Môn sử không phải là việc tự chọn học hay không học

Cẩm Thuý Thứ năm, ngày 21/04/2022 15:55 PM (GMT+7)
Hơn 10 năm trước, chúng ta thảng thốt vì một kỳ thi tốt nghiệp THPT có hàng nghìn điểm 0 môn lịch sử. Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo thời ấy từng có phát biểu gây sốc khi bảo thế là bình thường.
Bình luận 0

Chúng ta rộn rã, ồn ào đau khổ trên công luận một dạo, rồi lại thôi. Từ bấy đến nay, học trò đã giỏi môn lịch sử chưa? Chắc cũng không ai nắm được. Chỉ biết, việc kêu ca học sinh không học môn lịch sử ít đi và hình như mỗi kỳ thi cũng không nhiều điểm 0 nữa.

Cho đến bây giờ, khi từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học chương trình phổ thông mới, môn lịch sử không nằm trong số những môn bắt buộc phải học với học sinh THPT mà nằm vào nhóm những môn các em có thể tự chọn. Thế là lại bắt đầu ồn ào về môn sử.

Cụ thể là theo chương trình phổ thông mới,  có bảy môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương. Ba nhóm môn học để học sinh có thể chọn năm môn gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).  

Theo giải thích của GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo thiết kế chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sau khi học xong chín năm phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9), học sinh đã hoàn thành nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung môn lịch sử, đảm bảo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cốt lõi. Cho nên, đến bậc THPT, ngoài những học sinh lựa chọn lịch sử theo định hướng lựa chọn ngành nghề ở bậc học cao hơn, những học sinh khác có thể chọn học thêm lịch sử vì yêu thích.

Không ai biết được từ năm học tới, có bao nhiêu học sinh vì yêu thích mà chọn môn lịch sử. Và môn lịch sử đứng trước một thực tế, phải trở thành môn hấp dẫn mới được học sinh lựa chọn, hay nói đúng hơn, môn sử phải trở thành một định hướng nghề nghiệp mới nằm trong danh mục được chọn.

Môn sử không phải là việc tự chọn học hay không học - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Hơn 10 năm trước, khi trong một kỳ thi THPT xuất hiện hàng nghìn điểm 0 môn lịch sử, thì nó đã phản ánh một khoảng trống về tri thức sử học trong giới trẻ từ cả 10 năm trước nữa. Thời gian cho đến bây giờ là chừng độ hơn 20 năm, đủ cho một thế hệ lớn lên ít hiểu biết về lịch sử như một hiện tượng khách quan của thời đại, lại vừa có nguyên nhân trực tiếp từ cách dạy và học của nhà trường ngày nay khi việc quan tâm đến kiến thức kỹ năng để vào đời trong đó có cả vấn đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, mưu sinh được đề cao.

Rõ ràng giới trẻ ngày nay đang đứng trước một thách thức rất lớn, các em ngày nay cũng  chỉ có 24 tiếng một ngày như học sinh ngày xưa nhưng phải dành cho biết bao nhiêu là việc. Thế là các em phải lựa chọn thôi, mạng xã hội, công nghệ tin học, ngoại ngữ dễ lôi cuốn hơn là học lịch sử, văn chương.

Các nhà soạn thảo chương trình phổ thông nói rằng  để môn lịch sử hấp dẫn thì các em sẽ lựa chọn. Nhưng làm thế nào để môn lịch sử hấp dẫn tới mức các em sẽ lựa chọn? Có lẽ chả phải chỉ ở chỗ thầy cô dạy hay, dạy giỏi thì sẽ hấp dẫn các em đâu. Học sinh sẽ chọn học cái gì mà ra đời dễ kiếm sống hơn, đó là một lựa chọn chính đáng, đó không phải là việc để trách các em. Thế cho nên, để môn sử được các em chọn chỉ khi nào học ngành sử đo đếm định lượng là ra trường kiếm được bao nhiêu tiền thì học sinh sẽ quan tâm đến môn sử.

Mà chúng ta không có nhiều công việc liên quan đến môn sử kiếm được nhiều tiền, tức môn lịch sử vẫn chưa phải là một định hướng nghề nghiệp hấp dẫn. Thì tức là đã có thể đoán trước, ít học sinh THPT sẽ lựa chọn môn lịch sử. 

Thế có nghĩa là môn lịch sử ấy, không thể là môn tự chọn, mà nên là một môn trong số những môn bắt buộc. Bởi vì lịch sử là cái gì đó ở trong tâm can con người, vấn đề là nó có được đánh thức hay không thôi. Và vấn đề là chúng ta dạy cho học sinh lịch sử không phải để nhớ ngày tháng năm nào mà là để kích thích các em có một tư duy lịch sử. Mà học trò đến cấp THPT mới có khả năng hình thành tư duy lịch sử tốt hơn so với các cấp trước đó, không nên giải thích rằng 9 năm trước các em đã được học lịch sử thế là đủ rồi.

Lịch sử là một môn khoa học nên nó cần thiết sự chính xác, nó cần những con số những dữ kiện chính xác, nhưng quan trọng nhất là sự vận động của tư duy, tính ngụ ngôn của lịch sử.

Nhà sử học Dương Trung Quốc có lần nói với chúng tôi: Không ai ngây thơ đòi hỏi lịch sử khách quan một cách tuyệt đối, lịch sử là chính trị, là ôn cố tri tân, càng nhìn rõ quá khứ bao nhiêu càng nhìn sáng tương lai bao nhiêu. Phân tích cho kỹ tại sao một cuộc chiến tranh nổ ra, tại sao có sự kiện này, sự kiện kia thì chắc chắn chúng ta sẽ tránh được vết xe đổ, chúng ta sẽ mở được con đường phát triển tốt đẹp hơn.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã nói đại ý: Một con người mà không biết sử thì giống như con trâu, chỉ biết cày mà không biết cày trên ruộng của ai cả.

Không ai chọn được nguồn gốc mình sinh ra. Nghĩa là mỗi người sinh ra đều có sẵn một lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình và của tổ tiên gia đình dòng họ. Chúng ta không phải con trâu cày ruộng, chúng ta không lựa chọn được lịch sử, nhưng chúng ta có thể tránh được vết xe đổ của lịch sử. Chúng ta học lịch sử để kiến tạo tương lai.

Môn lịch sử không phải là việc tự chọn học hay không học!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem