HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương lại lỗ đậm sau 6 tháng đầu năm

11/08/2021 08:20 GMT+7
Trong quý II/2021, HAGL Agrico lại lỗ ròng 129 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến lỗ là do giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói, đặc biệt là phí vận chuyển tăng mạnh.

 HAGL Agrico lỗ đậm

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG) của tỷ phú Trần Bá Dương vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021.

Cụ thể, doanh thu thuần của HNG đạt 252 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp gần 18 tỷ đồng, chỉ bằng 13,5% con số đạt được trong quý II/2020.

Trong kỳ, HAGL Agrico ghi nhận doanh thu tài chính tăng mạnh từ 2,7 tỷ đồng lên gần 62 tỷ đồng, chủ yếu nhờ xuất hiện 2 nguồn tiền là thu nhập từ chuyển nhượng khoản đầu tư và lãi cho vay các công ty khác.

Đáng chú ý, do hụt khoản hoàn nhập các chi phí tài chính khác lên đến 156 tỷ đồng vào cuối quý II/2020, chi phí tài chính của HAGL Agrico quý này tăng đột biến lên 138,4 tỷ đồng, mặc dù lãi vay không biến động quá nhiều.

Do đó, cho dù doanh nghiệp đã tiết giảm tốt chi phí bán hàng, song vẫn gánh khoản lỗ trước thuế quý II hơn 163 tỷ đồng, bi quan hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương lại lỗ đậm sau 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương lại lỗ đậm sau 6 tháng đầu năm. Ảnh HNG

Doanh nghiệp cho biết, kết quả kinh doanh quý II chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, khiến cho giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói, đặc biệt là phí vận chuyển tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện trích lập dự phòng một số khoản phải thu cũng đè nặng lên lợi nhuận của HAGL Agrico.

Mặt khác, doanh thu sụt giảm là do một số vườn cây ăn quả đang trong giai đoạn cải tạo và khắc phục tình trạng thiếu nước, thiếu điện, thiếu phân bón từ cuối năm 2020 chuyển sang. Năng suất và chất lượng của các vườn cây này không thể cải thiện trong thời gian ngắn.

6 tháng đầu năm, HAGL Agrico đạt 512 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là gần 123 tỷ đồng 6 tháng, cùng kỳ năm trước lãi ròng 11 tỷ. Lỗ luỹ kế tính tới cuối tháng 6 là 2.429 tỷ đồng.

Năm nay, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 1.891 tỷ đồng, lỗ 84 tỷ đồng. Sau nửa năm, công ty mới đạt 27% chỉ tiêu doanh thu cả năm và vượt khoản lỗ đề ra.

HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương lại lỗ đậm sau 6 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của công ty cuối quý II là 22.829 tỷ, giảm 7,4% so với đầu năm.

Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tại ngày 30/6 đột biến lên 6.909 tỷ đồng, tăng 125% so với cuối quý I. Theo thuyết minh thì khoản này chủ yếu đến từ phải thu của CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) 6.030 tỷ sau khi mua 4 công ty con từ HAGL Agrico.

Tính đến hết quý II, nợ phải trả của HAGL Agrico là 14.655 tỷ đồng, giảm 8,3%. Hầu hết là tiền vay, với dư nợ vay ngắn hạn là 8.254 tỷ đồng (tăng 13%) và nợ vay dài hạn là 3.765 tỷ đồng (giảm 8,2%).

Do nhiều năm làm ăn bết bát, doanh nghiệp ghi nhận lỗ lũy kế gần 2.430 tỷ đồng vào cuối quý II. Hệ số D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) là 1,8 lần.

Về cơ cấu cổ đông, tại ngày 30/7/2021, nhóm Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đang nắm giữ 38,38% vốn và nhóm Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) nắm giữ 16,34% vốn doanh nghiệp.

Mục tiêu của HAGL Agrico quý III: sản lượng trái cây tăng 40% 

Nói về kế hoạch kinh doanh quý III, HAGL Agrico dự kiến đạt 353 tỷ doanh thu. Sản lượng trái cây có thể đạt 24.586 tấn, tăng 40% so với quý II. Trong đó, chuối đạt 22.453 tấn, dứa 165 tấn. Ngoài ra, khai thác mủ cao su dự kiến đạt 1.500 tấn.

Công ty cho hay sẽ tập trung đầu tư mới hệ thống thủy lợi gồm hệ thống hố thu và trạm bơm chính, hồ chứa nước trung gian và hồ tưới để chuẩn bị phục vụ mùa khô năm 2022. Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện, đường dây trung thế, các trạm hạ thế, xây dựng đê để ngăn lũ,... với tổng tiền dự chi trong quý III là 85 tỷ.

Về tiến độ dự án sân bay NongKhang đã hoàn thành 92,34%, tuy nhiên do thực tế phát sinh một số khối lượng vông việc so với hợp đồng và do dịch COVID-19 dẫn đến tiến độ chậm hơn so với dự kiến. Công ty cho biết sẽ phối hợp với các nhà thầu để sớm hoàn tất dự án và tiến hành bàn giao cho Chính phủ Lào.

HNG liên tục giảm

Trong diễn biến liên quan, hồi đầu tháng 7, HAG đã đăng ký bán ra hơn 51 triệu cổ phiếu HNG với thời gian thực hiện từ ngày 7/7 đến 5/8. Tuy nhiên, doanh nghiệp của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã không bán ra bất kỳ cổ phiếu nào trong giai đoạn này, với lý do là thị trường không thuận lợi.

Trên thị trường, giá trị cổ phiếu HNG đã liên tục giảm kể từ đầu tháng 7 đến nay, ước tính giảm gần 30%, hiện đứng ở mức 7.800 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 10/8).

Thế nhưng, ngoài việc thị giá lao dốc, một nguyên nhân khác ngăn HAG bán vốn HAGL Agrico là do động thái cứng rắn từ nhóm cổ đông Thaco.

Theo thông báo ngày 23/7, HAGL Agrico dự kiến dừng thực hiện phát hành 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 5.500 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) và dừng phát hành riêng lẻ hơn 191,4 triệu cổ phiếu HNG cho Thagrico.

Có 3 nguyên nhân được phía Thagrico đưa ra, trong đó có 1 nguyên nhân từ việc bán vốn HAGL Agrico của HAG.

Cụ thể, Thagrico chỉ ra trong điều kiện khó khăn của HAGL Agrico và phương án phát hành cổ phiếu vẫn chưa được thực hiện, thì từ đầu năm 2021, HAG lại liên tục bán cổ phiếu HNG với khối lượng lớn để giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm này xuống 16,34% và thậm chí còn có kế hoạch giảm còn 11,43%.

Trong khi đó, theo cam kết phát hành cổ phần thì nhóm HAG phải duy trì tỷ lệ sở hữu là 25,24%. Phía Thagrico cho rằng, đó cũng là nguyên nhân khiến thị giá HNG tụt giảm xuống dưới mức mệnh giá.

Ngay sau đó, ngày 26/7, HNG tiếp tục cho biết sau khi phát hành thông báo dừng phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp đã nhận được phản hồi tích cực từ các bên liên quan gồm ngân hàng BIDV, HAG và Thagrico. Trong đó, HAG cam kết dừng bán ra cổ phiếu HNG.


An Vũ
Cùng chuyên mục