Hoạt động giao dịch trầm lắng, giá gạo xuất khẩu chưa thể bứt phá

16/07/2022 17:55 GMT+7
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan tuần này đều không thay đổi so với tuần trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này được chào bán ở mức 415- 420 USD/tấn...

Giá lúa gạo nội địa giảm, giá gạo xuất khẩu giữ ổn định

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ không thay đổi trong tuần này do lo ngại về sản lượng nội địa trong bối cảnh lượng mưa thấp đã ngăn cản các nhà xuất khẩu giảm giá gạo bất chấp đồng rupee giảm so với USD.

Theo đó, gạo đồ, 5% tấm của Ấn Độ tuần này được chào bán ở mức 361 - 366 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, tính đến 15/7, nông dân Ấn Độ đã trồng 7,2 triệu ha lúa trong mùa vụ này, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng mưa ít ở các khu vực trồng trọt chính.

Trong khi đó, giá gạo nội địa ở nước láng giềng Bangladesh vẫn tăng bất chấp một loạt các biện pháp từ Chính phủ, bao gồm cả việc cắt giảm thuế nhập khẩu.

Bangladesh, theo truyền thống là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba trên thế giới, thường phải nhập khẩu mỗi khi thiên tai gây thiếu hụt nguồn cung.

Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này được chào bán ở mức 415- 420 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Tuy nhiên, giá lúa trong nước tuần này đang giảm do nguồn cung tăng trong bối cảnh vụ thu hoạch đang diễn ra.

Hoạt động giao dịch trầm lắng do nhu cầu gạo trắng yếu, thương nhân xuất khẩu gạo trong nước cho biết. Nhu cầu đối với gạo thơm vẫn tương đối cao và điều này thuận lợi cho chiến lược chuyển đổi sang gạo chất lượng cao của Việt Nam sang các thị trường như Nhật Bản, EU, Canada và Mỹ.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan ổn định, với loại 5% tấm được bán ở mức 420 USD/tấn. Giá gạo Thái vẫn như tuần trước. 

Hoạt động giao dịch trầm lắng, giá gạo xuất khẩu chưa thể bứt phá - Ảnh 1.

Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chững lại và đi ngang.

Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chững lại và đi ngang. Cụ thể, tại An Giang, lúa tươi Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua với mức 5.900 – 6.100 đồng/kg; lúa OM 5451 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa Nàng hoa 9 ở mức 6.100 – 6.200 đồng/kg; lúa tươi OM 18 6.000 – 6.100 đồng/kg; IR 504 5.500 – 5.700 đồng/kg; lúa IR 504 khô 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.100 – 6.300 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm điều chỉnh giảm từ 50 đồng/kg. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.400 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.700 – 8.800 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá sụt giảm từ 200 – 300 đồng/kg. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.450 – 8.500 đồng/kg, giảm 250 đồng/kg; cám khô 9.000 đồng/kg, giảm 250 đồng/kg.

Trong tuần qua, thị trường gạo nội địa tiếp tục chậm, kho đè giá mua giảm 100 – 200 đồng/kg. Cuối tuần, giá các loại gạo giảm so với đầu tuần. Thị trường lúa chậm lại, giá lúa sụt, chất lượng lúa kém.

Trong báo cáo ngành gạo, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã chỉ ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, căng thẳng giữa Nga-Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhu cầu gạo tiêu thụ gạo của thế giới tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.

Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu gạo của ta đạt 3,5 triệu tấn, tương đương 1,6 tỷ USD, tăng 16% về lượng và tăng 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. VDSC cho rằng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ ba động lực.

Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu từ Philippines, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 43,6% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Tiêu thụ gạo ở Philippines đang tăng do giá lúa mì tăng cao. Bên cạnh đó, sản lượng gạo sản xuất của Phillippines được dự báo đi ngang đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu. Do đó, Việt Nam, thị trường chiếm hơn 80% thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021-2022 hưởng lợi.

Thứ hai, Trung Quốc, nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng dự kiến sẽ tăng nhập khẩu trở lại. Trước đó, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2021 về sản lượng và giá trị do chính sách Zero-Covid của nước này.

Mặc dù chính sách này chưa được dỡ bỏ, VDSC cho rằng Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu gạo trong nửa cuối năm 2022. Bởi, việc hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô.

Một động lực khác là xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Mặc dù nhập khẩu gạo từ EU chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng, nhưng có rất ít doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn để vào thị trường này.

VDSC cho rằng, sản lượng xuất khẩu gạo dự kiến sẽ tăng song giá xuất khẩu trong thời gian tới có thể đi ngang, ngược lại với xu hướng toàn cầu.

Trong tháng 6, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam là 493 USD/tấn, tăng 2,3% so với tháng trước nhưng giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2021 vì các nhà sản xuất gạo Việt Nam đã không tăng giá bán để thu hút thêm khách hàng. VDSC dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đi ngang trong nửa cuối năm 2022.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực

Theo Cục Xuất nhập khẩu, dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với biến chủng mới, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực.

Thống kê sơ bộ tính đến hết tháng 6/2022, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của ta tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%.

Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

Giá gạo xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2022 đã có xu hướng tăng theo khu vực trong bối cảnh nhu cầu lương thực gia tăng và xung đột Nga - Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á.

Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Bộ Nông nghiệp Philippines chính thức cấp lại giấy phép kiểm dịch thực vật SPS-IC cho các thương nhân nhập khẩu gạo trong tháng 5 vừa qua đã giúp khôi phục kết quả xuất khẩu gạo của ta vào thị trường này.

Hoạt động giao dịch trầm lắng, giá gạo xuất khẩu chưa thể bứt phá - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt khi nhiều quốc gia vẫn tăng dự trữ trước lo ngại của xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam tiếp tục khẳng định là quốc gia xuất khẩu gạo lớn cùng với Thái Lan, Ấn Độ và có uy tín trên thị trường quốc tế. 

Nhận định thị trường cuối năm tích cực, nhưng Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược và sự điều chỉnh phù hợp. 

Thị trường xuất khẩu gạo 6 tháng tới vẫn giữ ổn định, tuy nhiên những thị trường truyền thống hay thị trường dùng đồng tiền USD có thể giảm nhập khẩu. Nguyên nhân là do hiện nay đồng USD đang tăng rất cao, khách hàng mua thì lượng tiền hàng tăng hơn trước đó. Như vậy khi khách hàng nhập hàng về thì giá thành cao hơn giá thị trường, do đó khách hàng có thể sẽ giảm nhập khẩu.

Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

Theo các chuyên gia, nửa đầu năm 2022 mặc dù về cơ bản xuất khẩu gạo của Việt Nam khá ổn định song vẫn bộc lộ một số yếu tố khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột chính trị trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. 

Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, các Bộ ngành đề nghị, VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

Được biết, dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2021 – 2022 sẽ thấp hơn so với dự báo trước đó. Nhập khẩu và xuất khẩu toàn cầu dự báo sẽ tăng do nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Xuất khẩu gạo nhiều hơn đến từ Ấn Độ, Pakistan và Campuchia.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục