Hộ khẩu tỉnh khác có làm Căn cước công dân ở Hà Nội được không?

04/11/2020 09:22 GMT+7
Rất nhiều người cần làm thẻ Căn cước công dân nhưng lại đang sinh sống, làm việc ở các thành phố lớn, khác với nơi đăng ký thường trú của mình. Vậy hộ khẩu tỉnh khác có làm Căn cước công dân ở Hà Nội được không?

Khác tỉnh có thể làm Căn cước công dân ở Hà Nội?

Theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước công dân năm 2014, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

(i) Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

(ii) Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

(iii) Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

Hộ khẩu tỉnh khác có làm Căn cước công dân ở Hà Nội được không? - Ảnh 1.

Trên thực tế, công dân có hộ khẩu thường trú ở địa phương nào bắt buộc phải về địa phương đó để làm thẻ Căn cước công dân.

(iv) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Quy định này được Bộ Công an xây dựng trên tinh thần giúp công dân thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục hành chính, cụ thể là thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Và nếu chỉ đọc quy định này, chắc chắn nhiều người nghĩ rằng công dân ở địa phương khác hoàn toàn có thể làm Căn cước công dân tại Hà Nội, thậm chí tại bất cứ tỉnh, thành phố nào trên cả nước.

Tuy nhiên, Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA lại quy định rằng:

Khi Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

(i) Cơ quan quản lý Căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó;

(ii) Cơ quan quản lý Căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đều chưa đi vào vận hành. Vì thế, trên thực tế, công dân có hộ khẩu thường trú ở địa phương nào bắt buộc phải về địa phương đó để làm thẻ Căn cước công dân.

Thủ tục làm thẻ Căn cước công dân lần đầu

Thủ tục làm thẻ Căn cước công dân được hướng dẫn tại Điều 22 Luật Căn cước công dân năm 2014 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA (sửa đổi bởi Thông tư 40/2019/TT-BCA). Theo đó, người dân tiến hành làm Căn cước công dân qua 04 bước sau:

Bước 1: Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân và xuất trình sổ hộ khẩu;

Bước 2: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân;

Bước 3: Cán bộ chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định;

Bước 4: Người dân nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân và đến lấy thẻ theo lịch hẹn trên giấy.

Mức thu lệ phí làm thẻ Căn cước công dân:

+ 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân cho đối tượng là công dân từ đủ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ căn cước công dân, đổi thẻ căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ căn cước công dân.

+ 50.000 đồng/ thẻ căn cước khi thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán, có sai sót về thông tin trên thẻ khi công dân có yêu cầu.

+ 70.000 đồng/căn cước công dân khi cấp lại thẻ do bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam.

A.Vũ
Cùng chuyên mục