Hà Nội đề xuất mới 9 khu nhà ở xã hội, cơ hội tăng nguồn cung nhà giá rẻ

11/06/2024 16:48 GMT+7
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã đề xuất thêm 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch gần 669ha tại các quận, huyện trên địa bàn. Điều này cùng với việc các luật mới sớm có hiệu lực sẽ tạo cơ hội thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội gia tăng.

Đề xuất thêm 9 khu nhà ở xã hội ở Hà Nội

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản đề xuất mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung trong các quy hoạch phân khu đô thị, với tổng diện tích 668,7ha.

Cụ thể, khu nhà ở xã hội tập trung tại thị trấn sinh thái Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 169ha); dự án tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (khoảng 127ha); tại xã Thạch Hòa, huyện Quốc Oai (khoảng 78ha); tại quận Hà Đông (khoảng 50ha); tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (khoảng 105ha); dự án tại huyện Đan Phượng (khoảng 22ha); tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (khoảng 46,6ha - trước đây đề xuất xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an); tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (khoảng 63ha); tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (khoảng 13ha).

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 9 khu đất trên có 2 khu đất tại huyện Gia Lâm và huyện Mê Linh với tổng quy mô nghiên cứu hơn 71ha đất thuộc khu vực vành đai xanh, hành lang xanh, hạn chế dân số và chiều cao (1 - 3 tầng).

Hà Nội đề xuất mới 9 khu nhà ở xã hội, cơ hội tăng nguồn cung nhà giá rẻ- Ảnh 1.

Dự kiến Hà Nội sẽ có 14 khu nhà ở xã hội tập trung trong tương lai (Ảnh: TN)

Cơ quan này đã báo cáo UBND Thành phố xem xét, chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Đồng thời, lựa chọn 2 - 3 khu đất (hoặc một phần các khu đất) có vị trí gần các trung tâm công nghiệp như ở Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Quốc Oai... để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công. Như vậy, nếu đề xuất trên được chấp thuận, Hà Nội sẽ có 14 khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích hơn 917ha.

Trước khi đề xuất 9 khu nhà ở xã hội tập trung này, Hà Nội đã bố trí vốn ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô sử dụng đất 248ha tại Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Trì và Thường Tín.

Về tình hình triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung, đến nay Sở Xây dựng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đối với 4/5 dự án với quy mô 203ha, hơn 0,8 triệu m2, khoảng 12.300 căn hộ. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định 4 dự án này. Trong đó, 2 dự án đã có quy hoạch chi tiết được duyệt đều ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh là dự án khu nhà ở xã hội Thành phố Kết nối xanh Green Link City (quy mô khoảng 210.000m2 sàn, 3.200 căn hộ) và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới - nhà ở xã hội (quy mô khoảng 196.000m2 sàn, 3.000 căn hộ).

Nguồn cung nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ bứt phá

Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua đã quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội với nhiều chính sách nổi bật. Theo đó, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Đặc biệt, Luật Nhà ở 2023 sẽ tác động sâu rộng nhất đến đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội... Ngoài ra, Luật cũng đã có các quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cùng các quy định nhằm khắc phục những bất cập về giá bán, giá thuê nhà ở xã hội trước đây. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cùng có hiệu lực sớm sẽ hình thành khung pháp lý mới, từ đó tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản "đắp chiếu", trong đó có nhà ở xã hội.

Hà Nội đề xuất mới 9 khu nhà ở xã hội, cơ hội tăng nguồn cung nhà giá rẻ- Ảnh 2.

Nhiều dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn thủ tục pháp lý có cơ hội "hồi sinh" (Ảnh: TN)

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho rằng các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, trước đây doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội phải chờ cơ quan chức năng xác định giá đất mới được miễn giảm tiền sử dụng đất. Mà việc xác định giá đất đang là “nút thắt” không thực hiện được trong nhiều năm.

Trong khi, theo quy định mới trong Luật Nhà ở 2023, nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải thực hiện các thủ tục trên. Luật mới ban hành đưa ra quy định miễn các thủ tục xác định giá, tiền sử dụng và thuê đất ngay từ đầu, đó là điểm cực mạnh, giúp gỡ vướng cho chủ đầu tư.

"Quy định tại các luật mới sẽ tạo "hiệu ứng domino", giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc. Cùng với đó, việc chú trọng đầu tư dự án phân khúc nhà ở trung bình, như nhà ở xã hội, ông nói sẽ giúp thị trường địa ốc hồi phục vào 2026", ông Nghĩa nhận định.

Các chuyên gia cũng đánh giá nhu cầu về nhà ở xã hội ở các trung tâm kinh tế lớn là rất nhiều, nhưng nguồn cung ít mà giá lại khá cao đã ngăn cản ước mơ an cư của nhiều người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, thị trường nhà ở xã hội đang có những dấu hiệu tích cực khi cơ chế chính sách và vốn đã được tháo gỡ thì cơ hội gia tăng nguồn cung với phân khúc nhà ở này sẽ hiện thực hóa trong thời gian tới.

Ngày 30/5 vừa qua, nhấn mạnh đến ý nghĩa nhân văn của việc xây dựng nhà ở xã hội nhằm cải thiện điều kiện sinh sống cho những gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương cần quyết tâm tháo gỡ vướng mắc để thời gian tới sớm triển khai nhiều hơn các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ và phải cam kết đến 1/10 tới có thể khởi công ít nhất 01 dự án và phải bảo đảm chất lượng lâu dài.



Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục