Hai nhà mạng lớn nhất Canada "ngó lơ" Huawei, tuyên bố hợp tác với Nokia và Ericsson xây dựng mạng 5G
Nhà khai thác mạng BCE có trụ sở tại Montreal cho biết sẽ chọn Ericsson của Thụy Điển làm nhà cung cấp thiết bị mạng di động 5G, bao gồm các ăng-ten và trạm thu phát sóng. Telus Corp trong một tuyên bố mới đây thì tiết lộ sẽ hợp tác với cả Ericsson và Nokia - hai đối thủ chính của Huawei trên thị trường mạng 5G để hỗ trợ xây dựng mạng di động 5G. Thông báo của Telus gây bất ngờ khi hồi tháng 2, CFO của hãng này cho biết sẽ ra mắt mạng di động 5G với sự hợp tác của Huawei.
Phát ngôn viên của Telus, ông Donna Ramirez hiện chưa trả lời lập tức về việc liệu có tiếp tục để Huawei tham gia vào dự án xây dựng mạng 5G của hãng hay không. Đại diện của Huawei chi nhánh Canada cũng chưa đưa ra bình luận.
Những thông báo được đưa ra ngay trước khi chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cấm cửa Huawei khỏi dự án phủ sóng mạng di động thế hệ mới 5G của quốc gia hay không.
Cả Telus và BCE bắt đầu hợp tác với Huawei trong dự án mạng viễn thông lớn tại Bắc Mỹ vào năm 2008. Thỏa thuận hợp tác đã mở đường cho Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông cho 3 công ty khai thác mạng lớn nhất Canada trong suốt hơn một thập kỷ.
Huawei từng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các mạng không dây 3G, 4G tại Canada. Nhưng những năm gần đây, các chính phủ phương Tây đang ngày càng lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia từ việc sử dụng thiết bị mạng di động của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này.
Phía Washington đã nhiều lần cáo buộc chính phủ Bắc Kinh có thể sử dụng Huawei như “sân sau” cho các hoạt động gián điệp. Chính quyền Trump thậm chí đe dọa sẽ cắt nguồn chia sẻ thông tin tình báo nếu các quốc gia đồng minh cho phép Huawei tham gia dự án phủ sóng mạng di động 5G. Thủ tướng Boris Johnson của Anh hồi tháng 1 từng đi ngược lại mong muốn của Mỹ khi quyết định cho phép Huawei tham gia một phần hạn chế vào việc cung cấp các thiết bị mạng không thiết yếu. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc bùng phát trên toàn cầu gây hậu quả nặng nề cho Anh, ông Boris được cho là đang xem xét lại quyết định này.
Là một đồng minh của Mỹ, chính phủ Canada từng tuyên bố sẽ đưa ra quyết định về việc có cấm cửa Huawei hay không vào năm 2019, nhưng Thủ tướng Trudeau cho đến nay vẫn trì hoãn việc công bố quyết định cuối cùng. Căng thẳng Trung Quốc - Canada cũng theo đó mà tăng lên kể từ khi Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt tại sân bay Canada vì cáo buộc gian lận tài chính, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Sau khi bà Mạnh bị bắt, chính phủ Trung Quốc đã đưa hai công dân Canada vào tù và tạm dừng nhập khẩu hàng tỷ USD hàng hóa từ Canada.
Mới đây nhất, bà Mạnh Vãn Châu lần nữa thất bại trong nỗ lực loại bỏ vụ kiện, chống dẫn độ sang Mỹ. Trong phán quyết hôm 27/5, tòa án tối cao British Columbia đã đưa ra phán quyết rằng vụ kiện chống lại bà Mạnh Vãn Châu đã đáp ứng tiêu chuẩn tội phạm kép trong luật dẫn độ của Canada. Tiêu chuẩn này mang ý nghĩa là hành động phạm tội tại Mỹ cũng sẽ bị cho là tội phạm bất hợp pháp ở Canada. Bắc Kinh sau đó cáo buộc Canada là bàn đạp cho một cuộc “đàn áp chính trị” do Mỹ khởi xướng và lãnh đạo, khiến căng thẳng Trung Quốc - Canada thêm nóng lên.