Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam

08/07/2022 18:14 GMT+7
Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã có sự chuyển biến tích cực

Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều giữa các mặt hàng.

Cụ thể, tại An Giang, lúa tươi OM 5451 được điều chỉnh tăng 50 đồng/kg lên mức 6.100 – 6.150 đồng/kg. Trong khi đó, với mặt hàng nếp Long An tươi, giá giảm 100 đồng/kg xuống còn 6.100 – 6.200 đồng/kg.

Với các mặt hàng còn lại, giá đi ngang, hiện lúa tươi IR 504 đang được thương lái thu mua ở mức 5.500 – 5.650 đồng/kg; lúa Nàng hoa 6.400 – 6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 6.000 – 6.200 đồng/kg; lúa tươi OM 18 5.800 – 5.900 đồng/kg; nếp An Giang tươi 5.700 – 5.900 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa khô, IR 504 6.500 đồng/kg; nếp An Giang 7.700 – 7.800 đồng/kg; nếp Long An 7.700 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.350 - 8.450 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.850 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá đi ngang. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.700 – 8.750 đồng/kg; cám khô 9.200 – 9.250 đồng/kg.

Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về nhiều hơn, các kho mua giảm. Giá lúa Hè thu chững lại. Trong khi đó với mặt hàng tấm, cám nhu cầu tăng nhẹ, giá neo ở mức cao.

Với gạo Việt Nam, hiện giá chào bán gạo xuất khẩu chững lại và đi ngang. Hiện, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ nguyên mức 403 USD/tấn.

Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt.

Thống kê sơ bộ tính đến hết ngày 15/6, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng gần 12,3% về lượng và tăng nhẹ 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với biến chủng mới, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát từ giá nguyên liệu sản xuất leo thang trên thế giới nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu và khẳng định được giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu.

Về giá gạo, trong nửa đầu năm nay cũng có xu hướng tăng và hiện ở mức 418-420 USD/tấn đối với gạo 5% tấm - do nhu cầu lương thực tăng và cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á. Tuy vậy, mức giá này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, khi cùng kỳ đạt 470 USD/tấn.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Ngoài Philippines thì nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, châu Phi và Cuba cũng góp phần mạng lại kết quả xuất khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đầy lạc quan.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định rằng, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo VFA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.

Thực tế, đến nay xuất khẩu gạo vẫn bộc lộ một số yếu tố khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột chính trị trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo đạt hiệu quả, VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tiếp tục đảm bảo việc thu mua lúa gạo cho nông dân, không để lúa gạo tắc đầu ra sau thu hoạch. Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.

Gạo Việt đang chinh phục những thị trường cao cấp nhất thế giới 

Mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định cho rằng, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ 3 động lực.

Theo đó, tại thị trường Philippines, tiêu thụ gạo đang tăng do giá lúa mì tăng cao. Bên cạnh đó, sản lượng gạo sản xuất của Phillippines được dự báo đi ngang đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu. Do đó, Việt Nam, thị trường chiếm hơn 80% thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021-2022 hưởng lợi.

Với thị trường Trung Quốc, mặc dù chính sách “Zero Covid” chưa được dỡ bỏ, song Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu gạo trong nửa cuối năm 2022. Bởi, việc hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô.

Một động lực khác là xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm mà cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết.

Nhu cầu thế giới tăng, cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam - Ảnh 3.

Được biết, việc gạo Việt đã lên kệ tại các siêu thị tại Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ… cho thấy chất lượng gạo Việt đang chinh phục những thị trường cao cấp nhất thế giới.

Được biết, việc gạo Việt đã lên kệ tại các siêu thị tại Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ… cho thấy chất lượng gạo Việt đang chinh phục những thị trường cao cấp nhất thế giới. Cụ thể mới đây, tại thủ đô Tokyo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi (Nhật) tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An mà công ty đã đưa thành công vào thị trường Nhật Bản.

Hay đợt hàng gần 500 tấn gạo thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" được giao trong tháng 6, vận chuyển bằng đường biển và sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7.

Lô hàng này là của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, các lô gạo xuất khẩu trước đó chỉ được phân phối dưới thương hiệu của đối tác các nước sở tại và đây là lần đầu tiên gạo do Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Việc gạo Việt Nam xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và châu Âu tiếp tục là một dấu ấn quan trọng, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, trước khó khăn về nguồn cung lúa mì trên thế giới, gạo - một loại lương thực chính ở phần lớn châu Á sẽ tăng giá mạnh thời gian tới. Đây cũng là lợi thế cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây cũng đã đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 ở mức kỷ lục 54,3 triệu tấn, tăng gần 3% so với năm 2022. Trong đó, Ấn Độ tiếp tục làm chủ thị trường với khối lượng xuất khẩu lên đến 22 triệu tấn, chiếm gần 41% thương mại gạo toàn cầu.

Với Việt Nam, sau khi tăng hơn 200.000 tấn lên 6,5 triệu tấn trong năm 2022, xuất khẩu dự kiến giảm xuống còn 6,4 triệu tấn trong năm 2023.

Trái lại, USDA dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tăng gần 1 triệu tấn lên mức 7 triệu tấn vào năm 2022 và tiếp tục tăng lên 7,5 triệu tấn trong năm tới.

Về nhập khẩu gạo toàn cầu, Trung Quốc chiếm phần lớn trong mức tăng dự kiến toàn cầu trong năm 2023 với dự báo đạt kỷ lục 6 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022. Theo đó, Trung Quốc được dự báo sẽ nhập khẩu số lượng lớn gạo tấm từ Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và Thái Lan.

Tiếp theo, Philippines dự báo sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo số hai thế giới trong năm 2023 với 3 triệu tấn, chủ yếu là gạo chưa xay xát, không thay đổi so với kỷ lục của năm 2022.

Nigeria và EU được dự báo sẽ đều nhập khẩu 2,2 triệu tấn gạo vào năm 2023, trong đó nhập khẩu của EU dự kiến cao kỷ lục và Nigeria chủ yếu nhập khẩu gạo đồ.

Các quốc gia khác nhập khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo vào năm 2023 bao gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi, UAE và Mỹ.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, ngoài Trung Quốc, xuất khẩu gạo của Việt Nam tới đây sẽ tăng mạnh ở cả Philipines, chủ yếu là do nhu cầu từ Philippines, thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta tăng mạnh. Hiện Philippines đang chiếm 46% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường chính khác tới đây cũng sẽ tăng khá mạnh như Bờ Biển Ngà, Malaysia, Mozambique…

Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường “khó tính” như Mỹ hay các nước trong khối EU như Italia, Đức, Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha…

Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, các cơ quan chức năng cho biết thị trường xuất khẩu gạo rất sôi động vào đầu quý III, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2-6,4 triệu tấn. Quý III/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh.

Từ biến động mạnh của nhu cầu gạo trên toàn cầu, Bộ Công Thương đưa ra nhận định: Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt trên 6,4 triệu tấn cao hơn 200.000-300.000 tấn so với năm 2021. Xuất khẩu gạo có thể lạc quan hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng lên. Bên cạnh đó, nguồn gạo dự trữ của Philippines cũng đang ở mức thấp, cần nhập thêm cũng là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam, dù thị trường này đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ Ấn Độ.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục