Hàng hóa tuần qua: Giá 7 loại phân bón đi lên, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 70%

30/04/2022 08:07 GMT+7
UAN28, UAN32 và phân lót 10-34-0 trong tuần kết thúc vào ngày 22/4 tăng 3% so với tuần trước đó lên lần lượt 631 USD/tấn, 730 USD/tấn và 1.534 USD/tấn.

Giá 7 loại phân bón tăng 

Theo trang chuyên về phân bón DTN của Mỹ, giá trung bình trong tuần kết thúc vào 22/4 của 7 loại phân bón tăng, riêng ure giảm so với tuần trước đó.

Ba loại gồm UAN28, UAN32 và phân lót 10-34-0 tăng 3% so với tuần trước đó lên lần lượt 631 USD/tấn, 730 USD/tấn và 1.534 USD/tấn. UAN28 và UAN32 đều lập kỷ lục mới.

Hàng hóa tuần qua: Giá 7 loại phân bón đi lên, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 70% - Ảnh 1.

Diễn biến giá phân bón MAP tại Trung Quốc. Nguồn: DTN

Phân khô và MAP đều nhích lên 1% và lần lượt ở 906 USD/tấn, 1.079 USD/tấn. Kali, DAP tăng dưới 1% lên 879 USD/tấn và 1.050 USD/tấn. Trong khi đó, ure giảm 5 USD/tấn so với tuần trước đó và còn 1.012 USD/tấn.

So với một tháng trước, giá MAP tăng 6%, UAN32 tăng 5%, ure và phân lót cùng cao hơn 4%, DAP và kali cùng nhích lên 3%. UAN28 tăng 2% và phân khô tăng 1%.

So với cùng kỳ năm ngoái, phân lót tăng 48%, MAP tăng 54%, DAP tăng 68%. UAN28, UAN32, ure cao hơn lần lượt 81%, 87% và 99%. Kali cao hơn 103% và phân khô cao hơn 117%. ()

Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong quý I tăng gần 70%

Tháng 3, cuộc xung đột Nga – Ukraine tác động đến nhiều góc của nền kinh tế thế giới. Thương mại thủy sản toàn cầu cũng bị ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng, cước vận tải biển, chi phí logistic cao hơn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 3 vẫn ghi nhận trên 1 tỷ USD.

Theo VASEP, giá trung bình xuất khẩu thủy sản sang các thị trường tăng, có thể được xem là yếu tố chính giúp cho kim ngạch xuất khẩu ngành này trong 3 tháng đầu năm cao nhất trong số quý I các năm. Trong đó, giá cá tra sang các thị trường tăng 40-70%, các sản phẩm khác cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý I, xuất khẩu thủy sản mang về trên 2,5 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ 2021.

Thị trường Mỹ vẫn giữ ngôi vị thứ nhất chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm và tăng trưởng cao thứ hai với mức tăng 72% trong quý I.

Tất cả các sản phẩm chủ lực sang Mỹ trong quý I đều tăng từ 45% đến 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch cá tra tăng mạnh nhất với 124%. Giá trung bình cá tra sang Mỹ ba tháng đầu năm nay tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,6 USD/kg. ()

Giá khí đốt giảm gần 12% trong một ngày

Giá khí đốt tại Anh ngày 28/4 giảm 11,8% so với ngày 27/4 xuống còn 132 xu Anh/therm (1,7 USD/therm). Giá mặt hàng này đang ở mức thấp nhất 7 tháng.

Hàng hóa tuần qua: Giá 7 loại phân bón đi lên, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 70% - Ảnh 2.

Diễn biến giá khí đốt tại Anh. Nguồn: Trading Economics

Giá khí đốt tại châu Âu cũng hạ 4,6% so với ngày 27/4 xuống còn 102,5 euro/mwh (108 USD/mwh).

Thị trường khí đốt hạ nhiệt vì các khách hàng vẫn tiếp cận được với nguồn khí đốt từ Nga sau khi Moscow tuyên bố ngừng bán cho Ba Lan và Bulgari. Ba Lan cho biết vẫn còn nhiều tồn kho và có thể nhập khẩu từ Đức trong khi chờ hoàn thiện đường nối ống tới Na Uy.

Trước đó, ngày 27/4, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga nói  ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgari vì hai quốc gia này không thanh toán giao dịch khí đốt bằng đồng ruble như yêu cầu của Moscow khiến giá khí đốt tại Anh và châu Âu đều tăng. Động thái của điện Kremlin lần này được cho là cứng rắn trước các lệnh trừng phạt mà châu Âu áp đặt vào Nga vì hành động quân sự tại Ukraine.

Ba Lan và Bulgari là những quốc gia đầu tiên bị Nga ngừng cung cấp khí đốt từ khi cuộc chiến tại Ukraine xảy ra ngày 24/2. Moscow cung cấp lần lượt 50% và 90% khí đốt cho Ba Lan và Bulgari. ()

Axit hydrochloric tăng 5% trong một ngày

Axit hydrochloric, chất dùng trong sản xuất một số hợp chất hữu cơ để cho ra nhựa PVC, tẩy gỉ thép, tại Trung Quốc ngày 28/4 là 325 nhân dân tệ/tấn (49 USD/tấn), tăng 4,9% so với ngày trước đó, mức cao nhất trong gần 3 tuần qua. So với đầu năm, giá mặt hàng này tăng 9%.

Trong khi đó, 2-etylhexanol (2 - EH), chất được sử dụng trong sản xuất cao su, khai thác dầu khí, hạ 1,6% so với ngày 27/4 xuống còn 12.166 nhân dân tệ/tấn (1.833 USD/tấn). Đợt tăng giá mạnh nhất từ đầu năm ghi nhận hồi đầu tháng 2 với 14.500 nhân dân tệ/tấn (2.185 USD/tấn), cao hơn hiện tại 16%. So với đầu năm, giá 2-etylhexanol hiện cao hơn khoảng 1%. ()

Một số tin tức khác

Từ sau Tết Nguyên đán, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi giá các loại nguyên liệu đầu vào để sản xuất liên tục tăng cao. Chính vì lý do này, giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản thành phẩm cũng tăng từ 3 - 13%.

So sánh tháng 3 năm nay với tháng 3 năm 2021, nhóm ngũ cốc tăng giá mạnh. Ví dụ ngô hạt tăng gần 30%, đỗ tương tăng hơn 33%, bã ngô tăng hơn 23%, tăng mạnh nhất là lúa mì tăng gần 50%.

Trong khi đó, giá thức ăn chiếm tới 65 - 70% giá thành trong chăn nuôi. Thời gian qua, các trang trại, hộ chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn kép dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trước những khó khăn này, nhiều trang trại, hộ gia đình đành phải tạm thời bỏ trống chuồng trại. ()

Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Theo đó, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.

Còn riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành. ()

Tờ Financial Times (FT) dẫn các nguồn thạo tin ngày 28/4 cho biết, các nhà phân phối khí đốt ở Đức, Áo, Slovakia và Hungary đang chuẩn bị mở tài khoản đồng ruble với ngân hàng Gazprombank để thanh toán hợp đồng khí đốt với Nga.

Theo ấn phẩm, trong số các công ty quyết định lách lệnh trừng phạt đối với Moscow có hai nhà nhập khẩu lớn nhất châu Âu là Uniper của Đức và Tập đoàn OMV của Áo. Đàm phán giữa người mua châu Âu và Gazprom tích cực hơn khi thời hạn thanh toán đến gần. 


Theo NDH
Cùng chuyên mục