảm giá thê thảm. Thậm chí, nhiều thương lái rất đau lòng khi chứng kiến thanh long bị đổ bỏ. Tới ngày 5/2, cửa khẩu Hữu Nghị và Lạng Sơn đã thông quan trở lại để hỗ trợ xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, thiệt hại trước đó là không hề nhỏ.

Giữa “tâm dịch” Corona: Chờ cơ hội cho trồng trọt, chăn nuôi - Ảnh 1.

Giá thanh long giảm sâu vì dịch Corona.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới, chuyên gia nông nghiệp về những ảnh hưởng của dịch Corona tới nông sản Việt Nam cũng như cơ hội mà doanh nghiệp nông nghiệp nên tận dụng.

Dịch viêm phổi lạ do virus Corona gây ra đã và đang ảnh hưởng đến các sản phẩm nông sản như thế nào thưa ông?

Dịch Corona đang hoành hành ở Trung Quốc và lây lan sang Việt Nam nên các cơ quan chức năng phải quản lý địa bàn, tạm ngừng thông quan, không cho giao dịch để hạn chế lây lan dịch bệnh. Đây là việc làm rất cần thiết nhưng ở một mặt khác, nó tác động đến nông sản xuất sang Trung Quốc.

Không thông quan được, không xuất khẩu được nên lượng hàng tồn nông sản tăng. Các sản phẩm hoa quả và trồng trọt thiệt hại nhiều nhất. Trong đó, dưa hấu và thanh long chịu ảnh hưởng nặng nề. Tình hình có thể nặng hơn khi sắp tới đây, vào tháng 2 và tháng 2, khu vực Long An, Bình Thuận Ninh Thuận chuẩn bị thu hoạch hơn chục ngàn tấn thanh long.

Rau cũng là mặt hàng bị ảnh hưởng lớn.

Vậy chúng ta nên làm gì với hàng nông sản ùn ứ này thưa ông?

Do nhiều nông sản bị ùn ứ nên hiện nay cung tăng lên rất mạnh trong thị trường nội địa. Dưa hấu và thanh long là những sản phẩm dư thừa nhiều nhất. Câu chuyện giải cứu đã được nhắc đến nhiều rồi nhưng tôi nghĩ không nên nhắc mãi từ giải cứu. Cách tốt nhất để bình ổn thị trường hiện nay là người dân cùng chung tay góp phần tiêu thụ nông sản.

Giữa “tâm dịch” Corona: Chờ cơ hội cho trồng trọt, chăn nuôi - Ảnh 2.

Dưa hấu giảm giá thê thảm, chỉ còn vài ngàn đồng/kg.

Dịch Corona đang có nhiều tác động đến nông sản. Nhưng có phải tất cả đều tiêu cực không, liệu có cơ hội nào cho nông sản trong “tâm dịch” không thưa ông?

Dịch viêm phổi lạ do Corona sẽ đạt đỉnh điểm trong khoảng 1 tháng nữa tại Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc bắt buộc sẽ phải mở cửa trở lại. Ngay từ bây giờ, thị trường đang mở ra nhiều phương hướng cho ngành nông nghiệp Việt Nam và chúng ta phải nhanh chóng tận dụng.

Hiện tại, chúng ta cần chú tâm đến diện tích ruộng bỏ không và ruộng cấy lúa vụ này ở khu vực phía Bắc; các đơn vị nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. Ngay bây giờ, các khu vực nên chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng để đến khi việc thông quan thuận lợi hơn, nhu cầu về nông sản sẽ tăng vọt lên.

Đó là trồng trọt, còn chăn nuôi có cơ hội nào không thưa ông?

Trong khoảng 1 tháng nữa, cơ hội cho chăn nuôi cũng đang rất lớn. Vì vậy, bây giờ, các doanh nghiệp nên tập trung sản xuất chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, đảm bảo chất lượng để chuẩn bị sẵn sàng cho 1 tháng sau này. Sau khi dịch đạt đỉnh, chắc chắn thị trường Trung Quốc sẽ rộng mênh mang.

Còn một điều nữa tôi muốn nhắc tới chính là thời kỳ này, ngành chăn nuôi thế giới đang có nhiều biến động, Dịch cúm gà H5N1 đã xuất hiện tại Trung Quốc, 7 nước châu Âu và Ấn Độ. Đây chính là thời kỳ cho ngành chăn nuôi Việt Nam củng cố ngành chăn nuôi.

Trồng trọt cũng phải nâng cao chất lượng. Trồng trọt (đáng kể nhất là rau xanh) đang có một thuận lợi lớn. Đó là năm nay nhuận 2 tháng Tư nên vụ trồng trọt muộn lại, thời vụ cho cây rau dài hơn.

Đây là điều kiện tốt để ngành trồng trọt tăng tốc, bù đắp cho những mất mát vừa qua vì dịch Corona.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục