Liên tiếp bị Mỹ "đàn áp", Huawei vội vã dự trữ chip đủ dùng trong 2 năm
Những nỗ lực dự trữ chip của Huawei tập trung chủ yếu vào con chip vi xử lý do Intel sản xuất, thường sử dụng trong máy chủ hoặc chip lập trình từ Xilinx, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review. Đây là những “thành phần thiết yếu” phục vụ mảng kinh doanh đám mây và trạm thu phát sóng 5G mà công ty đang theo đuổi. Dự kiến, Huawei hiện sở hữu số chip dự trữ đủ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong khoảng 1,5 đến 2 năm.
Các nguồn tin cũng tiết lộ Huawei bắt đầu dự trữ chip ngay từ cuối năm 2018, thời điểm CFO Mạnh Vãn Châu bị bắt tại sân bay Canada vì cáo buộc gian lận tài chính, vi phạm chính sách cấm vận của Mỹ với Iran.
Hồi tuần trước, Huawei tiết lộ đã chi tới 167,4 tỷ NDT (23,45 tỷ USD) để dự trữ con chip, linh kiện và vật tư công nghệ trong năm 2019. Con số này tăng mạnh 73% so với hồi năm 2018, trước khi Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen cấm làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ.
Thông tin được Huawei tiết lộ chỉ 3 ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, cấm các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất chip bằng thiết bị sản xuất của Mỹ xuất khẩu cho Huawei khi chưa được Mỹ cho phép. Đây được xem là đòn hiểm chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, buộc các nhà sản xuất chip hợp đồng lớn trên thế giới như TSMC ngừng nhận đơn hàng mới từ Huawei ngay lập tức.
Tờ Nikkei Asian Review cho hay Huawei đang đặc biệt quan ngại về kho dự trữ chip lập trình từ Xilinx - nhà phát triển chip có trụ sở tại San Jose (Mỹ). Dòng chip lập trình này cực kỳ quan trọng trong các cơ sở hạ tầng mạng viễn thông và trạm gốc của Huawei, đóng vai trò thiết yếu trong dự án phủ sóng mạng 5G thế hệ mới mà Huawei đang giữ vai trò tiên phong. Hiện không nhà sản xuất nào trên thế giới ngoài các doanh nghiệp Mỹ cung cấp dòng chip lập trình có hiệu năng tương tự.
“Các chip lập trình của Xilinx quá khó để tìm nguồn cung thay thế trong bối cảnh hiện tại. Ngay cả công ty con chuyên thiết kế chip HiSilicon của Huawei cũng không thể thiết kế chip có khả năng cạnh tranh tương đối với sản phẩm của Xilinx” - một nhà cung cấp của Huawei cho hay.
Bên cạnh đó, chip lập trình của Xilinx có vai trò quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc gia, bởi nó được sử dụng rộng rãi trong công nghệ vũ trụ và quốc phòng, như máy bay chiến đấu F-35 của quân đội Mỹ hay vệ tinh của NASA. Đó là một trong những lý do vì sao chính quyền Tổng thống Donald Trump gây áp lực cho nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC - đối tác sản xuất chip của Xilinx xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ.
Huawei cũng được cho là đang nỗ lực nhập khẩu CPU từ Intel và Advanced Micro Devices. Hai doanh nghiệp Mỹ này hiện chia nhau nắm giữ gần 98% thị phần thị trường CPU máy chủ toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng với mảng phát triển điện toán đám mây của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Dù bị đưa vào danh sách đen của Mỹ và hạn chế làm ăn với doanh nghiệp Mỹ từ tháng 5/2019, Huawei vẫn tiếp tục xây dựng kho dự trữ chip Mỹ thông qua các kênh như nhà phân phối trong nước, thậm chí đề nghị các nhà cung cấp thay Huawei nhập khẩu chip. Theo nhiều nguồn tin, Huawei sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều mức giá thực tế để tăng nguồn dự trữ chip.
Bên cạnh các công ty Mỹ, Huawei cũng tăng cường xây dựng kho dự trữ chip nhớ flash từ các nhà cung cấp Samsung, SK Hynix của Hàn Quốc. Hồi đầu tuần, tờ Nhật báo Kinh tế Trung Quốc cho hay Huawei đã đàm phán với hai nhà sản xuất chip hàng đầu Hàn Quốc nói trên về việc đảm bảo nguồn cung chip nhớ ổn định.