Hà Nội: Khó đủ đường khi thu hồi dự án chậm tiến độ
Những phát súng đầu tiên
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa công khai danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai trên địa bàn. Số dự án này được lập từ việc rà soát 39 dự án dừng triển khai, chậm triển khai trước đó.
Nhiều dự án bỏ hoang bị thu hồi (ảnh minh họa)
16 dự án bị thu hồi nằm rải rác tại 12 quận, huyện khác nhau, bao gồm các dự án như: Dự án nhà làm việc và văn phòng cho thuê tại 335 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) do Công ty cổ phần Xây lắp công nghiệp thực phẩm làm chủ đầu tư; Dự án khu hỗn hợp văn phòng - thương mại, dịch vụ - nhà hàng và giải trí tại số 153 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ) do Tổng công ty Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư; Dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê tại 53E, Hàng Bài, Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV Sổ xố Thủ đô làm nhà đầu tư...
Đây chỉ là con số nhỏ so với tổng số 383 dự án trên địa bàn Thành phố chậm tiến độ. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai), nhưng khi tổng hợp từ các quận, huyện, Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội phát hiện thêm 172 dự án vi phạm, nâng tổng số lên 383 trường hợp. Những quận, huyện có số dự án chậm triển khai, vi phạm nhiều, như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…
Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô.
Vẫn khó đủ đường
Theo Điều 64, Luật Đất đai 2013, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng. Hết thời gian gia hạn chưa đưa vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi.
Theo quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, có rất nhiều dự án bị chậm hàng năm trời, thậm chí cả chục năm, cá biệt có Dự án Sông Hồng City tại địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã “treo” 23 năm vẫn chưa bị thu hồi.
Vị trí dự kiến triển khai Dự án tại số 53E, Hàng Bài, Hoàn Kiếm của Công ty TNHH MTV Xổ số Thủ đô.
Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó thu hồi các dự án chậm tiến độ. Có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý, nên dẫn đến việc nhà đầu tư chần chừ.
Hơn nữa, việc này còn vướng mắc ở chỗ, khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, việc thu hồi chậm trễ ngày nào, Nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó. Chính vì vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Hơn nữa, phải cương quyết thu hồi mới có thể phát hiện được tiêu cực trong quá trình giao đất trước đây.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, HĐND TP. Hà Nội yêu cầu UBND Thành phố thực hiện thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo đúng pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Sẽ không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.
HĐND TP. Hà Nội cũng yêu cầu UBND Thành phố tăng cường công tác giám sát đầu tư; rà soát, thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án đã hết thời hạn mà không đủ điều kiện được xem xét gia hạn; không đề xuất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.