Hãng hàng không, tàu biển và cảng Trung Quốc "sống tốt" qua đại dịch nhờ đâu?

01/04/2021 17:27 GMT+7
Ba hãng hàng không quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đã không tránh được thiệt hại nặng nề khi đại dịch Covid-19 tàn phá ngành du lịch toàn cầu vào năm ngoái. Trong năm 2020, 3 gã khổng lồ cùng nhau gánh khoản lỗ ròng khoảng 5,7 tỷ USD, bất chấp lưu lượng hành khách nội địa phục hồi từ rất sớm.

Năm ngoái, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại kỷ lục, nhờ tăng trưởng xuất khẩu lên mức 3,6% và tăng trưởng GDP đạt 2,3%. Dù đây được đánh giá là mức tăng trưởng kinh tế chậm nhất của Trung Quốc trong 44 năm qua, nước này vẫn là nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu ghi nhận tăng trưởng thực trong bối cảnh đại dịch tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Sự gia tăng kim ngạch thương mại hàng hóa đã mang về lợi ích cho các chủ hãng tàu biển, dịch vụ hậu cần và các nhà khai thác cảng của Trung Quốc. 

Ba hãng hàng không lớn của đại lục - China Southern Airlines, China Eastern Airlines và Air China - đã công bố một báo cáo riêng hôm 30/3, trong đó cho thấy mỗi hãng lỗ ròng hơn 10 tỷ NDT (1,52 tỷ USD) trong năm 2020. Nguyên nhân chính là do lưu lượng hành khách giảm mạnh, đặc biệt ở các tuyến bay quốc tế.  Nhưng lưu lượng vận tải hàng hóa tăng mạnh đã giúp giảm bớt thiệt hại tài chính. Kim ngạch thương mại Trung Quốc được thúc đẩy nhờ nhu cầu tăng vọt với hàng hóa đặt mua online, khi các biện pháp hạn chế di chuyển và phong tỏa quốc gia buộc người tiêu dùng toàn cầu chôn chân tại nhà.

Hãng hàng không, tàu biển và cảng Trung Quốc "sống tốt" qua đại dịch nhờ đâu? - Ảnh 1.

Lưu lượng vận tải hàng hóa tăng mạnh giúp giảm bớt thiệt hại tài chính cho các hãng hàng không, tàu biển Trung Quốc

Hãng hàng không quốc gia Air China chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với lưu lượng hành khách giảm mạnh 55% và lỗ ròng lớn nhất là 14,4 tỷ NDT. Thêm vào đó, khoản lỗ lịch sử của hãng hàng không Cathay Pacific Airways - với 29,9% cổ phần thuộc sở hữu của Air China - càng làm suy giảm lợi nhuận của hãng. Tình hình của Cathay thậm chí còn tồi tệ hơn so với các công ty cùng ngành ở Trung Quốc Đại lục, vì hãng hàng không Hồng Kông không có các tuyến bay nội địa để giảm thiểu thiệt hại tài chính khi các tuyến bay quốc tế đình trệ. Cathay Pacific Airways báo cáo lỗ ròng lớn kỷ lục lên tới 2,81 tỷ USD trong năm 2020.

Nhìn chung, cả ba hãng vận tải hàng không lớn nhất Đại lục báo cáo tổng doanh thu năm 2020 đạt 230 tỷ NDT, giảm mạnh 45% so với năm 2019. Tuy nhiên, mức thiệt hại tổng thể đã được giảm nhẹ tương đối nhờ doanh thu từ vận tải hàng hóa tăng vọt 56%.

China Southern - hãng hàng không vừa trở thành hãng vận tải hành khách lớn nhất thế giới trong năm 2020 khi các đối thủ toàn cầu cắt giảm tuyến bay do đại dịch - đã ghi nhận doanh thu từ vận tải hàng hóa tăng vọt 72% lên 16,49 tỷ NDT vào năm ngoái.

Khi các hãng hàng không cắt giảm các chuyến bay chở khách để tránh thiệt hại về tài chính, năng lực vận chuyển hàng hóa (chủ yếu dựa vào khoang chứa của máy bay chở khách) cũng bị giảm đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu về chuyến bay chở hàng, đặc biệt là vật tư y tế lại tăng vọt. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này, 3 hãng bay lớn nhất đại lục đã tăng cường các chuyến bay chở hàng, thậm chí trang bị lại một số máy bay chở khách để chuyên chở hàng hóa.

Việc kim ngạch thương mại hàng hóa tăng vọt cũng có lợi với các nhà khai thác sân bay. Sân bay Quốc tế Thượng Hải hôm 26/3 báo cáo đã xử lý 3,68 triệu tấn hàng hóa vào năm 2020, tăng 1,4% so với năm 2019, trong khi lưu lượng hành khách giảm 60% xuống 30,47 triệu. 

Lĩnh vực vận tải biển của Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng toàn cầu về vận tải hàng hóa đường biển. Cosco Shipping Holdings, nhà vận chuyển hàng hải lớn thứ ba thế giới tính theo năng lực đội tàu, đã báo cáo doanh thu  tăng 14% so với năm 2019, lên 171,25 tỷ NDT, trong khi lợi nhuận ròng tăng 48% lên 9,92 tỷ NDT. Nhu cầu vận tải hàng hóa tăng vọt đã đẩy giá cước vận chuyển đường biển lên cao.

Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải đầu tuần này cũng báo cáo đã xử lý 43,5 triệu TEU container hàng hải vào năm 2020, tiếp tục là cảng lớn nhất thế giới về sản lượng trong năm thứ 11 liên tiếp. Doanh thu hàng năm giảm 28% xuống 26,11 tỷ NDT do chính quyền địa phương đóng cửa một cảng quặng sắt trên sông Dương Tử dựa trên những lo ngại về môi trường.

Xu hướng tăng về nhu cầu hàng hóa dường như đang tiếp tục, khi hãng hậu cần quốc doanh Sinotrans hôm 30/3 đưa ra dự báo tích cực rằng lợi nhuận ròng quý I/2021 dự kiến sẽ đạt từ 805 triệu NDT đến 854 triệu NDT, tức tăng 250% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với quý I/2019, thời điểm đại dịch chưa bùng phát. 

Subhas Menon, Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Vận tải hàng hóa vẫn là điểm sáng duy nhất với các hãng hàng không châu Á. Tuy nhiên, mức tăng doanh thu từ vận tải hàng hóa không thể bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu vận tải hành khách." Trong hai tháng đầu năm, các hãng hàng không châu Á chỉ vận chuyển 4% lưu lượng hành khách quốc tế bay trong những tháng tương ứng của năm 2019, trước khi đại dịch tàn phá ngành du lịch, ông Menon cho biết thêm.

Dù vậy nhìn chung, các hãng vận tải hàng không Trung Quốc đang có vị thế phục hồi tốt hơn hẳn các hãng hàng không khu vực do nhu cầu tại thị trường nội địa rộng lớn gần như đã khôi phục hoàn toàn.


NTTD
Cùng chuyên mục